Khai mạc giải U18 nữ Đông Nam Á: Chờ đợi gì từ các cô gái trẻ Việt Nam?
Hôm nay, 22/7, giải vô địch U18 nữ Đông Nam Á 2022 chính thức khởi tranh. Liệu sau thất bại của đàn chị, những cầu thủ trẻ nữ Việt Nam có mang lại niềm tin?
1. Đây mới là lần thứ hai, giải vô địch U18 Đông Nam Á được tổ chức. Ở lần đầu tiên năm 2014, giải dành cho độ tuổi U19, và đội tuyển U19 nữ Việt Nam đã về nhì sau loạt luân lưu căng thẳng với U19 nữ Thái Lan (3-4). Đó là giải đấu phát hiện ra Lê Hoài Lương, chân sút đã ghi tới 11 bàn sau 4 trận, và sau này khẳng định được mình ở đội một TPHCM. Tháng Ba năm nay, Hoài Lương là một trong hai cầu thủ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử nhận phí lót tay (400 triệu đồng) khi chuyển từ TPHCM sang Thái Nguyên.
Sau thất bại ở giải vô địch nữ Đông Nam Á 2022 (chỉ về hạng 4), giải U18 Đông Nam Á được xem là cơ hội để mài giũa và tìm ra những tài năng kế cận của bóng đá nữ Việt Nam để có thể thay thế các đàn chị trong tương lai, trong bối cảnh các trụ cột như Tuyết Dung, Kim Thanh, Huỳnh Như, Thùy Trang đều đã trên dưới 30 tuổi. Các cầu thủ đang có mặt ở Balembang nằm ở độ tuổi 16-18, và nếu phát triển đúng lộ trình, họ sẽ là những sự lựa chọn cho tương lai, khi những đàn chị trên giải nghệ.
Sau thất bại 0-4 trước nữ Philippines ở bán kết giải Đông Nam Á, một trận đấu mà thầy trò HLV Mai Đức Chung dù rất cố gắng nhưng vẫn không bù đắp được những chênh lệch về trình độ và thể hình với đối thủ gồm toàn Phi kiều, các diễn đàn bóng đá Việt Nam đã bày tỏ ý kiến rằng Liên đoàn bóng đá Việt Nam nên triệu tập các cầu thủ nữ Việt Kiều đáng chú ý như Sam Trần, Katie Dương, Amber Nguyễn, Sofia Nguyễn, Alexandra Huỳnh, hay chị em Lê Chelsea, Lê Kyah - những người từng tập thử ở U19 Việt Nam và được HLV Ijiri Akira đánh giá rất cao.
Nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách để các cầu thủ Việt kiều có thể khoác áo đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là khâu nhập tịch khi các cầu thủ muốn có hộ chiếu Việt Nam phải đáp ứng điều kiện có 5 năm sống ở Việt Nam. Chính vì thế, để tăng cường sức mạnh cho cấp ĐTQG thì bóng đá nữ Việt Nam vẫn sẽ phải cậy nhờ vào đào tạo trẻ.
2. Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, giải U18 nữ Đông Nam Á 2022 có thể là dịp để chúng ta chứng kiến tài thao lược của HLV Akira Ijiri, một trong những ứng cử viên thay thế HLV Mai Đức Chung ở đội tuyển nữ VIệt Nam.
HLV Mai Đức Chung là một huyền thoại của bóng đá nữ Việt Nam với vô vàn cột mốc lịch sử mà mới nhất là giúp ĐT nữ Việt Nam giành vé dự VCK World Cup 2023. Nhưng nhà cầm quân sinh năm 1951 này đã hơn một lần bày tỏ ý muốn nghỉ ngơi. Vả lại, ông Chung cũng mới chỉ có bằng A HLV, chứ không phải bằng Pro theo quy định của VCK World Cup 2023. Chính vì thế, dù có dự VCK World Cup 2023 thì ông Chung cũng chỉ có thể đứng tên là cố vấn hoặc GĐKT. Yêu cầu bổ nhiệm một HLV mới là cấp thiết.
Hiện tại, Việt Nam mới có 11 HLV bằng Pro, nhưng tất cả đều chưa có kinh nghiệm huấn luyện bóng đá nữ. Và trong số những ứng viên như Phan Thị Anh Đào (trợ lý Brisbane City), Jong Song-jon (nữ Hà Nội), và Akira Ajiri (U16, U18 Việt Nam) thì nhà cầm quân người Nhật gắn bó với các cầu thủ trẻ nữ lâu nhất (từ 2019) và đã khá hiểu thế hệ này.
Giải U18 nữ Đông Nam Á 2022, vì thế, vẫn rất đáng được chờ đợi.
Tuấn Cương