Trở về dòng sông tuổi thơ...
(Thethaovanhoa.vn) - “Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà...”. (Trở về dòng sông tuổi thơ- Hoàng Hiệp).
- Công Phượng lập siêu phẩm, HAGL phá dớp không thắng trên sân Thanh Hóa
- Công Phượng và Minh Vương lập công, HAGL vẫn bị XSKT Cần Thơ cầm hòa
- HLV Park Hang Seo cafe với học trò, Công Phượng đã phá lối chơi HAGL?
Hôm nay, 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi, nhìn hai đứa con mũm mĩm, trắng trẻo sống trong điều kiện ngày càng tốt, lại nhớ về một tuổi thơ cơ hàn, lam lũ.
Nhưng, có đi nhiều, mới thấy rằng trẻ em ở ta nhiều nơi vẫn còn khổ cực, thiếu thốn lắm. Hôm nay, nhiều em miền núi không có quà, có chăng được bố mẹ nấu cho một bữa ăn có “chất đạm”, đã là may mắn rồi.
Nền thể thao nước nhà, đa số các VĐV đều xuất thân từ nông thôn, các vùng sâu, xa. Họ đến với thể thao ngoài đam mê, còn là mong ước đổi đời. Nhưng, ngoài bóng đá, chế độ cho các VĐV của ta còn rất khiêm nhường, nếu không nói thiệt thòi.
Riêng bóng đá, đấy là con đường thiên lý nhưng nhiều đứa trẻ vẫn mong theo nó để một ngày đổi đời. Trên thực tế, có không ít thiên tài được phát lộ từ các sân bóng chân ruộng, đồng hoang. Như, Văn Quyến, Công Phượng, thủ môn Tiến Dũng... Ở họ, sở hữu những phẩm chất đặc biệt mà nhiều đứa trẻ thành phố không thể có được.
Nhưng, không phải ai cũng thành công, thực sự đi trọn với niềm đam mê. Không ít cầu thủ đã phải trả giá vì không chịu khó rèn luyện các kỹ năng sống, văn hóa thấp trong khi quá đam mê vật chất.
Lỗi cá nhân, dĩ nhiên, nhưng nếu như họ được sống trong một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, không bị nạn gian lận, bệnh thành tích hoàn hành trong thời gian dài, có được những người thầy giỏi, tử tế, được học hành văn hóa đến đầu đến đũa, sự hư hỏng chắc chắn sẽ ít đi.
***
Vừa rồi, trong đợt Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF thi tuyển, một anh bạn nhờ người viết xem là có quan hệ thì xin giùm cho thằng cu con đỗ. Phải phân tích mãi anh mới hiểu, rằng PVF hàng nghìn em bé tranh tài mới tuyển được một, bóng đá ai giỏi thì lộ ra, không thể giấu được. Tốt nhất anh xác định với con như thế.
Đã qua rồi cái thời nhiều địa phương, vì thân quen, phụ huynh nhiều chỉ vài cân lạc, gói quà là có thể xin được con vào các lớp năng khiếu bóng đá. Nói thế để mừng rằng, giờ đây, nhiều trung tâm, học viện bóng đá với quy trình tuyển chọn, đào tạo khắt khe đã đẩy các lò bóng đá theo chủ nghĩa truyền thống vào thế phải thay đổi, điều chỉnh.
Rõ ràng, hàng loạt đội tuyển trẻ vươn tầm châu lục, mới nhất là U23 Việt Nam, minh chứng bức tranh đào tạo trẻ đã rất sáng sủa. Vấn đề là VFF, các địa phương có phát triển được lên tầm cao hay không.
Không biết, Công Phượng, trong những lần về Nghệ An, chiều tà đi qua các sân bóng ruộng, đứng bên dòng Lam, anh nghĩ gì về số phận của mình? SLNA đã đánh rớt Phượng, để có cơ hội lên phố núi Pleiku thi rồi đỗ cao.
Phượng, cùng với Xuân Trường và đồng đội, dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn mang lại cảm giác yên tâm cho khán giả về khả năng miễn nhiễm với các thói hư, tật xấu của bóng đá nội. Họ đã góp phần truyền cảm hứng chơi bóng cho hàng triệu em bé.
Chừng nào các phụ huynh cả nước coi việc con em theo nghề cầu thủ là bình thường như bao lĩnh vực khác, các em bé cháy bỏng giấc mơ được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhiều trung tâm đào tạo trẻ đẳng cấp mọc lên, lúc đó nền bóng đá mới có cơ hội vượt giới hạn.
Xin chúc cho dòng sông bóng đá Việt ngày càng trong lành, vươn ra biển lớn, chúc các cầu thủ nhí ngày Quốc tế Thiếu nhi vui vẻ, là những cầu thủ tài đức vẹn toàn sau này.
Hữu Quý