Bóng đá Nhật Bản 'thay da đổi thịt' nhờ J.League
(Thethaovanhoa.vn) - Mọi chuyện bắt đầu kể từ Đại hội LĐBĐ Nhật Bản vào năm 1989 khi JFA đồng ý về mặt chủ trương cho ra đời J-League trên cơ sở cải tổ và phát triển từ nền móng của JSL (Japan Soccer League) - giải vô địch bóng đá quốc gia Nhật Bản.
Thành tích của bóng đá Nhật Bản kể từ khi J-League ra đời | |
Các CLB | Vô địch AFC Champions League 2007, 2008 |
Đội tuyển U20 | Á quân giải U20 thế giới năm 1999 |
Đội tuyển U23 | Đương kim vô địch ASIAD (năm 2010), Xếp thứ 4 Olympic London 2012 |
Đội tuyển quốc gia | Đương kim vô địch Asian Cup (năm 2011), 5 lần liên tiếp lọt vào VCK World Cup |
Đội tuyển nữ | Đương kim vô địch ASIAD (năm 2010), Đương kim vô địch World Cup (năm 2011), Á quân Olympic London 2012 |
Thay tên đổi họ
2 năm sau khi có chủ trương, công ty tổ chức giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản (Japan Professional Football League) mới được thành lập với vị chủ tịch đầu tiên là Saburo Kawabuchi - cựu cầu thủ của CLB Fukurawa Electric và cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản.
Từng lăn lộn với bóng đá xứ sở mặt trời mọc và là một chuyên gia kinh tế (tốt nghiệp Đại học Wasabe), ông Saburo đã chỉ ra điểm yếu “chí tử” khiến bóng đá Nhật Bản khó thu hút được công chúng. Đó là bởi các CLB hầu hết đều thuộc sở hữu của công ty công nghiệp, ngân hàng-tài chính “đặc sệt” chất doanh nghiệp và thiếu đi tính cộng đồng, địa phương.
Nhận ra điều này, ông Saburo đưa ra một thay đổi lớn là quy định các đội bóng ở JSL muốn tham dự J-League phải đổi tên để từ nay về sau gắn liền với địa phương nơi họ đại diện chứ không phải là đội bóng mang nhãn hiệu của các công ty như thời JSL. Bên cạnh đó, để có thể tham dự J-League, các CLB phải thực hiện hàng loạt điều kiện về hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ, HLV, cơ sở vật chất, sân bãi, đào tạo trẻ… cũng như chứng minh được năng lực tài chính của mình.
Mặt khác JFA cũng thuê hai giáo sư tiến sĩ người Đức là Harald Dolles và Stern Soderman thực hiện một công trình nghiên cứu tổng quát về xã hội Nhật Bản, môi trường thể thao Nhật Bản, con người Nhật Bản, xu hướng phát triển và khuynh hướng các công ty Nhật Bản với những môn thể thao ưa thích của người Nhật Bản… Dựa trên công trình nghiên cứu tỉ mỉ đó, sau khi đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan và có sự chuẩn bị một cách chu đáo về mọi mặt, mùa giải J-League đầu tiên mới chính thức được khởi tranh vào năm 1993 - tức là 4 năm sau khi có chủ trương thành lập.
Thay da đổi thịt
Với J-League trên cơ sở chắt lọc những gì tinh túy nhất ở các nền bóng đá chuyên nghiệp châu Âu cũng như Nam Mỹ sửa đổi lại cho phù hợp với đất nước mình, bóng đá xứ Phù Tang đã nhanh chóng có những bước tiến đáng kinh ngạc trong những năm tiếp theo ở cả cấp độ CLB lẫn các đội tuyển quốc gia.
Gần đây hơn, đến lượt các CLB Uwara Reds và Gamba Osaka góp phần vinh danh J-League khi đăng quang ngôi vô địch tại AFC Champion League ở mùa giải 2007 và 2008 sau khi lần lượt vượt qua các đối thủ Sepahan FC (Iran) và Adelaide United (Australia) trong các trận chung kết.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tại vòng loại World Cup 1998 khu vực châu Á, bàn thắng vàng của tiền vệ vào sân thay người Okano đã giúp đội tuyển Nhật Bản vượt qua đội tuyển Iran trong trận đấu play-off, qua đó lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền góp mặt tại một Vòng chung kết bóng đá thế giới.
