Ông Bùi Hữu Nam, HLV đội trẻ V.Ninh Bình: 'Trồng cây sắp tới ngày hái quả thì lại chặt bỏ'
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin CLB V.Ninh Bình có thể sẽ bị giải thể khiến những người trong cuộc cảm thấy đau xót, tiếc nuối. Với riêng HLV Bùi Hữu Nam, người có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo trẻ của V.Ninh Bình, thì điều ông cảm thấy trăn trở, suy tư không chỉ là việc hệ thống đào tạo trẻ ngừng hoạt động mà đó còn là số phận “bèo dạt mây trôi” của hơn 50 cầu thủ trẻ không biết đi đâu về đâu.
Ông Bùi Hữu Nam (phụ trách lứa U16, U18) cùng với HLV Nguyễn Văn Dũng, (phụ trách lứa U13, U15), là những người trực tiếp làm công tác đào tạo trẻ của CLB Ninh Bình trong nhiều năm qua.
“Trước sau gì đội trẻ cũng giải tán”
Cũng như một số cá nhân đã có thời gian gắn bó với bóng đá Ninh Bình, HLV Bùi Hữu Nam không cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên khi lãnh đạo CLB V.Ninh Bình tạm dừng hoạt động hệ thống đào tạo trẻ vì có ý định giải thể đội bóng.
HLV Hữu Nam nói: “Sau khi chúng tôi nhận được yêu cầu từ BLĐ đội bóng ngừng mọi hoạt động thì trước mắt chúng tôi cho các cháu trở về với gia đình để chờ công bố chính thức của UBND tỉnh Ninh Bình và từ phía CLB trong ngày một ngày hai nữa. Nói là như vậy thôi chứ chúng tôi hiểu với nhau rằng, khi đội 1 không còn nữa thì đội trẻ trước sau gì cũng không thể tồn tại”.
Lý giải về điều trên, HLV Hữu Nam phân tích: “Ai cũng biết, hệ thống đào tạo trẻ, các cầu thủ trẻ đều trông vào định hướng của các lớp cầu thủ tuyến trên và cao nhất là đội 1 rồi. Thế nên khi đội 1 tan rã thì còn đâu định hướng, mục tiêu mà trông cậy, bấu víu. Thế nên từ lúc đội 1 V.Ninh Bình xin bỏ cuộc và rút lui khỏi sân chơi V – League thì tôi đã mường tượng ra điều không hay xảy ra rồi.
Xây một đội bóng thì khó chứ phá đi thì dễ lắm. Về phía người làm nghề thì tôi tiếc rằng sau nhiều năm đào tạo với bao nhiêu công sức, tiền của gần tới lúc các cháu trưởng thành thì bỏ đi như vậy là quá phí phạm.
Hiện nay các lứa trẻ Ninh Bình là khoảng 50 em. Lứa cầu thủ U13, U15 do anh Văn Dũng làm, tôi phụ trách lứa U16, U18. Trên quan điểm của người làm công tác đào tạo trẻ,về lứa U13, U15 tôi đã thấy xuất hiện một vài tín hiệu cầu thủ triển vọng. Còn các cầu thủ ở lứa tuổi từ U16 tới U18,U19 dù không đi đá nhiều giải chính thức nhưng những gì họ thể hiện thì tôi đó là một tập thể chơi khá tốt và nhiều cầu thủ trong đó xuất thân từ lứa U13 Thái Bình từng đoạt giải cao tại giải bóng đá Nhi Đồng toàn quốc.
Sở dĩ tôi nói như vậy bởi mới đây, tôi có dẫn các em U18 đi thi đấu giao lưu với một số lò đào tạo trẻ ở khu vực phía Bắc. Đá 6 trận thì các em thắng 5 hòa 1, trong đó có những chiến thắng trước những lò đào tạo mạnh như Trung tâm bóng đá trẻ Viettel hay Hà Nội.T&T. Tôi khẳng định nếu cho tôi thêm thời gian 2 hoặc 3 năm nữa thì V.Ninh Bình sẽ có lứa cầu thủ có chất lượng chuyên môn tốt.
Tôi nghĩ CLB không thiếu tiền để có thể tiếp tục duy trì hệ thống đào tạo trẻ nhưng một khi họ không thích và không làm nữa thì chúng tôi đành phải chịu thôi”.
“Rất khó để cầu thủ trẻ tìm được bến đỗ mới”
Về mặt lý thuyết, BLĐ của CLB V.Ninh Bình sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các cầu thủ năng khiếu có thể thanh lý hợp đồng tìm tới một CLB khác. Nhưng trên thực tế, trên quan điểm của HLV Bùi Hữu Nam, chuyện thủ tục giấy tờ chỉ là một chuyện và việc một cầu thủ trẻ có thể tự tìm kiếm một CLB khác để tập luyện là điều không hề đơn giản.
Ông Nam cho biết: “Thực tế, em nào muốn chuyển tới các CLB thì đều phải tự thân vận động, tự liên hệ điểm đến mới cho mình. Ngoài ra, nếu các em có nhu cầu cần trợ giúp thì tôi sẽ tận dụng những mối quan hệ của mình để giới thiệu một số có năng lực cho các địa phương khác tiếp tục đào tạo.
Em nào nếu được các CLB quan tâm, chiêu mộ thì nôm na CLB đó phải trả một khoản chi phí nhỏ cho công tác đào tạo của Ninh Bình. Chuyện chuyển nhượng cầu thủ trẻ thì đơn giản chứ không ai ngoắt ngoéo hay gây khó dễ cho các em.
Còn với những em không may mắn tìm được bến đỗ mới thì coi như con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp chấm dứt tại đây. Thực tế, bóng đá trẻ xưa nay không nhận được nhiều sự quan tâm và rất khó trong chuyện chuyển nhượng cầu thủ trẻ. Nói gói gọn thì có thể dùng từ “chấm dứt” vậy thôi chứ sau đó là bao hệ lụy, vấn đề”.
