Chuyên nghiệp và bài học từ Tiến Linh
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện CLB B.Bình Dương cảnh cáo tiền đạo Tiến Linh vì tự ý nhận lời tham gia đội bóng Nghệ sĩ sau đó còn công khai thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội tưởng nhỏ nhưng đã chỉ ra một thực tế, không ít cầu thủ Việt Nam vẫn còn bất cẩn và chưa hiểu thấu đáo mọi quy chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp.
Tất nhiên, trước khi đăng thông tin nói trên ở fanpage chính thức của CLB và chỉ đích danh đội bóng FC Nghệ Sĩ, lãnh đạo CLB B.Bình Dương đã có những nhắc nhở trực tiếp đối với cá nhân tiền đạo Tiến Linh.
Có người cho rằng việc “làm lớn” chuyện lần này của đội bóng đất Thủ là một động thái “dằn mặt” với Tiến Linh, vì đã vượt rào, tự ý tham gia hoạt động bên ngoài và chưa xin ý kiến lãnh đạo. Nhưng sâu xa vấn đề, đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với không chỉ riêng trường hợp Tiến Linh mà còn cho tất cả các cầu thủ bóng đá Việt Nam khác.
Trước Tiến Linh, Thanh Hóa hay Hà Nội FC đã từng chấn chỉnh hay nhẹ nhàng hơn là nhắc nhở cầu thủ trụ cột của mình là Bùi Tiến Dũng và Quang Hải khi nhận lời tham gia quảng cáo, kết hợp với đối tác bên ngoài mà không thông qua phía CLB.
Chuyện xảy ra từ 1, 2 năm trước nhưng thật lạ là đến Tiến Linh vẫn để xảy ra sơ suất, dù rằng, ra mắt ở đội bóng Nghệ sĩ và nhận lời tham gia một số trận đấu giao hữu từ thiện không nhằm mục đích thương mại.
Siêu mẫu Hồ Đức Vĩnh, Chủ tịch đội bóng Nghệ sĩ, đã nhận sai về mình vì đã làm ảnh hưởng đến công việc của Tiến Linh và có mong muốn làm việc trực tiếp với lãnh đạo CLB B.Bình Dương để xin lỗi và nhận trách nhiệm về va chạm không đáng có này.
Câu chuyện giữa B.Bình Dương, FC Nghệ sĩ và tiền đạo Tiến Linh coi như đã khép lại nhưng như đã nói ở trên, không chỉ riêng Tiến Linh mà tất cả những cầu thủ bóng đá Việt Nam khác cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm đắt giá.
Một khi đã là một cầu thủ chuyên nghiệp, thuộc quyền quản lý của một CLB nào đó, không những vậy còn đang là tuyển thủ quốc gia thì mọi lời nói, suy nghĩ lẫn hành động đều phải thể hiện được sự chuyên nghiệp.
Trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì ít nhiều có liên quan đến nghề nghiệp, công việc hiện nay của mình là cầu thủ, họ cần phải suy nghĩ kỹ, thậm chí phải hỏi ý kiến từ những người có trách nhiệm để tránh rơi vào những tranh chấp dở khóc, dở cười không đáng có như vậy. Đó suy cho cùng cũng là cách làm chuyên nghiệp, giữ gìn hình ảnh cho không chỉ đội tuyển quốc gia, CLB mà chính bản thân mỗi cầu thủ.
Từ câu chuyện vừa qua của Tiến Linh với B.Bình Dương và FC Nghệ sĩ, một vấn đề khác cũng cần được các cầu thủ lưu ý đó là việc tham gia các đội bóng phong trào hay nói nôm na là đá phủi. Khi không phải tham gia tập luyện và thi đấu cho CLB chủ quản ở V-League, giải hạng Nhất hay tập trung đội tuyển quốc gia, các cầu thủ có thể đá một vài trận đấu với anh em, bạn bè để duy trì một phần thể lực và cường độ vận động.
Nhưng nếu đăng ký vào đội hình một đội bóng phong trào dự một giải đấu chính thức nào đó thì lại là một câu chuyện khác và cần phải có sự đồng ý của CLB chủ quản. Ngoài nguy cơ chấn thương luôn tiềm ẩn khi đá phủi, đó còn là câu chuyện của hình ảnh, bản quyền hình ảnh của cầu thủ, CLB lẫn đội tuyển quốc gia nếu cầu thủ đó đang có mác tuyển thủ.
Chuyên nghiệp không chỉ trên sân cỏ mà còn ở các hoạt động bên lề, đằng sau sân cỏ, đó là bài học cho các cầu thủ Việt Nam để bắt nhịp chung với guồng quay của bóng đá thế giới.
Lâm Chi