Bóng đá Việt Nam phải 'chơi lớn' với AFC Champions League
(Thethaovanhoa.vn)- Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết định thay đổi số lượng và cách thức chọn đội tham dự 2 giải đấu AFC Champions League và AFC Cup năm 2021. Bóng đá Việt Nam sẽ có 3 suất tranh tài ở giải châu Á cấp độ CLB.
Nhắc tới AFC Champions League, những ai quan tâm đến bóng đá đều biết đây là đấu trường danh giá bậc nhất cấp CLB của châu Á. Đẳng cấp của giải này tương đương với UEFA Champions League, sân chơi số 1 thế giới cấp CLB, nơi đọ tài của các đại biểu ưu tú bậc nhất châu Âu.
Cao hơn AFC Champiosn League chỉ có thể là Asian Cup, sân chơi dành cho những ĐTQG hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, đấu trường này “thiêng liêng” hơn khi có mặt các đội tuyển tranh tài, còn tầm cỡ thì với nhiều ngôi sao thế giới đến các CLB châu Á chơi bóng, AFC Champions League có thể xem khắc nghiệt hơn (do đông số đội hơn và cạnh tranh cao hơn, CLB đầu tư tiền bạc rất “khủng” để đoạt danh hiệu châu lục).
Nhà vô địch AFC Champions League còn vinh dự đại diện cho châu Á tham dự Cúp Liên đoàn các châu lục do FIFA tổ chức hàng năm.
Từ năm 2021, FIFA đã quyết định nâng tầm giải đấu này thành Giải vô địch bóng đá thế giới các CLB, dành cho 24 CLB xuất sắc nhất đến từ 6 liên đoàn châu lục.
Giải đấu dự kiến được tổ chức tại Trung Quốc từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2021, nhưng có thể sẽ bắt đầu vào năm 2022 do nhiều giải đấu lớn năm nay phải hoãn sang năm 2021 nên không đủ thời gian tổ chức.
Việc đại diện châu Á thi đấu với các CLB hàng đầu châu Âu và châu Mỹ sẽ là giấc mơ với nhiều cầu thủ châu Á, vốn rất khó có cơ hội chơi bóng cùng những ngôi sao lừng danh tại các CLB nổi tiếng thế giới.
AFC Champions League không chỉ là nơi thể hiện đẳng cấp nền bóng đá, nó còn là thước đo cho sự giàu có, tham vọng vươn lên.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, như đã phân tích, hàng triệu CĐV nước nhà đã phấn khích đổ ra đường sau mỗi chiến công của ĐTQG, từ AFF Cup 2018 đến Asian Cup 2019. Tình yêu bóng đá của người dân Việt là có thừa và lòng tự hào dân tộc đã trỗi dậy đặc biệt sau khi thầy trò HLV Park Hang Seo lọt vào tứ kết giải đấu hàng đầu châu lục.
Bạn bè nhiều quốc gia biết đến Việt Nam hơn cũng thông qua môn thể thao Vua. Asian Cup là phiên bản khác của AFC Champions League và bóng đá Việt Nam cần nghiêm túc hơn với mục tiêu này thay vì hời hợt, thậm chí sợ hãi khi nghe đến việc tham dự sân chơi hàng đầu đó như nhiều thập kỷ qua.
Từ ngày B.Bình Dương có mặt ở AFC Champions League năm 2016, bóng đá Việt Nam chưa có thêm đại diện nào làm nên chuyện tại đây. Năm đó, B.Bình Dương kết thúc bảng E với 4 điểm, nhiều hơn cả Gamba Osaka - đương kim Á quân J-League 1 chỉ có được 2 điểm.
AFC Champions League không phải là đấu trường “thích thì đến” vì đây là nơi AFC sát hạch rất gắt gao năng lực của các CLB tham dự. AFC đã căn cứ vào bảng xếp hạng điểm số các CLB quốc gia thi đấu tại các giải cấp CLB châu Á trong những năm qua.
Số điểm của Việt Nam được công bố là 28.571, xếp thứ 8 ở khu vực Đông Á và sẽ có 1 đội vào thẳng vòng bảng AFC Champions League. Chỉ có Philippines và Thái Lan xếp trên Việt Nam và Philippines sẽ có 1 đội vào thẳng vòng bảng, 1 đội đá play-off; Thái Lan có 2 suất vào thẳng, 2 suất đá play-off.
Điều này cũng phản ánh được khát vọng vươn ra biển lớn của họ. Tại Thai League, bóng đá Thái Lan có kế hoạch rất rõ ràng khi nhiều CLB không chỉ mang trong mình mục tiêu VĐQG, họ còn phải nằm trong TOP 4 để hy vọng dự AFC Champions League để thi thố với các đối thủ hàng đầu châu Á.
Việc đón các đối thủ hàng đầu tới sân nhà thi đấu cũng là dịp để nền bóng đá lẫn CĐV mở mang tầm mắt. Nó còn giúp người Thái khuếch trương thương hiệu, nâng tầm ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực.
Thành công hiện tại của bóng đá Thái Lan là đã vươn tầm ảnh hưởng tới 15 quốc gia châu Á xem Thai League, hiện tại mỗi tuần đều có các trận đấu có sự góp mặt của các tuyển thủ ASEAN và truyền trực tuyến đến các nước ASEAN, vùng Nam Á.
Các CLB Thái Lan cũng không mặn mà gì với AFC Cup, sân sau của AFC Champions League. Sức hút của 2 giải đấu có thể dễ dàng cảm nhận và thời gian để phân bổ cho đấu trường AFC Cup không đáng để đầu tư cho giải quốc nội.
Hà Nội sau thành công ở AFC Cup 2019 có vẻ cũng không còn mặn mà nhiều với sân chơi này bởi nó đòi hỏi nhiều công sức, thể lực của các cầu thủ. AFC Champions League đương nhiên không hề dễ dàng gì với các CLB Đông Nam Á khi đối diện với những gã khổng lồ giàu có của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, UAE, Iran, Arap Saudi... nhưng chính vì hiếm nên mới đắt.
Bóng đá Việt Nam đã chứng kiến nhiều cú sốc tại AFC Champions League khi các CLB đều muốn bị loại sớm, hoặc không đủ năng lực đua tài với bạn bè. Năm 2006, trên sân Gamba Osaka, Á quân V-League SHB Đà Nẵng khi đó đã thua đội chủ nhà Nhật Bản tới 0-15.
Đội bóng miền Trung năm đó lập thảm họa thua tất cả 6 trận ở bảng E với hiệu số bàn thắng bại lên đến 1/27. AFC sau đó chỉ cho Việt Nam cử đại biểu dự AFC Cup và tình hình chỉ khả quan hơn đến năm 2015, 2016 khi B.Bình Dương trở lại sân chơi hàng đầu châu Á với kết quả khá tốt hơn (vẫn bị loại vòng bảng).
Bóng đá Việt Nam chỉ thực sự được vé dự AFC Champions League khi AFC vừa quyết định nâng số đội tham gia lên tổng cộng 54 đội thi đấu, trong đó 32 đội vào thẳng vòng bảng và 22 đội còn lại tranh play-off.
Đây là cơ hội tốt khi nhà vô địch V-League không còn phải lo đến Thái Lan hay Trung Quốc, Malaysia... để đá play-off nữa, đó cũng là điều kiện để bóng đá Việt Nam nghĩ lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, lôi kéo được nhà tài trợ lớn khi mạnh dạn vươn ra biển lớn.
Việt Hà