Từ Viettel đến... Thể Công
(Thethaovanhoa.vn) - Để đội bóng vừa vô địch giải hạng Nhất, sang năm sẽ chơi ở V-League, Viettel, chính thức lấy tên CLB Thể Công, là chuyện quá đơn giản.
- Công Phượng bị treo giò, huyền thoại Thể Công nói gì khi Viettel lên hạng?
- Viettel mang 'thương hiệu' Thể Công trở lại V-League 2019
- Viettel trước ngưỡng cửa vô địch giải hạng nhất
Thực tế, không ít thương hiệu, kể cả lĩnh vực bóng đá, đã trở lại với cái tên nguyên bản sau nhiều phen thay tên, đổi họ. Một cái tên đã định danh trong trái tim khách hàng, đã là một giá trị lớn, nhất là giá trị truyền thông.
Không phải đến khi Thể Công có khả năng xuất hiện trở lại, fan nhiều đội bóng đã có nguyện vọng “trả lại tên cho em”, cho nhiều CLB vang bóng một thời. Lý do, sau 18 năm lên chuyên nghiệp, mang danh chuyên nhưng khán giả kém xa so với trước, chất lượng cũng bình thường, trong khi tên CLB cứ bị gắn đuôi, thay đổi xoành xoạch, rất ức chế. Đa số các CLB đang chơi ở V-League đều chưa chuyên nghiệp, chưa lấy bóng đá nuôi bóng đá được, sống dựa dẫm vào doanh nghiệp nên nếu các ông bầu “rút ống thở” là “đi”.
Việc doanh nghiêp tài trợ gắn tên vào “cái đầu” hoặc “thân” CLB, là quy luật thị trường, bóng đá chuyên nghiệp là thế. Bầu sữa bao cấp không thể đủ làm bóng đá chuyên nghiệp. Những bài thuyết giảng truyền thống chỉ hợp với các bậc công thần, nhưng với thế hệ cầu thủ trẻ họ đá bóng với thời đại khác, nhu cầu khác và thậm chí, cách chơi bóng cũng khác nhiều.
Chúng ta đã tồn tại nhiều mô hình. Và rồi, mô hình nào cũng có vấn đề mà đến một biểu tượng lừng lẫy như Thể Công (Quân khu 3, Quân khu 5, Quân khu 7... cùng nhiều đội bóng ngành Công an) cũng phải giải tán. Thực tế, không ít lần Thể Công bị nghi ngờ tiêu cực mà đỉnh điểm là trận bán kết với SLNA năm 2004 trên sân Vinh, để nói quản lý cầu thủ thời buổi này khác trước rất nhiều.
Cho nên, nếu phục dựng lại Thể Công chỉ để mục đích dễ tranh thủ tình yêu của khán giả, chỉ “trung sách”.
Kéo khán giả đến sân là một bài toán quá khó, mà ở đó nhiều khi CLB đá đẹp, có thành tích vẫn còn là một chặng đường gian nan.
Thể Công (nếu có) có giàu bản sắc trong lối chơi như Hà Nội? Thể Công có đạt nhiều thành tích và hội tụ nhiều ngôi sao như đội bóng bầu Hiển? Chắc chắn còn lâu mới sánh nổi.
Kể cả Viettel tài chính quá mạnh, nhưng chuyện dám bơm tiền mạnh mẽ cho bóng đá, cùng cách thức quản lý đội Hà Nội của bầu Hiển vẫn có lợi thế hơn, kho công văn phải qua ít cửa, thậm chí sau trận bóng bầu Hiển xuống sân “quyết phát là xong”.
Quan trọng, thế hệ 9x về sau cũng chẳng mấy ai còn trực tiếp chiêm ngưỡng các ngôi sao của tượng đài Thể Công thi đấu thế nào.
Hôm rồi, đưa gia đình đi ăn cơm tại Cửa hàng ăn uống Mậu dịch 1986 mới mở tại Đà Nẵng, bao cảm xúc ùa về, dù mô hình này chẳng lạ ở nhiều nơi, nhất là Hà Nội. Nhưng, khi thanh toán thì không rẻ tí nào. Thức ăn, vẫn có chút mô phỏng thời bao cấp, có điều đã được nâng cấp lên rất nhiều, nên nói chung là ngon và đắt. Giới trẻ bây giờ (và nhiều người lớn) có thể vào đó để hòa chung không khí bi tráng của cha ông, nhưng ăn cơm độn sắn thì khó nhằn, mà phải ăn ngon, đắt tí không sao.
Nói chung, nhu cầu thưởng lãm bóng đá bây giờ đã khác xưa nhiều, nên lấy ánh hào quang quá khứ để dẫn dắt khán giả thời nay là rất khó.
Cho nên, Thể Công (nếu tái sinh), ngày trở lại phải giải rất nhiều bài toán khó. Khó nhất là cả làng bóng đá còn chuyên nghiệp kiểu mập mờ, thì một vài cánh én vẫn không thể làm nên mùa Xuân.
Mà Thể Công còn phải giữ được vẻ đẹp tinh khôi, không thể để sự thiếu chuyên nghiệp ở V-League làm ảnh hưởng những phẩm chất mà bao thế hệ người Thể Công lấy làm tự hào!
Dù sao cuộc sống phải hy vọng những điều tốt đẹp sẽ phát lộ. Cũng nên mừng nếu một ngày cái tên Thể Công chính thức xuất hiện trên báo chí.
Phong Uyên