Bóng đá Việt và chuyện bằng chứng đâu?
(Thethaovanhoa.vn) - “Bằng chứng đâu?” Đây là câu hỏi thường xuyên được đưa ra mỗi khi bóng đá nước nhà đối diện với một vụ việc nào đó, để lại những nghi ngờ từ cầu thủ hay CLB. Câu hỏi xưa cũ và muôn thủa khi chuyện “ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt” đến hẹn lại lên, cho dù thời gian qua, những vụ việc đó đã được đại phẫu và để lại dư vị đắng chát.
Nhưng hôm nay, bóng ma tiêu cực lại cứ lởn vởn. Bùi Tấn Trường với những bàn thua khó hiểu tại AFC Cup. Cách đó vài ngày, tại giải U19 quốc gia, đội bóng trẻ Phú Yên thua U19 Hà Nội. Bàn thua duy nhất đó cũng đến sai lầm của thủ môn. Song điều đáng nói hơn là thái độ thi đấu trong phần thời gian còn lại. U19 Phú Yên chủ động không lên tấn công mà chuyền bóng qua lại bên phần sân nhà.
VIDEO Bình Dương 1-3 Ceres Negros: Sai lầm tai hại của Tấn Trường.
Những câu hỏi đã được đặt ra cho thủ môn Bùi Tấn Trường. Sự nghi ngờ tiêu cực dành U19 Phú Yên càng tăng lên khi trên khán đài hôm đó xuất hiện những to nhỏ tỉ lệ cá cược của một vài nhóm khán giả.
Với những bàn thua theo kiểu “mời ông xơi” của Tấn Trường hay câu chuyện U19 Phú Yên thì cho đến lúc này vẫn chưa (cũng có thể là không có) những kết luận chính xác và chính thức chuyện này nọ hay không. Chỉ biết rằng nó cứ như sự ám ảnh và làm đổ sông đổ biển công sức của những ai chung tay trong việc xây dựng một môi trường chơi bóng “sáng-xanh-sạch-đẹp” như hằng mong. Trước đó không lâu, giải thưởng Fair-Play bóng đá Việt Nam vừa vinh danh cho các cá nhân và tập thể. Vậy nên, những sự cố như thế này, đã là sự hụt hẫng và đáng lo ngại cho sân cỏ nước nhà.
Câu hỏi đang được dư luận đặt ra là có hay không việc thi đấu không trung thực của các cầu thủ U19 Phú Yên? Và nếu có thì BTC có dám mạnh tay, VFF có dám làm tới cùng với việc nhờ cơ quan chức năng vào cuộc?
Sự “thiếu tích cực” của các cầu thủ trẻ trong một trận đấu ở giải U19 là lời cảnh báo mà chính VFF đã phải lên tiếng. Các cầu thủ U19 mới chỉ ở độ tuổi 17, 18 còn rất trẻ và nhận thức về bóng đá mới chỉ bắt đầu, thế nên đây là điều đáng báo động ở một giải trẻ đã có uy tín.
Còn Bình Dương đá AFC Cup mà thể hiện kiểu này thì quả là mất lòng tin với người hâm mộ quá. Điều gì đang xảy ra với các học trò HLV Trần Minh Chiến, điều gì khiến một thủ môn dày dạn kinh nghiệm như Tấn Trường nhưng chơi như một thủ môn mới tập chơi bóng “ngớ ngẩn” như thế? "Thật ngớ ngẩn!", đó cũng là bình luận của kênh thể thao FOX Sports để nói về bàn thua của Tấn Trường, trong khi nhiều ý kiến khác cũng hoài nghi lỗi sai đó không đơn thuần chỉ là chuyên môn.
Quá khứ đã có những bài học chưa ráo mực, như mới hôm qua. Năm 2005, đại án bán độ của 7 cầu thủ U23 tại SEA Games trên đất Philippines đã khiến bóng đá nước nhà lao đao. Đại án đó đã làm chúng ta mất đi một thế hệ cầu thủ tài năng. Đó là giai đoạn mà người trong nghề vẫn truyền tai nhau câu nói “tội lỗi hồn nhiên”. Bởi lỗi đó, không chỉ đến từ lòng tham mà cả ở nhận thức và hiểu biết không đầy đủ
Năm 2014, bóng đá Việt Nam tiếp tục chìm trong cơn khủng hoảng với vấn nạn bán độ đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Đó là vụ tiêu cực của các cầu thủ Ninh Bình tại AFF Cup 2014 và cầu thủ Đồng Nai ở V-League 2014. 9 cầu thủ Ninh Bình bị cấm thi đấu vĩnh viễn trên toàn châu Á, còn 6 cầu thủ Đồng Nai cũng chấm dứt sự nghiệp. Nhiều trong số đó là các tài năng, từng khoác áo đội tuyển quốc gia nhưng rồi mất tất cả vì tiêu cực.
Đừng thật thà nghĩ rằng tiêu cực đã hoàn toàn chấm dứt ở sân cỏ nước nhà, khi nhiều trận đấu cứ “nổ tài”, cứ lưới rung là tin nhắn về như thế. Tất nhiên, không thể luận tội và chưa thể đưa ra kết luận gì bởi vấn đề vẫn nằm ở chỗ “bằng chứng đâu?”
Trần Tuấn