HAGL bao giờ mới hết gọi là những đứa trẻ nhà bầu Đức?
(Thethaovanhoa.vn) - Không biết đến bao giờ, thiên hạ mới hết gọi thế hệ Công Phượng là “những đứa trẻ nhà bầu Đức”?
- HAGL, trách người hay tự trách mình?
- Nhà vô địch AFF Cup 2008 khen tiền đạo HAGL 'cực hay'
- HLV Phan Thanh Hùng: 'Nếu trọng tài bắt chuẩn, HAGL có thể đánh bại Hà Nội'
“Thánh Gióng” chỉ là giấc mơ
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều..., thuộc lứa cầu thủ đầu tiên mà Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG xuất xưởng, với rất nhiều kỳ vọng. Họ được xem là những sản phẩm kiểu mẫu, với công thức đào tạo ngoại lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam, cùng các chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Phần lớn khoảng thời gian tập trẻ, Công Phượng và đồng đội đều tập với chân trần, không mang giầy và gần như không thi đấu đối kháng, không đá giao hữu hay chơi hệ thống các giải trẻ quốc nội từ U11-U18, đấy là một nét dị biệt, xưa nay hiếm. Họ được “vú” rất kỹ. Về mặt tố chất thì lứa cầu thủ này, cùng với khoá Năng khiếu được đào tạo song song, cũng khá ưu việt.
Với khoá 1 Học viện, bầu Đức ước mơ có thể xuất khẩu cầu thủ qua trời Âu, hoặc tệ nhất cũng là thị trường Đông Bắc Á, với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây không đơn thuần là câu chuyện bóng đá mà là việc kinh doanh. Người trong cuộc và một bộ phận cực lớn giới mộ điệu càng có cơ sở để tin vào cuộc cách mạng Hàm Rồng sẽ giúp bóng đá Việt Nam hoá rồng, sau khi chứng kiến các màn ra mắt đầy ấn tượng, giai đoạn 2013-2015, của lứa U19 Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, tại các giải giao hữu và khu vực Đông Nam Á. Tư duy chơi bóng cấp tiến, lối chơi mềm mại như thêu hoa dệt gấm của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., nhận được vô số những lời tán dương.
Nhưng, bóng đá không đơn giản thế, các cầu thủ trẻ phải lớn và phải bước ra những sân khấu của bóng đá người lớn. Thất bại tại mùa V-League 2015, cũng như hàng loạt các chiến lược xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sau đó, khiến bầu Đức phải nắn lại mục tiêu. Ông mơ đến chiếc HCV SEA Games, vô địch Đông Nam Á và giúp HAGL thắng V-League, thay vì nghĩ đến World Cup như một vài quan chức bóng đá "lỡ miệng" tuyên bố. Tuy nhiên, 3-4 mùa đi qua, phần lớn các hạng mục ấy cũng phá sản. Bởi nền bóng đá quốc nội đâu chỉ có mỗi HAGL và ngoài ra, “những đứa trẻ nhà bầu Đức” không phải Thánh Gióng như trong truyện cổ tích.
Bóng đá cần sự tích luỹ
Rất khó nuốt trôi thất bại chung cuộc trước Hà Nội FC, tại tứ kết Cúp QG 2018 (khi luật bàn thắng trên sân đối phương được áp dụng), nhưng không thể khác được với “những đứa trẻ nhà bầu Đức”. HAGL đã chơi rất hay, rất nỗ lực, nhưng bóng đá chỉ lưu danh kẻ chiến thắng, như bài hát “the winner take it all”. Không có người thất bại vĩ đại. Theo phát biểu của HLV Dương Minh Ninh, đội bóng phố Núi có thể tiếp tục trải qua một mùa giải trắng tay nữa, và họ chỉ còn duy nhất mục tiêu lọt vào tốp 5 đội dẫn đầu V-League. Ngay cả điều này cũng không đơn giản, khi hiện tại, sau 7 lượt trận đầu tiên quân tướng của bầu Đức mới chỉ có 9 điểm và đang xếp thứ 9/14 đội.
Ngay cả khi HAGL có thể hoàn thành được mục tiêu tốp 5 vào cuối mùa, thì đấy cũng đã là sự tiến bộ vượt bậc. Những người làm bóng đá, ăn nằm với nó hàng chục năm, nhưng đôi khi vẫn rất gàn dở, nóng vội. Không như thuở hồng hoang, bóng đá hiện đại luôn cần sự tích luỹ và phải có lộ trình, chứ đi tắt đón đầu kiểu kinh doanh.
1. Chỉ có cặp đấu giữa Hà Nội và HAGL kết thúc với tỷ số hòa nhưng vẫn xác định được CLB vào bán kết. 3 cặp đấu còn lại đều có kết quả khá chênh lệch. 2. SLNA và B.Bình Dương đã 2 năm liền vào bán kết Cúp quốc gia. SLNA đang là đội vô địch giải đấu này khi đánh bại B.Bình Dương năm ngoái. 21. Là số bàn thắng ở 4 cặp đấu vòng tứ kết (tính cả 2 lượt đi và về). Trận đấu nhiều bàn thắng nhất là cặp SLNA đánh bại SHB Đà Nẵng chung cuộc 5-1. |
Tùy Phong