BLV Quang Tùng: 'Nhiều thách thức cho GĐKT trong bối cảnh mới'
(Thethaovanhoa.vn) - Rất có thể chuyên gia người Nhật là ông Yusuke Adachi đã được VFF “nhắm” đến để đảm nhiệm chức danh Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) cho bóng đá nước nhà trong giai đoạn mới. Bối cảnh, con người hay những mục tiêu đều mới, vậy dấu hiệu phía trước sẽ là gì? Tất cả vấn đề này đã được BLV Ngô Quang Tùng chia sẻ trong buổi trò chuyện cùng Thể thao&Văn hóa.
* Thể thao&Văn hóa: Theo anh, đâu là thuận lợi lớn nhất của chuyên gia người Nhật, ông Yusuke Adachi, nếu được nắm giữ vị trí GĐKT của bóng đá chúng ta?
- BLV Ngô Quang Tùng: Tôi nghĩ nếu chuyên gia người Nhật, ông Adachi, được chọn để đảm nhiệm chức danh GĐKT sẽ tạo thêm được tính ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam dưới góc độ chuyên môn cùng uy tín với các tổ chức có chất lượng của bóng đá khu vực, châu lục như bóng đá Nhật Bản, đặc biệt hơn là AFC.
Ông Adachi là một chuyên gia của tổ chức AFC, chính từ điều này sẽ tăng cường thêm được cầu nối nào đó để thực hiện công việc trong thời gian sắp đến. Chúng ta thấy rằng Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng đang nắm giữ vai trò ở tổ chức AFC, nhưng chúng ta cũng cần có thêm nhiều cách tiếp cận khác nhau để tổng hòa mọi thứ.
Nhìn một cách cơ bản, đây cũng được coi như một cách tiếp cận vấn đề dưới góc độ chuyên môn mà chúng ta có thể tận dụng.
Như tôi đã từng chia sẻ với quan điểm cá nhân, chúng ta phải cần cả lộ trình có được lớp lang, bài bản trên tất cả các khía cạnh chứ không thể “vắn tắt” điều này hay điều kia. Chẳng hạn, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể đã đến lúc bỏ qua sân chơi AFF Cup của khu vực để hướng đến cái đích cao hơn.
Làm bóng đá phải có mục tiêu hay khát vọng cao hơn như thế, nhưng lộ trình và hướng đi nào cũng phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất hay bước đi căn bản nhất. Nói như thế để thấy, chúng ta phải cần có quá trình tích lũy, phải vận hành, có được dòng chảy để tạo ra được nền tảng vững chắc cái đã.
Cho nên, với ông Jurgen Gede trước đây, ông Adachi bây giờ hay bất cứ vị chuyên gia nào khác, tất cả họ đều có thế mạnh cả và quan trọng hơn là họ có phát huy được hết tố chất, điểm mạnh của họ để phù hợp với bóng đá nước nhà.
* Thể thao&Văn hóa: Có phải môi trường làm việc hay nói cách khác là chưa tìm được tiếng nói chung được coi như điểm nghẽn lớn nhất khiến những người làm GĐKT chưa phát huy hết tố chất, năng lực của mình?
- BLV Ngô Quang Tùng: Điều cốt lõi là chính chúng ta phải đưa ra được “đề bài” khi cộng tác với các chuyên gia hay cụ thể là nằm vào vị trí của người làm công tác GĐKT. Nói rộng hơn, mỗi vị chuyên gia đến với chúng ta phải được đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho họ làm việc thuận lợi nhất.
Với chúng ta là yêu cầu đặt ra ông phải làm thế này thế kia trong thời gian đó, trong lộ trình đó. Ngược lại, người nào cộng tác, đồng hành, gắn bó với bóng đá nước nhà cũng phải đưa ra những định hướng, những phương pháp thật cụ thể để đi trên con đường đó.
Tóm lại, các bên đều phải có những hệ thống, tiêu chí và đánh giá để có được cái khung cơ bản nhất cho công việc. Ở đó, có cả hành trình cộng tác, xây dựng bóng đá nước nhà, điều quan trọng nhất cần được tiếng nói chung.
* Thể thao&Văn hóa: Theo anh, nếu được chọn thì đâu là những thách thức dành cho ông Yusuke Adachi hoặc cũng có thể bất cứ chuyên gia nào với công việc này?
- BLV Ngô Quang Tùng: Sẽ có thách thức với con người mới trong bối cảnh mới này chứ không phải không. Tất nhiên, tôi nghĩ ông Adachi có được thuận lợi nhất định khi đã có được quãng làm việc với bóng đá chúng ta trong thời gian vừa rồi.
Rõ ràng việc đã tham gia giảng dạy một loạt các lớp đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau về HLV cho nên ông ấy đã có những mối quan hệ và cộng tác mật thiết như thế. Chính học viên của những lớp học như thế này đã đảm đương công tác huấn luyện của bóng đá nước nhà trong vài năm qua ở cả cấp độ CLB cũng như tuyến trẻ.
Có thể từ điều này cũng giúp ông Adachi có được những mối quan hệ nhất định, có được dữ liệu và cả những hình dung chừng mực về hệ thống của chúng ta vào lúc này.
Chúng ta thấy thách thức cũng từ đó nếu nhìn vào định hướng sẽ chú tâm vào công tác đào tạo trẻ cả về cầu thủ lẫn HLV các tuyến trẻ. Rõ ràng chúng ta cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo trẻ nhưng đó là điều kiện cần mà thôi.
Điều kiện đủ còn về cả chất lượng của công tác đào tạo trẻ đó mang về có được như ý muốn từ ban đầu hay không. Làm đào tạo trên hệ thống như thế không phải bao giờ cũng đảm bảo hoàn hảo nhất những gì mình đề ra ngay từ ban đầu, không phải lúc nào cũng như ý.
Nói thế để thấy những thách thức với con người cụ thể như ông Yusuke Adachi hay bất cứ vị chuyên gia nào khác khi bắt tay vào công việc.
Vấn đề khi xây dựng công tác đào tạo trẻ không phải lúc nào đúng như ý muốn, không phải bất cứ điều gì cũng đảm bảo cho dù mình vẫn làm theo đúng mô hình hay lộ trình, ngay cả với bóng đá thế giới cũng vậy thôi.
Cho dù hệ thống vẫn vậy, con người đầu vào vẫn tốt như thế, Liên đoàn hỗ trợ hay cộng đồng xã hội ủng hộ nhưng tại sao vẫn chưa thể có sản phẩm tốt. Không phải mình có nhiều lớp đào tạo trẻ, có được sự quan tâm, đầu tư, ủng hộ hay các Trung tâm đều xắn tay vào làm thì mọi thứ đều đưa ra kết quả hoàn hảo ngay.
Chúng ta thấy những bước đi như thế là một khía cạnh chuẩn mực để có được lớp lang và đảm bảo yếu tố thành công.
Chúng ta thấy việc VFF đưa ra quan điểm và đi tìm người để phù hợp với quan điểm đó rất cần được ủng hộ, cho dù người tiếp cận với công việc này là ai. Vấn đề ở chỗ là chúng ta luôn đặt ra câu hỏi liệu như thế là vừa vặn hay thành công hay chưa?
Không ai có thể khẳng định được câu chuyện sẽ thế nào và kết quả ra sao. Chúng ta vẫn hay hỏi là ông này có thành công hay không hay luôn đòi hỏi những điều tức thời. Câu hỏi như thế không phải chỉ đặt ra cho chức danh GĐKT còn nghe thấy ở cả mỗi đời HLV các cấp độ đội tuyển nữa.
Quan điểm của tôi là nếu chọn người ngồi vào vị trí GĐKT sẽ phải dài hơi hơn chu kỳ của HLV trưởng đội tuyển. Họ phải được tạo điều kiện và cần đủ thời gian để bắt tay vào công việc của mình.
Với cá nhân chuyên gia Yusuke Adachi cũng phải vậy thôi, nếu đã tin tưởng thì cần có được kiên nhẫn với sự cộng tác như thế. Nói cách khác, phải dài hơi để họ có đủ điều kiện để họ phát huy vai trò trên cả chuyện định hướng, tổng hợp, tổ chức, xây dựng, triển khai hay cả việc ứng biến trên lộ trình đó.
* Xin cảm anh về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)