HLV Hữu Nam nhớ lại những ngày tháng cùng ăn, tập, sinh hoạt với các cầu thủ trẻ với rất nhiều kỷ niệm vui buồn: “Giáo viên văn hóa dạy xong hết giờ thì họ nghỉ còn những người làm công tác đào tạo trẻ như chúng tôi thì luôn phải sát sao gần như 24h/24h cùng các em. Chỉ trừ ngày Chủ nhật, còn cả tuần chúng tôi đều ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt cùng các em.
Chúng tôi nuôi các em còn hơn là nuôi con chúng tôi. Con tôi cả ngày không gặp nhưng với các em chúng tôi gặp gỡ thường xuyên. Chúng tôi chăm sóc các em từ miếng ăn, giấc ngủ, tập luyện, ốm đau, cho tới giải đáp cả những vấn đề thắc mắc giới tính tâm sinh lý cơ thể, tất tần tật. Từng ấy năm gắn bó tình cảm giữa chúng tôi thì ai cũng coi nơi đây là một gia đình rồi”.
“Họp phụ huynh mà rớt nước mắt”
“Trước vụ việc trên, phụ huynh cầu thủ cũng rất bức xúc nhưng tôi đã mời họ lên để trao đổi, giảng giải vấn đề nhằm làm họ hiểu và cảm thông.
Tôi không trực tiếp tuyển chọn đầu vào nhưng tôi là người tiếp quản và phụ trách các em khi các em trở thành học viên của CLB. Nói thẳng ra là khi tuyển chọn thì chúng tôi đã phải “lật bài ngửa” với phụ huynh các em.
Tức là, khi CLB bỏ kinh phí ra đào tạo các em, trong quá trình đào tạo mà các em không đạt yêu cầu thì chúng tôi sẽ đào thải. Còn về phía CLB, họ cũng sẽ phải chịu tổn thất khi ngừng hoạt động đào tạo.
Tôi phân tích sơ sơ thế này, chi phí để duy trì hoạt động đội trẻ trong 1 năm tính nhanh cũng không dưới 1 tỷ 500 triệu. Đơn giản tính thế này, cứ nuôi khoảng 30 cháu, mỗi cháu ăn 60.000đ/ngày thì một năm đã tốn gần 500 triệu, một năm mà đi đá giải 2 lần cũng mất thêm 500 triệu nữa.
Rồi tiền trả lương cho HLV, tiền học tập, tiền các dịch vụ khác chừng ấy con người cũng ngốn tiếp 500 triệu/năm. Mà có lứa đã đào tạo được 4, 5 năm thì chi phí đã đội lên rất nhiều rồi.
Gia đình và các em chịu thiệt vì việc học dở dang, CLB cũng chịu thua lỗ vì chi phí đào tạo. Như vậy, tất cả đều thiệt chứ chẳng ai có lợi gì cả. Nói phân tích như thế để người ta hiểu nhưng thực tế hôm họp phụ huynh nhiều người không khỏi rớt nước mắt.
Lý do là bởi đa phần hoàn cảnh gia đình các em đều thuộc diện khó khăn, nhiều người muốn gửi gắm con cái theo nghiệp bóng đá để mong có ngày đổi đời. Đùng một cái không thích thì giải tán thì quả thực là vô cùng đau đớn.
Còn dưới quan điểm người làm nghề thì tôi bức xúc, một năm mất bao tiền của công sức, mồ hôi của cả một tập thể, trồng cây sắp tới ngày hái quả lại chặt bỏ thì ai không đau, không xót.
Vẫn biết rằng người ta làm ông chủ người ta làm gì là quyền của người ta, còn ở góc độ làm nghề như tôi thì hành xử như thế thực sự là không thể chấp nhận được”.
“Xác định xây dựng bóng đá trẻ thì hãy làm tử tế”
HLV Hữu Nam còn thẳng thắn chia sẻ một số thông tin bên lề, ông nói: “Có một điều như thế này, mặc dù làm công tác đào tạo trẻ cho CLB nhưng tôi chưa tiếp xúc với ông bầu Hoàng Mạnh Trường một lần nào, mà người trực tiếp thuê và làm việc với tôi là Chủ tịch CLB Phạm Văn Lệ.
Từ ngày tôi về làm bóng đá ở Ninh Bình, chưa bao giờ tôi thấy bầu Trường ra xem đội trẻ tập lấy 1 phút thì hỏi sao bóng đá trẻ được quan tâm.
Tôi nghĩ phải thực sự là người có tâm mới làm được đào tạo trẻ đúng nghĩa. Đào tạo trẻ không chỉ là dạy đá bóng mà còn phải dạy làm người. Tôi vẫn nói với các em rằng, nghề này không phải ai cũng đá bóng được. Có đá được bóng thì ngoài 30 tuổi thì anh cũng phải nghỉ để làm nghề khác.
Các em đá được thì là điều tuyệt vời còn nếu không đá được đừng để trở thành những thằng nghiện ngập, hút sách. Tôi muốn rằng các địa phương khác nếu nhìn vào Ninh Bình thì sẽ thấy ngộ ra điều gì sau đó mà tránh. Đã xác định xây dựng bóng đá trẻ thì hãy làm tử tế.
Như tôi đã phân tích, chuyện đội bóng giải tán, tất cả cùng thiệt nhưng cái thiệt lớn nhất là tư tưởng của các cháu. Anh thiệt kinh phí, tôi thiệt công nhưng đừng để con trẻ bơ vơ như thế là điều rất đáng trách”.
Đức Huân
Thể thao & Văn hóa