'Chuyến tàu' V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ sau chiến tích lọt vào đến Vòng đấu loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, người hâm mộ vẫn chờ làng túc cầu nội được hâm nóng, dù dịch họa Covid-19 gây tác hại quá sâu sắc. Thật may mắn, khi người hâm mộ còn có UEFA Euro 2020 và Copa America 2021, xem qua truyền hình. Nhưng, ngay cả 2 giải đấu lớn này cũng vừa kết thúc sáng hôm qua và rạng sáng hôm nay rồi, thì cơn khát bóng đá nội vẫn hiển hiện.
Bao giờ V-League 2021 trở lại, khi nào các ĐTQG tập trung trở lại, cho các chiến dịch lớn tới đây, thực sự là câu hỏi đang cần chúng ta tư duy cũng như hy vọng mọi thứ tiến triển tích cực để có được đáp án khả thi. Bóng đã ngừng lăn khá lâu rồi, 7 hay 8 tuần gì đó, trên dải đất hình chữ S.
Bóng đá là một môn thể thao đặc biệt, không biên giới. Bóng đá mang lại niềm vui nhưng bóng đá có thể hàn gắn cả những nỗi đau, mất mát. Với bóng đá Việt Nam, chúng ta cũng đã, đang và trải qua những xúc cảm như thế. Ở đó, có cả niềm vui với dấu mốc lịch sử của ĐTQG nhưng cũng phải đang lo đau đáu cho đường đi nước bước tiếp theo của V-League cùng hệ thống thi đấu chuyên nghiệp nước nhà.
Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, khả năng thi đấu tập trung ở một số cụm sân khu vực phía Bắc vào tháng 8 tới đây, đã được lãnh đạo VPF cùng các CLB chốt phương án.
Dù thế, làm sao để đảm vảo an toàn vẫn là thách thức lớn. Bởi, các CLB tại Việt Nam cũng chưa thể triển khai một cách đầy đủ nhất các yếu tố an toàn. Cho đến nay, chỉ mới có một nửa số CLB trong nước được tiêm vaccine, số đội bóng còn lại đang chờ. hay câu chuyện nếu tổ chức thi đấu tập trung, thì các đội bóng vẫn phải di chuyển bằng đường bộ hoặc hàng không cũng tiềm ẩn nguy cơ trước dịch bệnh.
Tâm lý chung của người Việt Nam, đấy là chịu thương chịu khó. Cùng mối lo canh cánh về con siêu virus Covid-19 có thể xâm nhập vào bất cứ ai, thậm chí, nó đã và đang tồn tại trong cơ thể một bộ phận chúng ta mà không hề hay biết, thì câu chuyện bóng bánh cũng đáng quan ngại. TP.HCM giãn cách xã hội đã được 100 giờ, đường xá vắng tanh. Vậy nên, bóng đá cũng như đời sống xã hội, vừa lo chống dịch, vừa bảo trọng sức khỏe và cùng chung tay với cộng đồng để đi qua cơn lận đận, là nỗi lo chung.
Trong tình huống xấu nhất nếu không đảm bảo thời gian và mật độ thi đấu, thì một mùa giải nối 2021 - 2022 là viễn cảnh mà nhà tổ chức phải tính tới. Giai đoạn 2000 - 2003, khi V-League được phôi thai và ra đời, nhà tổ chức (khi ấy là VFF) há chẳng phải đã duy trì các mùa giải nối nhau, tính từ mùa Thu qua mùa Xuân, rồi đến Hạ mới nghỉ. Đấy cũng là cách tổ chức của phương Tây.
Thiên tai, dịch họa là các yếu tố ngoài ý muốn, nên thông cảm và chia sẻ cho nhau là điều không thể khác được. VFF, VPF cùng các CLB chia sẻ nhau để có tiếng nói chung. Nhà tài trợ hẳn cũng thông cảm.
Rất may là VPF cùng các CLB đã tìm được tiếng nói chung để V-League 2021 tiếp tục lao về đích. Hy vọng, đoạn kết mùa giải an toàn.
CCKM