Cà phê thể thao: 'Thóc giống là phải 3 sôi 2 lạnh'
(Thethaovanhoa.vn) - Khách mời của ông chủ quán café miệt vườn tuần này là một lão nông đích thực. Câu chuyện rất thú vị về cách thức xử lý hạt giống…
Khi nông nghiệp chưa có sự can thiệp nhiều bằng khoa học, thì việc gieo trồng chính là từ kinh nghiệm và… thời tiết, lão nông nhỉ?
- Từ xa xưa, chúng ta vẫn tự hào nền nông nghiệp lúa nước. Đấy là một đặc ân của đất trời dành cho “con Rồng cháu Lạc” chúng ta. Và bằng với thời gian, chúng ta đã biết khắc phục thiên tai, để mùa màng tươi tốt hơn, nhân dân ấm no hơn.
Với nhà nông thì con giống và hạt giống là yếu tố đầu tiên quan trọng, thưa ông?
- Kinh nghiệm dân gian cho thấy, muốn hạt giống nảy mầm thì khâu xử lý là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi cứ “3 sôi 2 lạnh”, tức 3 phần nước sôi (54 độ C) và 2 phần nước lạnh, lượng nước ngập 3 – 5 phần lượng thóc giống. Ngâm chừng 15 phút thì đổ ra ngâm tiếp với nước sạch từ 18 – 20 tiếng, sau đó đãi sạch và ủ đến khi hạt nảy mầm thì đem đi gieo. Công đoạn thoạt nghe thì thấy phức tạp, nhưng đơn giản lắm.
Xuân Nam (áo sáng) cầu thủ của Hà Nội T&T thi đấu nổi bật tại Lao League theo một bản hợp đồng cho mượn. Ảnh: FB nhân vật
Gieo hạt xuống rồi, còn phải phụ thuộc vào mưa gió, dễ ngập úng vào mùa hạ. Đặc biệt vụ Đông Xuân ngoài Bắc, nhà nông còn phải làm lồng căng bạt nilon để chống cái giá rét nữa đấy?
- Tôi tưởng những trưởng giả như anh chỉ biết pha và bán café, hoá ra anh cũng quan sát kinh đấy. Đúng là vụ Đông Xuân, nhà nông thường gặp vấn đề với thời tiết, đôi khi hạt giống vị giá rét mà chết, không trổ thành mạ được. Có ra đồng mới hiểu được cái cơ cực của nông dân chúng tôi. Để có hạt gạo chúng ta ăn hằng ngày là cả một quá trình, người nông dân bán mặt cho đất (và nước) bán lưng cho giời đấy.
Ý lão là phải tạo điều kiện ký tưởng, từ việc cày sâu cuốc bẫm, làm cỏ, chống sâu bệnh, đảm bảo tưới tiêu, rồi mới trông ngày cây lúa trổ bông?
- Đúng rồi! Việc gặt đập, rồi phơi xấy là khâu cuối cùng thôi. Có những vụ được mùa chẳng nói làm gì, nếu mà mất mùa, thì coi như công cốc và phải ăn độn cũng không chừng. Nói “được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai” là thế.
Làm nông, lão có thời gian xem bóng đá không? Tôi thấy cái lứa cầu thủ U19 của Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG từng gây sốt trong lòng người hâm mộ ấy, bây giờ cứ thua chổng vó?
- À! Cái cách mà Học viện của ông ba Đức làm hạt giống rất bài bản. Bằng với sự can thiệp của khoa học thể thao, con giống U19 là rất tốt, môi trường phát triển cũng được cho là lý tưởng đi. Nhưng, ông ấy lại vội quá, mà đâu biết là thiên hạ nhiều kẻ ác miệng, khen cho nó chết. Ba Đức đâu thiếu tiền mà phải “gặt lúa non”?
Lão nói thế e có điều không phải. Ba Đức đã có hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, giành đủ danh hiệu rồi đấy, ông ta đâu có khờ mà “gặt lúa non”?
- Tôi không bảo ông ấy khờ, mà là chọn không đúng thời điểm để thu hoạch. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, các tỉnh phía Nam đã có thể làm nông nghiệp đại trà để xuất khẩu, đấy là họ biết chọn thời điểm thích hợp để đảm bảo giá và chất lượng gạo.
Cầu thủ không giống như… cây cao su. Khi hết niên hạn khai thác, thu hoạch, chúng ta đốn hạ hàng loạt để thay bằng cây mới. Bóng đá cần nhất là tính kế thừa. Phải cho người có kinh nghiệm, dìu dắt người chưa có kinh nghiệm, rồi từ từ mới phát triển được. Đấy gọi là xen canh tăng vụ, vừa hiệu quả lại an toàn.
Khi cầu thủ trẻ HAGL đánh đâu còn thua đó tại giải quốc nội, thì đừng mơ chuyện xuất khẩu như tiêu chí ban đầu, đúng không lão?
- Phải xem chất lượng hàng hoá của mình đến đâu, hợp với thị trường nào, mới tính chuyện xuất khẩu chứ. Tôi nghĩ, nếu Công Phượng, Tuấn Anh mà chưa làm hài lòng khách hàng ở V-League, thì đừng mơ xuất khẩu họ qua Âu châu hay Đông Bắc Á.
Đây là những thị trường khắc nghiệt và bản thân nông sản của Việt Nam, muốn chen chân vào còn khó, huống hồ gì cầu thủ bóng đá. Theo tôi, ba Đức có đội bóng bên Lào đấy, nên cho những người trẻ qua Lào du học. Trước là tích luỹ kinh nghiệm, sau quay về giúp HAGL vô địch V-League, rồi biến giấc mơ vàng SEA Games trở thành hiện thực.
Lão lại đùa rồi. Lao – League trình độ thấp hơn V-League nhiều thì làm sao là môi trường lý tưởng để cầu thủ phát triển?
- Anh có điều kiện lướt web, thu thập tin tức, mà lại không hiểu nhỉ. Bao nhiêu cầu thủ trước khi phát tiết được tài năng ở những đội bóng lớn, đều được cho các CLB nhỏ mượn để thi đấu ở các giải hạng thấp. Tôi nói cái kinh nghiệm là vô cùng quý giá. Với nhà nông, không có kinh nghiệm thì trăm phần nghìn là thất bại.
Nhưng thôi, nói đi cũng phải nói lại. Tôi đánh giá cao khẩu khí và tình yêu bóng đá của bầu Đức. Hãy cho ông ấy thời gian, bởi tính ra, cầu thủ không phải ai cũng là Thánh Gióng.
Tôi xin phép được mời lão tách café này bởi câu chuyện rất thú vị!
Thể thao & Văn hóa cuối tuần