Chỗ đứng cho cầu thủ U23 tại V-League: Khó vẫn phải tìm
Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 31 và nhất là VCK U23 châu Á 2022 đã minh chứng một điều, lứa cầu thủ này có rất nhiều tiềm năng, vấn đề là cơ hội thi đấu của họ như thế nào.
Lên đội tuyển U23 Việt Nam, được các HLV Park Hang Seo trước kia và nay là Gong Oh Kyun tin tưởng trao cơ hội thi đấu, rất nhiều gương mặt cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam, những người gần như vô danh đã được đưa ra ánh sáng.
Giờ đây, sau khi bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, lọt vào tứ kết U23 châu Á, Tuấn Tài, Văn Khang, Văn Trường, Nhâm Mạnh Dũng, Văn Tùng… và các đồng đội được giới chuyên môn chú ý, người hâm mộ quan tâm nhiều hơn. Nhưng khi về lại CLB, thực tế khắc nghiệt hơn nhiều vì ở đó, cuộc cạnh tranh vị trí là vô cùng khốc liệt.
Với những cầu thủ U23 còn đang thi đấu tại giải hạng nhất thì việc được ra sân hàng tuần ở giải quốc nội xem ra còn dễ dàng hơn chút nhưng với các cầu thủ đang thuộc biên chế những đội bóng V-League thì điều ấy khó khăn hơn nhiều.
Sự ổn định cả về phong độ lẫn vị trí của Việt Anh (Hà Nội FC), Thanh Bình (Viettel) hay Văn Toản (Hải Phòng) vẫn là các trường hợp hiếm hoi vì phần đông cầu thủ U23 Việt Nam, dù có đá chính ở đội tuyển đi chăng nữa nhưng khi về lại CLB thì vị trí quen thuộc vẫn là ghế dự bị, họ gần như không thể cạnh tranh được vị trí với những đàn anh nhiều kinh nghiệm, thậm chí là ngoại binh đá cùng vị trí.
Tự bản thân mỗi tuyển thủ U23 Việt Nam không phải là họ không cố gắng nhưng với sức ép thành tích, không HLV nào thoải mái tâm lý để sẵn sàng đưa cầu thủ U23 ra sân đá chính. Còn về luật, hiện chưa có quy định bắt buộc nào cho các CLB về việc sử dụng cầu thủ trẻ nên dù mong muốn đi chăng nữa, tất cả giờ chỉ dừng lại ở mức vận động, vì thế việc ra sân cũng chỉ là được chăng hay chớ.
Thời điểm U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á hồi năm 2018, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã từng thăm dò ý kiến các CLB về quy định mỗi CLB phải dùng tối thiểu một cầu thủ trong độ tuổi U23 nhưng đã không nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ.
Tới đây, sau những gì U23 Việt Nam đã làm được tại SEA Games, VCK U23 châu Á và vì sự phát triển chung dài hạn của bóng đá Việt Nam, vấn đề này có thể sẽ được đưa ra thảo luận một lần nữa. Nhưng từ việc thăm dò ý kiến đến áp dụng vào luật hay điều lệ giải là cả một chặng đường dài và không dễ để thực hiện.
Nhìn rộng ra thế giới, không có nhiều giải vô địch quốc gia áp đặt việc sử dụng cầu thủ trẻ mà cũng chỉ dừng ở mức khuyến khích. Nhưng bù lại, họ lại có sân chơi dành cho cầu thủ trẻ, những người ở đội hình B cũng đá mỗi tuần như trường hợp R-League ở Hàn Quốc. Chính từ giải đấu này, cầu thủ trẻ nào chơi tốt sẽ được đôn lên thi đấu ở đội 1 và việc thay đổi này thực hiện liên tục, cầu thủ trẻ vì thế cũng có thêm động lực để mà phấn đấu.
Trở lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam, chừng nào việc sử dụng cầu thủ trẻ chưa được đưa vào luật, cho cầu thủ U23 thi đấu không chỉ là vài phút mỗi trận để lách luật cho phù hợp với quy định nếu có thì chừng đó chỗ đứng cho họ ở V-League sẽ nhiều hơn.
Nhưng, thay vì chờ đợi những quy định mà chính những nhà tổ chức cũng chưa biết khi nào có thể áp dụng được thì tự bản thân mỗi cầu thủ cũng phải có niềm tin vào chính bản thân mình, kiên nhẫn chờ cơ hội.
Như chính HLV Gong Oh Kyun cũng đã động viên các học trò của mình sau giải U23 châu Á rằng phải không ngừng cố gắng, phấn đấu mỗi ngày. Dù ngồi dự bị hay được vào sân thì các cầu thủ vẫn luôn phải kiên trì, nỗ lực, như thế thì mới nắm bắt được cơ hội của mình. Ngay cả khi ngồi dự bị thì HLV cũng sẽ nhìn nhận được khả năng của các cầu thủ.
Lâm Chi