Người lên ngựa, kẻ chia bào...
(Thethaovanhoa.vn) - Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm vừa mới bảo vệ thành công chức vô địch Cúp quốc gia sau khi thắng Viettel 2-1 ở trận chung kết, khí thế có thể nói là đang cao ngút trời mây.
Trở lại với V-League 2020, đội bóng Thủ đô cũng rất cần tích lũy thêm điểm số, đặng tạo lợi thế trước vòng tranh huy chương, khi giải đấu cao nhất Việt Nam thay đổi thể thức thi đấu bởi dịch Covid-19... Ở V-League, Hà Nội cũng đang nắm ngôi vị quán quân và đang hướng tới cú hat-trick vô địch liên tiếp - kỷ lục vô tiền khoáng hậu lịch sử giải đấu 20 năm tuổi.
Nhưng, khi đối thủ ở vòng 12 là người anh em Quảng Nam đang đội sổ, liệu Quang Hải và đồng đội có nương chân, ông Nghiêm và học trò có phải nhận lệnh mà trục vớt một con tàu đang chìm dần?
Nhắc lại, năm 2017, Quảng Nam bất ngờ giành chức vô địch V-League, với số điểm khá khiêm tốn: 48, bằng với đội xếp thứ 2 là Thanh Hóa, nhưng hơn về chỉ số phụ. Hà Nội xếp thứ 3, với 2 điểm ít hơn, tiếp theo là Than Quảng Ninh và Sài Gòn FC. Thông thường, một nhà vô địch V-League phải giành ít nhất 2 điểm/lượt trận. Nhưng cũng cần nhắc lại năm 2010 ngay đợt Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, CLB Hà Nội với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T thậm chí đã lên ngôi với vỏn vẹn 46 điểm, sau 26 lượt trận.
Năm 2012, một CLB trong gia đình T&T khác là SHB Đà Nẵng cũng chỉ giành 48 điểm, mà vẫn đăng quang. Nhưng, đấy là mùa giải mà Hà Nội T&T đã tử thủ ở Thống Nhất, kìm chân XMXT Sài Gòn, để SHB Đà Nẵng vượt lên ở vòng đấu cuối tại Hoa Lư, với chiến thắng đậm V.Ninh Bình. Tức là, luôn có một sự đảm bảo kiểu "thế ỷ dốc" - gọng kìm, trong binh pháp, nhằm tạo lợi thế cho đồng minh, trong các cuộc chạy tiếp sức, hoặc một trận đánh cụ thể. Trong 10 năm qua, ngoại trừ B.Bình Dương là có thể phá được thế.
Gần nhất mùa giải 2019, khi CLB TP.HCM vô địch lượt đi và đang băng băng về đích, thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức vẫn "thề độc" đại diện bóng đá thành phố không thể vô địch, với một ví von rất hình ảnh là "một thằng mập không thể đánh lại 5 thằng ốm". Trong "5 thằng ốm" ấy, có cả Than Quảng Ninh và mùa này là 6, với sự xuất hiện của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, đội bóng tân binh V-League 2020, với cả quân lẫn tướng đều lấy về từ Hàng Đẫy.
Trở lại với cái thế hiểm của Quảng Nam ở mùa này, người ta đang chờ đợi thái độ của Hà Nội, cùng các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ khác, với phần còn lại của mùa giải V-League vốn đã thay đổi thể thức thi đấu.
Quảng Nam sau đợt thay tướng, với việc Đào Quang Hùng được chuyển vào từ SHB Đà Nẵng thay cho Vũ Hồng Việt, cũng toàn người trong nhà, đã có thêm những điểm số quan trọng. Hiện, đội bóng đất Quảng đang ít hơn Hải Phòng và Nam Định 2 điểm, nên về lý mà nói, chưa phải là tận thế. V-League 2020 lại chỉ có một suất xuống hạng, giai đoạn 2 dồn toa, vẫn có thể sinh biến, mà đội xuôi hạng Nhất chưa chắc đã là Quảng Nam.
Hà Nội sẽ không cứu Quảng Nam ở trận này, ngược lại, không những phải thắng, mà còn phải thắng mạnh, để ốp lưng CLB Sài Gòn ở cuộc đua cho hạng mục quan trọng hơn: Chức vô địch. Sau 12 lượt trận, Hà Nội có thể chính thức lên ngựa trở lại cuộc đua vô địch, còn Quảng Nam cũng chưa phải "chia bào" cơ mà.
Văn Quyết và đồng đội cứ thẳng chân mà đá, trận xuôi Tam Kỳ lần này. Quảng Nam sẽ không bỏ giải như tuyên bố của ông chủ tịch làm công ăn lương đâu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tất nhiên, nếu Quảng Nam phải xuôi giải hạng Nhất, nguồn thu kể cũng thiệt đáng kể đấy. Nhưng, bóng đá phải có sự đào thải và khi cần, phải có hy sinh, mất mát. Khó và không thể cầu toàn được, với sự cồng kềnh của một đoàn tàu siêu trường, siêu trọng.
Vì Covid-19 và hệ lụy kéo dài của nó không buông tha bất cứ một ai, bất kỳ một địa hạt nào, mà bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ cũng phải chịu thiệt hại. Nhưng cũng không phải chờ đến dịch họa, chúng ta mới biết được bản chất của nền bóng đá vẫn chưa tròn một chữ chuyên, nên chuyện Hà Nội thắng hay cứu Quảng Nam thì có gì đáng để bàn...
Tùy Phong