Khi Sài Gòn FC 'J-League hóa'
(Thethaovanhoa.vn) - Việc quyết định thay đổi hàng loạt nhân sự thời gian gần đây cho thấy quyết tâm của Sài Gòn FC trong việc “J-League hoá” CLB này. Chủ tịch Trần Hoà Bình vốn rất ưa thích cách làm việc của người Nhật nên ông không ngại mạnh dạn chuyển mình. Nhưng câu trả lời về hiệu quả thì vẫn... bỏ ngỏ!
Sài Gòn FC thực sự khiến nhiều người yêu bóng đá nước nhà cảm thấy bất ngờ nhất trong khoảng thời gian 2 năm qua. Và những sự thay đổi đến “chóng mặt” của đội bóng này đang mở ra luồng dư luận tích cực nhiều hơn cho nền bóng đá dải đất hình chữ S về một lộ trình có căn cơ, bài bản.
Chủ tịch Trần Hoà Bình không ngại dư luận đàm tiếu về những điều chỉnh của ông từ ngày lên nắm quyền. Hơn 20 con người rời CLB, ông bầu này vẫn điềm tĩnh vạch kế hoạch để mọi sự nhanh chóng theo ý muốn. Việc hợp tác toàn diện với đối tác Nhật Bản cùng các CLB hạng 1, 2 và sắp tới là J-League 3 khiến những cầu thủ trẻ của PVF cùng đội 1 Sài Gòn FC hiện tại khấp khởi về việc được tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn để tiến bộ.
Bầu Bình cho biết ông “đi tắt đón đầu” để tận dụng triệt để mối quan hệ với FC Tokyo (J-League 1), FC Ryukyu (J-League 2) nhằm khai thác chất xám của người Nhật. Quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu lục, kỷ luật làm việc chuyên nghiệp, có quyết tâm và lòng tự trọng sẽ được truyền đạt vào tư duy bóng đá Việt Nam thông qua Sài Gòn FC, PVF.
HLV Vũ Tiến Thành dù đang làm tốt công việc ở V-League cũng phải ra đi bởi bầu Bình tin vào đẳng cấp một cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Nhật Bản Masahiro Shimoda. HLV họ Vũ khó đảm đương trọng trách đưa CLB lên một tầm cao bền vững và do đó, ông Thành lui về hậu trường để đảm nhận khâu “trồng người” cho CLB trong tương lai không xa.
Sài Gòn FC tận dụng quãng nghỉ vì dịch Covid-19 để toan tính dài lâu cho đội 1. Ông Shimoda không chịu áp lực nhiều về thành tích trước mắt nhưng với suy nghĩ của người Nhật, đương nhiên không hề có tư tưởng tự thoả mãn.
Từ chỗ không có lứa trẻ, Sài Gòn FC thực sự đã chuyển mình ngoạn mục khi tiếp quản một Trung tâm PVF đứng đầu về cơ sở vật chất trong khu vực Đông Nam Á. Với hơn 160 Học viên, PVF có thừa lực lượng để là đầu ra phục vụ đội 1 trong tương lai gần. Trung tâm Thành Long nếu được hoàn thành đúng ý đồ sẽ trở thành một đại bản doanh cho đội 1 lẫn các đội trẻ của CLB, phục vụ mục tiêu đào tạo. Sài Gòn FC còn có thể cho mượn hàng loạt cầu thủ đến các CLB trong nước và họ còn tính đường xuất khẩu cầu thủ sau trường hợp của Văn Triền, Danh Trung.
Những sự hợp tác này suy rộng ra chỉ có ích cho CLB lẫn bóng đá Việt Nam. Bầu Bình “quy hoạch” ông Vũ Tiến Thành làm Giám đốc PVF và phó tướng của ông là chuyên gia Nhật Bản Kenzo (từng là giám đốc kinh doanh toàn cầu của CLB mạnh tại V-League 1 hiện tại là FC Tokyo) giúp Sài Gòn FC củng cố khâu quan hệ với đối tác ngoại.
Mục tiêu chuyên nghiệp hóa thực sự của Sài Gòn FC trước mắt đang tạo ra luồng dư luận tích cực cho bóng đá Việt Nam. Không dễ gì những cầu thủ như Văn Triền, Danh Trung có cơ hội “du học” Nhật Bản. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự vẫn cần thời gian để trả lời.
Bởi ngoài những mặt đạt được, không ít câu hỏi người ta vẫn lăn tăn về Sài Gòn FC khi từ trước đến nay, đội bóng của bầu Bình chưa năm nào đặt mục tiêu lớn. So với CLB cùng thành phố là TP.HCM, Sài Gòn FC thua xa về những thương vụ mua sắm, nâng cấp đội hình. Khi đã nắm Trung tâm PVF, Sài Gòn FC phải giải quyết thêm những câu hỏi về hướng đi tương lai sẽ “J-League hoá” hay tận dụng những nhân lực châu Âu sẵn có của lò đào tạo này. Nhiều biến động sẽ xảy đến với sự thay đổi đột ngột và hệ quả cũng khó lường.
Trước đây, PVF đã chủ trương hợp tác với các CLB hàng đầu Anh quốc nhưng hiện tại đã là câu chuyện hoàn toàn khác. Việc Vingroup rời bỏ PVF cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực tài chính của Sài Gòn FC khi tiếp quản. Một “núi tiền” sẽ phải bỏ ra để duy trì PVF trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam thu không bù chi…
Cùng với TP.HCM, Sài Gòn FC muốn đội bóng của mình được người dân Sài thành xem như “con ruột” của bóng đá địa phương. Sài Gòn FC thậm chí còn nêu cao chủ trương hoạt động vì tương lai bóng đá Việt Nam. Ý tưởng đẹp đến đâu, chỉ thời gian mới trả lời xác đáng. Bóng đá Sài thành đã chứng kiến nhiều “bánh vẽ” nhưng thôi lần này, hãy cùng hy vọng với Sài Gòn FC.
Sau khi chính thức nhận quyết định xuất ngoại đến CLB Ryukyu đầu tháng 7 tới, tiền vệ Cao Văn Triền đã nhận được những lời khuyên từ tiền vệ Tuấn Anh về môi trường bóng đá Nhật Bản. “Tuấn Anh nói ở bên đó, họ thi đấu với tốc độ cao và kỹ thuật tốt, nên mình phải liên tục quan sát. Từ đó, tôi mới hiểu và có thể chuẩn bị cho mình. Tôi bắt đầu xem video trận đấu bên Nhật để tiếp cận nhanh nhất có thể. Tuấn Anh và Công Phượng là hai cầu thủ tốt của bóng đá Việt Nam. Hai bạn đã xuất ngoại, không thành công nhưng đó là nỗ lực của các bạn ấy. Ai xuất ngoại đều muốn thi đấu tốt và ra sân, nhưng thành công hay không thì phải có nhiều khó khăn và cần quá trình. Tôi đi sau phải học hỏi những gì tốt nhất”, Cao Văn Triền nói. Hiện tại, Văn Triền cũng đã chính thức ký hợp đồng trọn đời với Sài Gòn FC. Đội bóng của Chủ tịch Trần Hoà Bình cũng đã tổ chức tiệc chia tay với HLV Vũ Tiến Thành tối 24/2 để tiễn ông đến làm Giám đốc điều hành PVF tại Hưng Yên. |
Việt Hà