Tính ‘cộng sinh’ ở bóng đá trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Khi giá trị cầu thủ ở V-League không còn bị đội giá ngất ngưỡng, cầu thủ trẻ đang dần là sự lựa chọn tối ưu của nhiều đội bóng. Đó là thước đo và tín hiệu đáng mừng cho bóng đá nước nhà.
- Cầu thủ An Giang đánh cầu thủ PVF sau khi thua trận
- PVF vào bán kết, SLNA có thể bị loại
- SLNA, PVF khởi đầu nhọc nhằn tại VCK U15 quốc gia
Ở mùa giải 2016, PVF đem các cầu thủ trẻ chỉ mới 18, 19 cho mượn ở các CLB đang thi đấu tại V-League. Đức Chinh, Tiến Dụng, Thái Quý, Lâm Thuận, Ngọc Bảo và Việt Nam đến Than Quảng Ninh; Tùng Quốc, Thanh Thịnh, Trọng Hóa đến SHB Đà Nẵng và Thanh Long đến với FLC Thanh Hóa.
Ở độ tuổi 18, 19, họ cũng đã phần nào chứng minh được năng lực của mình ở môi trường khắc nghiệt so với lứa tuổi của họ. Thanh Thịnh đã phần nào chiếm lòng tin từ HLV Huỳnh Đức khi được tung ra sân 8 trận và đá trọn vẹn cả 720 phút. Những Trọng Hóa hay Bùi Tiến Dụng cũng có gần 300 phút để thử sức ở V-League.
Việc được cọ xát ở môi trường đỉnh cao là cơ hội để các cầu thủ trẻ trui rèn bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm; đồng thời cũng là cách để PVF “chào hàng” sản phẩm của mình. “Được đá V-League khi mới 17 tuổi là điều tôi chưa từng nghĩ đến. Khi được ra sân ở giải đấu lớn này, một cầu thủ trẻ như tôi đã học hỏi được rất nhiều, nhất là mặt tâm lý. Sau một vài trận bở ngỡ, nếu được trao cơ hội, bản thân những cầu thủ trẻ như tôi sẽ nắm bắt và trưởng thành nhanh chóng”, Thanh Thịnh, cầu thủ được cho đi “học việc” được xem là thành công nhất của PVF chia sẻ.
Mục đích của PVF khi cho ra đời lò đào tạo này có thể diễn giải theo những cách khác nhau như cuối cùng thì nó đã và đang trở thành một nguồn cung cấp cầu thủ cho cả nền bóng đá sau khi đã trở thành bộ khung cho các đội tuyển trẻ gần đây.
Hiện tại, PVF vẫn để ngỏ khả năng tham gia giải hạng Nhất 2017 song có một điều chắc chắn, họ vẫn đi theo con đường đã vạch sẵn. Theo đó, các cầu thủ sau khi cho mượn cũng như đang thuộc biên chế của PVF sẽ đề xuất lên Ban giám đốc và Ban giám đốc sẽ lắng nghe để xuất của họ. Thông qua những buổi làm việc với các CLB, họ sẽ “chia” quân thế nào cho hợp lý để đảm bảo quân của mình có một môi trường để phát triển.
Tuy nhiên, PVF không phải chia quân bừa mà họ có sự tính toán kỹ càng. PVF luôn chọn những môi trường tốt nhất để cầu thủ đảm bảo phát triển như lộ trình đã vạch ra. Ở lượt đi mùa giải trước, ngay sau khi Hà Đức Chinh không có cơ hội ra sân ở Than Quảng Ninh, PVF liền rút về để cho TP Hồ Chí Minh mượn. Ngay lập tức, tuyển thủ U19 đã tỏa sáng để góp công giúp đội bóng thành phố mang tên Bác lên hạng V-League.
Có cầu mới ắt sinh cung
PVF đã thực hiện cuộc “cách mạng” trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang trở về với thực tại và dần ưu tiên chính sách sử dụng cầu thủ trẻ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn và bóng đá chưa phải là “ngành công nghiệp” hái ra tiền cho các doanh nghiệp thì việc trở lại với cầu thủ trẻ là sự lựa chọn tối ưu. Nó vừa rẻ và chất lượng cũng không phải dạng vừa nếu được rèn giũa, trao cơ hội.
Tất nhiên, PVF đổ quân rầm rộ một phần cũng đến từ nhu cầu của các đội bóng. V-League đang phân chia hai xu thế rõ rệt: một số đội bóng chú trọng ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ, nhất là tạo điều kiện cho các cầu thủ “cây nhà lá vườn” như Hà Nội T&T, S.Khánh Hòa BVN, HAGL và thậm chí cả B.Bình Dương và một số khác dùng tiền để mua cầu thủ như FLC Thanh Hóa, XSKT Cần Thơ,…
Thế nhưng, xu hướng thứ hai đang dần trở nên lép vé khi rất nhiều đội bóng chú trọng công tác đào tạo trẻ để giảm thiểu chi phí. Và SHB Đà Nẵng là đội bóng điển hình.
Sau 10 năm đầu tư vào bóng đá ở thành phố bên bờ sông Hàn, nhà tài trợ SHB đã rót vào khoảng 1.000 tỷ, tức là cứ 1 năm, SHB Đà Nẵng tiêu tốn của nhà tài trợ khoảng 100 tỷ. Đó là một con số lớn so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam hiện tại. Thế nên, để giảm thiểu chi phí và là con đường duy nhất để sống, SHB Đà Nẵng buộc phải sử dụng thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ.“Muốn tồn tại, không còn gì khác ngoài việc phải sử dụng nhiều hơn cầu thủ trẻ. Đó là cách tốt nhất để tự nuôi bóng đá”, Chủ tịch Bùi Xuân Hòa của SHB Đà Nẵng không ngần ngại bày tỏ.
Cũng chính vì điều này mà đội bóng bên bờ sông Hàn vẫn kiên trì với đường hướng phát triển của mình bất chấp hệ thống đào tạo trẻ không tốt trong thời gian qua. Thay vì sử dụng “cây nhà lá vườn”, họ mượn quân từ các địa phương khác. Ở mùa giải năm ngoái, đích thân Chủ tịch Bùi Xuân Hòa vào tận miền Nam để đón thủ thành trẻ Đặng Ngọc Tuấn. Ở V-League 2016, HLV Huỳnh Đức nổi tiếng với “bàn tay thép” cũng luôn ưu ái cho cầu thủ trẻ. Vị chiến tướng này vẫn thường xuyên trao cơ hội cho dù họ mắc sai lầm. Trên sân tập, những cầu thủ tiềm năng này luôn được uốn nắn, chỉ dạy một cách tận tình, ôn tồn chứ không còn quát nạt như trước đây.
SHB Đà Nẵng đang dần cho thấy sự trẻ hóa trong đội hình khi mạnh dạn không ký thêm hợp đồng với các cựu binh như Nguyên Sa, Phước Vĩnh, Văn Học, Hải Lâm hay Quốc Anh mà nhường suất cho các cầu thủ trẻ. Chiến lược sử dụng những cầu thủ tiềm năng được HLV Huỳnh Đức dần thực hiện cách đây hai mùa bóng khi ông đưa về nhiều cầu thủ dưới 23 tuổi và trao cơ hội cho họ. Những Lâm Anh Quang, Đức Lễ, A Mít hay Thanh Thịnh luôn được ưu tiên có suất trong thành phần của đội. Cũng chính vì xu hướng phát triển đó mà SHB Đà Nẵng là môi trường giàu tiềm năng cho các cầu thủ trẻ.
Bóng đá trẻ Việt Nam đang gặt hái những thành công. Nó không tự nhiên mà đến bởi đó là sự kết tinh của một quá trình. Trong đó, việc các đội bóng đưa bóng đá trở lại đúng thực tại so với nền kinh tế cũng như trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ đã mở ra một chu kỳ mới cho bóng đá nước nhà. Đó là hệ quả tất yếu và là kim chỉ nam để hướng bóng đá Việt Nam đến những nấc thang mới trong tương lai.
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần