Trọng tài cũng là 'vật tế thần' ở V-League
(Thethaovanhoa.vn)- Trọng tài hết vòng này đến vòng khác gây bức xúc cho dư luận khiến hình ảnh nền bóng đá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều không mấy ai thông cảm cho các trọng tài là sai số của họ vẫn ít hơn phản ứng tiêu cực của lãnh đạo CLB lẫn cầu thủ.
Cụ thể, sau trận cầu tâm điểm vòng 11 V-League 2020 giữa TP.HCM và Hà Nội, trọng tài Trần Văn Trọng đã bị kỷ luật bằng cách không mời cầm còi những trận đấu sắp tới của giải.
Ông “vua áo đen” gốc Tây Ninh bị đánh giá đã sai lầm ở pha bóng cuối hiệp 1, tình huống có thể thổi phạt 11m cho TP.HCM từ pha để bóng chạm tay của Thành Chung.
Trọng tài Trần Văn Trọng mắc sai sót hiếm hoi ở trận đó và biện pháp kỷ luật ông có lẽ cũng chỉ nhằm xoa dịu dư luận khi các trọng tài bị chỉ trích quá nhiều thời gian qua.
Vấn đề khiến nhiều người không đồng tình là việc xử phạt “vua áo đen” Trần Văn Trọng không khiến kết quả ở cuộc so tài đó thay đổi. TP.HCM vẫn thua đậm Hà Nội và với nhiều người có chuyên môn, đó cũng là điều rất bình thường khi đẳng cấp của Công Phượng cùng đồng đội khó so bì với nhà ĐKVĐ thời điểm hiện tại.
Hình ảnh xấu xí khác như nhiều người đã lên án chính là việc thành viên Ban huấn luyện TP.HCM hướng lên khán đài làm hành động xấu xí để phản ứng (được cho là nhắm đến Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền) và tuyên bố nên trao Cúp luôn cho Hà Nội vì ức chế.
HLV Chung Hae Seong sau trận đấu đó cũng chỉ trích trọng tài trước khi từ chức. Trong sân đấu tối 24/7, trọng tài Trần Văn Trọng đã bị cầu thủ TP.HCM phản ứng dữ dội. Công Phượng cùng các đồng đội đã vây, đẩy bằng ngực trọng tài Văn Trọng để đòi 11m.
Hình ảnh cực kỳ phản cảm này lặp đi lặp lại đã thành thông lệ với các cầu thủ ở sân chơi V-League. Và điều này cũng “ăn” luôn vào máu với nhiều ngoại binh đã quá quen môi trường bóng đá Việt Nam, minh chứng như Đỗ Merlo.
Cầu thủ người Argentina chắc chắn là một trong những cái tên phản ứng trọng tài có “số má” nhất ở V-League mà giới trọng tài Việt Nam không hề xa lạ. Từ bắt việt vị đến va chạm, Merlo gần như phản ứng bất chấp đúng, sai.
Trở lại với trận cầu tâm điểm vòng 11, Công Phượng cùng đồng đội đã bị chỉ rõ đã sai lầm trong pha bóng đòi 11m đầu tiên khi trận đấu trôi qua hơn 10 phút. Cũng chỉ 10 phút sau, lẽ ra tỷ số đã là 1-0 cho Hà Nội nếu trợ lý 2 Xuân Hùng chính xác hơn khi không thể phất cờ báo lỗi việt vị với Văn Quyết. Trước đó, cũng chính tiền đạo này là người bắt bài sai lầm của Công Thành để sút trúng xà ngang Tiến Dũng.
Công Phượng cùng các đồng đội cuối hiệp 1 lại “nổi điên” ở pha để bóng chạm tay của Thành Chung. Một pha bóng rất nhạy cảm với trọng tài Văn Trọng và cũng chỉ có khoảng 2 giây để ông nhớ lại những điều luật được phổ biến trước mùa giải năm nay.
TP.HCM như đã biết vẫn không được hưởng 11m và mọi chuyện giờ thực sự là câu chuyện đáng quên với trọng tài đã bị kỷ luật Trần Văn Trọng.
Ông “vua áo đen” người Tây Ninh bị kỷ luật vì không bắt 11m cho TP.HCM. Đó là người cuối cùng chịu trách nhiệm ở trận cầu tâm điểm vòng 11. Nhưng nhiều người đủ tỉnh táo theo dõi cuộc so tài hôm đó vẫn không thấy án phạt dành cho Công Phượng cùng cầu thủ TP.HCM, những người không đủ hiểu biết về luật lệ khi đòi thổi 11m đầu trận và phản ứng rất dữ tợn. Ngay cả ê-kíp huấn luyện của HLV Chung Hae Seong, giờ này cũng đã nghỉ việc và xem như hết trách nhiệm nên không bị đả động gì thêm.
Dư luận hướng mũi dùi về các trọng tài, nhưng quên luôn những thực tế rằng chính TP.HCM cũng là CLB đã hưởng lợi từ phán quyết của “vua”. Như cách họ đã từng đánh bại Thanh Hoá ở vòng 2 V-League 2020 bằng bàn thắng ở phút bù giờ quá lố.
HLV Chung Hae Seong hôm đó xin “miễn bàn” chuyện trọng tài do đội nhà được hưởng lợi còn ông Lopez thì như đã biết, muốn phát điên với trọng tài và Thanh Hoá sau đó đã sa thải ông này.
Chỉ trích trọng tài ở V-League lúc này có vẻ là “nhất cữ lưỡng tiện” để các CLB vừa có cớ đổ lỗi cho thất bại trước áp lực thành tích quá nặng nề từ ông chủ, vừa giữ uy tín cho mình, che giấu hành vi xấu chơi của “gà nhà” như câu giờ ăn vạ, phản ứng xấu xí.
V.H