Thái Lan chỉ cần 10 ngày để hạ Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là tuyên bố mới của ông Nishino, HLV trưởng Thái Lan, trên tờ Bangkok Post: “Tôi nghĩ chỉ cần 10 ngày là đầy đủ để chuẩn bị và đánh bại tuyển Việt Nam”.
Thông điệp đó chắc khiến không ít "quân ta" nóng mặt. VFF đã chuẩn bị kế hoạch rất dài hơi cho chiến dịch SEA Games lẫn Vòng loại World Cup 2022, khiến cho lịch thi đấu V-League làm phiền phức các CLB. Đến mức mới đây, HLV Chung Hae Seong của TP.HCM ca cẩm, "30 năm hành nghề mới chứng phải thi đấu 4 ngày/ trận". Tương tự, HLV Huỳnh Đức cũng kêu trời về mật độ thi đấu quá dày.
Vậy có thể hiểu tuyên bố chỉ cần 10 ngày là đủ đánh bại đội tuyển Việt Nam trong trận đối đầu trên sân Thái Lan như thế nào? 10 ngày cho sứ mệnh vượt qua đội bóng tinh nhuệ đã được cả châu Á ghi nhận, dấu ấn là á quân VCK U23 châu Á; vô địch AFF Cup, có "lộng ngôn" quá chăng?
Về tâm lý, việc một HLV trưởng có những liệu pháp đặc biệt, như phát ngôn tự tin thái quá trước các trận, các giải cụ thể, là dễ hiểu.
Nhưng về cơ sở chuyên môn, chúng ta buộc phải suy ngẫm. HLV Nishino là một nhà cầm quân đẳng cấp, tạo dấu ấn thực thụ ở giải tầm cỡ thế giới trong vai trò HLV trưởng. Quan trọng hơn, như ông diễn đạt, qua theo dõi nhiều năm, nội lực của nền bóng đá Thái Lan chẳng những có thể hạ gục đội tuyển Việt Nam, mà còn đủ sức đoạt vé dự VCK World Cup.
Sau những thành công của bóng đá nước nhà, nhiều người lạc quan thái quá mà mặc định đẳng cấp nền bóng đá ta đã vượt qua Thái Lan. Như thế là bất ổn, với một trình độ còn thấp (rõ nhất bóng đá khu vực Đông Nam Á), việc phong độ các đội phập phù, thành tích đổi thay liên tục, nhiều ĐTQG bỗng nhiên "chói loà", luôn xảy ra.
Đấy có thể do thời điểm đó bóng đá nước A may mắn sở hữu lứa cầu thủ tài năng, trong khi nước B thì không. Còn đánh giá đẳng cấp của nền bóng đá, phải dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó thành tích có tính liên tục; hệ thống đào tạo trẻ, chất lượng giải chuyên nghiệp..., là cốt yếu.
Chúng ta đã biết rằng, Thái Lan đã 5 lần vô địch AFF Cup (trước là Tiger Cup), 16 lần vô địch SEA Games. Riêng giấc mộng dự World Cup, họ đã hành động và đầu tư quyết liệt, tốn kém, đi trước chúng ta rất xa. Vậy mà, giấc mơ lớn vẫn còn mù khơi.
Ở khía cạnh này, cần phải ghi nhận phân tích của bầu Đức rất "tỉnh": "Bóng đá Việt Nam chỉ hơn Thái Lan giai đoạn này thôi, chứ nền bóng đá thì chưa. Cách đây 10 năm, mình chưa đá với Thái Lan đã thua rồi nhưng bây giờ vào là "bụp" liền. Mọi thứ phải từ từ mới gần lại được".
Nói thế không có nghĩa chúng ta bi quan khi không thể đưa nền bóng đá phát triển bền vững, thực sự vượt qua Thái Lan. Trong 5 năm qua (tương đương nhiệm kỳ VII của VFF, nền bóng đá đã phát triển tiệm tiến, ổn định, dự tính còn duy trì "phong độ" ở những năm còn lại ở nhiệm kỳ VII).
Tức là, chúng ta có 10 năm để xây dựng phần móng, cùng tầm nhìn (phần nóc). Nếu các thế hệ sau biết kế thừa thì bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể "hoá rồng", chỉ sợ cái gọi là "tư duy nhiệm kỳ" sẽ làm tuột mất cơ hội quý giá cho nền bóng đá khi đã dựng xây được không ít hệ giá trị.
Vậy nên, chúng ta không khó để làm phá sản tuyên bố "chỉ cần 10 ngày...", của HLV Thái Lan, dù phải đá sân của họ trong trận đầu tiên vòng 2 vòng loại World Cup 2022. Nhưng để đẳng cấp vượt qua nền nóng đá họ, thì có lẽ cần 5 năm, 10 năm và... lâu hơn nữa. Tất cả do chúng ta quyết định.
Hữu Quý