Bóng đá Nhật Bản từ chỗ chưa bao giờ vượt qua vòng loại (tính đến năm 1994) đã liên tục giành quyền tham dự Vòng chung kết World Cup 5 kỳ gần đây (1998, 2002, 2006, 2010, 2014), trong đó có 2 lần vượt qua vòng đấu bảng để góp mặt trong số 16 đội bóng xuất sắc nhất hành tinh (ở các kỳ World Cup 2002 và World Cup 2010). Giờ đây người Nhật chỉ còn lo đến việc làm thế nào để thi đấu thành công tại các Vòng chung kết World Cup, thay vì chỉ chăm chăm lo việc làm sao để vượt qua được vòng loại khu vực châu Á như trước đó 20 năm.
Trong 6 vòng chung kết Asian Cup gần đây nhất, ngoài 1 lần lọt vào tứ kết (tại Asian Cup 1996) và 1 lần xếp thứ 4 (tại Asian Cup 2007), còn lại Nhật Bản có tới 4 lần đăng quang ngôi vô địch châu Á (vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011). Để từ chỗ gần như là một quốc gia vô danh, đã vượt qua cả các quốc gia giàu truyền thống như Saudi Arabia (3 lần vô địch), Iran (3 lần vô địch), Hàn Quốc (2 lần vô địch) để trở thành cường quốc bóng đá số 1 của châu lục.
Trong lịch sử 58 năm kể từ khi Asian Cup ra đời (năm 1956), chưa bao giờ người ta được chứng kiến một đội tuyển quốc gia nào lại thăng tiến nhanh đến mức độ chóng mặt như vậy.
Không chỉ có bóng đá nam mà cả bóng đá nữ Nhật Bản cũng đang chứng tỏ sự tiến bộ rõ rệt trong những năm gần đây.Từ chỗ bị loại ngay từ vòng 1 ở Olympic Atlanta 1996, các cô gái Nhật Bản đã lọt vào tứ kết tại Olympic Athens 2004, xếp thứ 4 tại Olympic Bắc Kinh 2008 và gần đây nhất tại Olympic London 2012 đã giành ngôi á quân sau khi để thua sát nút các cô gái Mỹ với tỷ số 1-2 trong trận chung kết.
Từ chỗ xếp sau 2 “đàn chị” là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, hiện đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản đang là các nhà đương kim vô địch châu Á sau khi lên ngôi Hậu tại ASIAD 2010 (thắng CHDCND Triều Tiên 1-0 trong trận chung kết). Còn ở sân chơi World Cup bóng đá nữ, các cô gái Nhật Bản cũng đang là các nhà đương kim vô địch thế giới sau khi đánh bại các cô gái Mỹ trong trận chung kết World Cup 2011 ở những loạt sút penalty (hai đội hòa nhau 2-2 trong thời gian thi đấu chính thức).
Bên cạnh đó, bóng đá trẻ xứ sở Phù Tang cũng giành được khá nhiều thành công kể từ khi J-League ra đời. Trong khi đội tuyển U20 đã giành được ngôi á quân tại giải U20 thế giới năm 1999 (chỉ chịu thua U20 Tây Ban Nha trong trận chung kết) thì đội tuyển U23 đang là đương kim vô địch Asian Games 2010 và gần đây nhất lọt vào Top 4 đội bóng xuất sắc nhất tại Olympic London 2012.
Trả lời phỏng vấn về nguyên nhân giúp bóng đá ở đất nước mặt trời mọc thăng tiến nhanh chóng trong thời gian qua, ông Saburo Kawabuchi cho biết: Sự ra đời và phát triển ổn định của J-League chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công bền vững cho bóng đá Nhật Bản. Việc làm tốt công tác đào tạo trẻ ngay từ cấp độ CLB cho tới J-League đã giúp Nhật Bản liên tục cho ra lò những lứa cầu thủ có chất lượng, cung cấp cho các đội tuyển quốc gia và gặt hái được nhiều thành công ở mọi cấp độ đội tuyển.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, J-League giờ đây được coi là giải vô địch quốc gia hàng đầu ở châu Á với lượng khán giả bình quân khoảng 30.000 người/trận và lợi nhuận hàng năm thu về khoảng 120-160 triệu USD/mùa.
Hương Thùy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần