Như giới truyền thông đưa tin thì trong chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ có bàn về chính nội bộ VFF. Đó là điều giúp Hội nghị càng được chờ đợi. Nhưng nếu chỉ để xử lý một cá nhân (hoặc một vài cá nhân nào đó) từ những cuộc tranh cãi gay gắt và không ngần ngại chỉ trích trực diện lẫn nhau thời gian qua “làm xấu hình ảnh VFF” thì cũng không giải quyết được cốt lõi của vấn đề.
Nhưng dù Liên đoàn có đưa câu chuyện theo hướng nào thì cũng khó làm thay đổi thực tế là ngày càng có nhiều người phản đối vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia của HLV Miura. Trong số này có những nhà chuyên môn xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam như Lê Thuỵ Hải (HLV ba lần vô địch quốc gia), Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải (những HLV, chuyên gia kỳ cựu của Thể Công), Trần Minh Chiến (từng là kiến trúc sư của lò đào tạo PVF thống trị bóng đá trẻ Việt Nam mấy năm gần đây), Phan Thanh Hùng (dù từng không thành công khi cầm đội tuyển, nhưng là HLV của một Hà Nội T&T luôn nằm trong Top đầu của V-League 5 năm qua), và rất nhiều cá nhân khác nữa.
HLV Miura đã đưa BĐVN thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ qua hai năm dẫn dắt bằng các thành tích như vào vòng 1/8 Asian Games 2014, giành 2 HCĐ ở AFF Cup 2014 và SEA Games 2015, cùng với việc giành vé vào VCK U23 châu Á.
Nhưng việc ông Miura hoàn toàn không có kinh nghiệm cầm quân ở cấp độ đội tuyển, ở các giải đấu quốc tế đã trả giá bằng việc đội tuyển Việt Nam thua ngược ở bán kết lượt về AFF Cup trước Malaysia ngay trên sân Mỹ Đình. Đây là trận đấu được cho làm thay đổi hoàn toàn quan điểm của Miura, khiến ông trở nên thực dụng hơn về sau thì cái giá vẫn là quá đắt, và sự thay đổi mà chúng ta chứng kiến là sự cứng nhắc.
Tương lai của HLV Miura chỉ là một trong số những nội dung tại Hội nghị BCH VFF hôm nay 28/1.Ảnh: Anh Đức
Ở SEA Games 2015 thì U23 đã thua ở bán kết trước Myanmar, một đội bóng chưa bao giờ đăng quang ở SEA Games hay AFF Cup kể từ khi Việt Nam tái hội nhập với khu vực kể từ năm 1995.
Ở VCK U23 châu Á thì trận đấu hay nhất của đội là trận cuối, trước UAE, khi ông Miura dùng đội hình gồm đa phần cầu thủ dự bị, nhiều người trong số đó được dư luận đánh giá cao hơn những cầu thủ ông cho là phù hợp.
Những trận đấu tưng bừng nhất là ở Asian Games 2014 nhưng lúc ấy ông không trực tiếp huấn luyện mà chỉ đến sát giải mới cầm quân.
Có một nguyên nhân được chỉ ra khiến cho HLV Miura ngày càng bị đánh giá thấp là việc ông phải ôm đồm cả hai đội tuyển: U23 và ĐTQG. Nếu coi đây là sự bào chữa cho HLV người Nhật thì nó lại chỉ ra một hạn chế của Liên đoàn là không thể có hai HLV dẫn dắt hai đội tuyển khác nhau.
Lý do của lý do là kinh phí, nhưng nếu phải tìm tới tận căn nguyên của vấn đề thì cỗ máy của Liên đoàn đã kiếm tiền không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Đội tuyển U23 phải đi mượn sân của trung tâm Viettel để tập, và nếu trước kia ở khách sạn sang trọng thì nay chỉ ở một khách sạn nhỏ, nằm ở khu Mai Dịch.
Đội tuyển U23 không gặp về vấn đề thể lực, nhưng tại sao một đội bóng như U19 do bầu Đức lo liệu thì có đầu bếp đi cùng còn U23 lại phải cầm theo mì tôm phòng thân?
Rồi nếu như có những trận giao hữu với các đối thủ tầm cỡ, có những chuyến du đấu ngay từ sớm hơn thì cũng có thể HLV Miura có nhận ra được năng lực thực sự của các học trò của mình. Đấy là những vấn đề của VFF và tiếc thay nó không chỉ dừng lại ở đấy.
Khi ông Trần Anh Tú, uỷ viên Ban chấp hành Liên đoàn trả lời Thể thao & Văn hóa Cuối tuần cách đây ít lâu về khả năng VFF có gia hạn hợp đồng với HLV Miura hay không, ông đã nói thế này: “Tôi không thể can thiệp vào vấn đề này và cũng không có quyền hành gì. Nhưng tôi nghĩ bây giờ mà VFF chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura thì mọi người cũng tự hiểu sự gắn bó giữa 2 bên là đến đâu”.
Liệu khi chúng ta có một HLV trưởng khác thay ông Miura thì với những gì diễn ra ở Liên đoàn thời gian qua có đảm bảo các đội tuyển sẽ tiến xa hơn nữa, BĐVN sẽ phát triển hơn nữa?
Đó chính là sự thật diễn ra ở VFF, liên quan tới cái mà Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ gọi Liên đoàn là “Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 người”. Vì ông Trần Anh Tú là một trong năm thành viên của Thường trực, cơ quan cấp cao của Liên đoàn có trách nhiệm quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có HLV đội tuyển.
Cách chỉ ra sự thật này thực ra chỉ khác về hình thức tiết lộ so với việc ông Nguyễn Xuân Gụ đăng đàn ở Tổng cục kể về nội tình, khó khăn của VFF.
Vì thế, nếu chỉ họp để quyết số phận của ông Miura và để đảm bảo từ nay không có những chuyện nội bộ được phơi bày theo cách không mong muốn thì sức mạnh của đội tuyển, của nền bóng đá cũng chưa chắc sẽ được cải thiện.
Những sức mạnh thực chất ấy mới chính là yếu tố tạo ra hấp lực với các nhà tài trợ hiện tại hoặc thay thế cho làn sóng ra đi (nếu có) của các doanh nghiệp đang gắn thương hiệu với đội tuyển hiện nay.
Phạm Tấn