Bóng đá Việt Nam: Thầy nội và thầy ngoại
Không chỉ AFF Cup 2022 với mục tiêu vô địch, bóng đá Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng: Tháng 1/2023, HLV Park Hang Seo kết thúc “nhiệm kỳ” còn nhà cầm quân đội U23 Gong Oh Kyun cũng đến tháng 3 sang năm sẽ đáo hạn hợp đồng. Trong khi, HLV nội đang có dấu hiệu "an phận thủ thường".
Vì thế, duy trì tính kế thừa ở đội tuyển Việt Nam không chỉ nằm ở lực lượng cầu thủ mà còn cả vị trí cầm quân. Đã không ít ý kiến cho rằng chúng ta đang lãng phí tài năng của HLV Gong Oh Kyun khi ông đang “ngồi chơi xơi nước”. Thậm chí, khi đội U20 Việt Nam không thể thể hiện hết được khả năng của mình tại vòng loại U20 châu Á, đã có đề xuất tìm thầy ngoại cho U20 Việt Nam.
Vậy thì, tại sao không giao công việc cầm quân cho ông Gong để đi đá VCK. Nói thế, không phải có ý chê năng lực cầm quân của thầy nội Đinh Thế Nam bởi ông đã từng dẫn dắt U22 Việt Nam vô địch U22 Đông Nam Á hồi đầu năm. Nhưng những gì rút ra sau trận thua U20 Indonesia, trước đó là bán kết U19 Đông Nam Á, cho thấy U20 Việt Nam khó tiến xa vì HLV Đinh Thế Nam đã bộc lộ giới hạn bản thân. U20 Việt Nam cần luồng sinh khí mới để vượt ngưỡng, ít ra cũng phải chơi tốt tại VCK sắp đến.
Sau VCK U23 châu Á hồi tháng 6, kế hoạch trong năm của U23 Việt Nam đã đảo chiều, khi HLV Gong Oh Kyun không còn nhiệm vụ quan trọng nào cùng học trò. Theo tính toán ban đầu, U23 Việt Nam sẽ chinh chiến ở Asiad 2022 vào tháng 9 nhưng Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 bị hoãn vô thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc U23 Việt Nam không tham gia giải đấu nào trong nhiều tháng đến.
Do vậy, cho đến tháng 3 sang năm, tức khi hết hợp đồng, ông Gong không có việc gì cùng học trò. Cùng lắm, ông chỉ thân chinh khắp sân cỏ nước nhà để tìm tòi, phát hiện nhân tố mới mà thôi. Đấy là sự lãng phí lớn, chắc chắn cả ông và VFF không hề dễ chịu. Vậy nên, có lẽ người hâm mộ lúc này đều mong muốn VFF sẽ tiến hành các bước để ông Gong yên tâm làm việc, với bản hợp đồng dài hơi khi đáo hạn. Ông cần thêm nhiều thời gian để xây dựng phong cách, triết lý và khả năng chơi bóng cho U23 Việt Nam, thậm chí cả ĐTQG sau này nếu được giao phó. Quan trọng hơn, bóng đá Việt Nam cần nghĩ đến cái đích sử dụng HLV Gong Oh Kyun cho những mục tiêu lớn lao hơn cả những gì ông Park đã làm được.
Ông Gong với chỉ hơn 2 tuần chuẩn bị, lại làm việc với 3 nhóm cầu thủ khác nhau nhưng U23 đã chơi tưng bừng ở VCK U23 châu Á. Đấy là một tập thể gắn kết, thông hiểu chiến thuật và đầy tính chiến đấu đến kinh ngạc. Các cầu thủ cũng rất thoải mái với triết lý của chiến lược gia người Hàn Quốc. Họ được chơi thứ bóng đá hiện đại, tích cực và phóng khoáng. Bóng đá cần những yếu tố như thế để cầu thủ thoải mái thể hiện hết phẩm chất của mình. Họ cần được khai phá đồng thời không ngại khám phá bản thân, tạo những đột phá để vượt qua các giới hạn. Chính từ điều đó sẽ giúp các cầu thủ trẻ ngày một tốt hơn, toàn diện hơn. Bản thân vị HLV trẻ đã thể hiện được những phẩm chất của một nhà cầm quân giỏi, rất cần cho bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, nhiệm vụ còn lại của ông Park cũng chỉ là AFF Cup cuối năm nay. Hợp đồng giữa ông Park và VFF sẽ hết hạn vào ngày 31/1/2023. Rất có thể, đến lúc đó, sẽ khép lại 5 năm đầy vinh quang tại Việt Nam của ông Park.
Điều này cũng có nghĩa, làm sao để VFF tranh thủ được chất xám của 2 vị HLV Hàn Quốc trong quãng thời gian này là chuyện cần tính đến. Bóng đá Việt Nam đang rất cần được những HLV này truyền kinh nghiệm, cảm hứng, nhất là các địa phương, các câu lạc bộ, những thế hệ cầu thủ trẻ. Trong tâm khảm, ai cũng mong muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục bước theo lộ trình của ông Park vạch ra trong 5 năm qua, nền bóng đá nên đi theo mô hình bóng đá Hàn Quốc chẳng hạn.
Một nền bóng đá không tránh khỏi những chu kỳ chuyển tiếp. Vì thế để duy trì tính kế thừa, bóng đá Việt Nam cần chú trọng hơn nữa xây dựng nền tảng vững chắc từ vị trí của nhà cầm quân. Đồng thời, quyết tâm đeo đuổi triết lý, phong cách chơi bóng đã thành công trong 5 năm qua từ ông Park, tiếp nối đến ông Gong.
Trần Tuấn