Bóng đá Việt Nam và 'ngọn núi cao' World Cup
Trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, bóng đá là môn thể thao duy nhất được ấn định mục tiêu riêng.
Theo đó, đến năm 2030 bóng đá nam phấn đấu vào Top 10 châu Á đối với nam và Top 8 đối với nữ. Còn tầm nhìn 2045, lần lượt là Top 8 và Top 6. Riêng bóng đá nam, có nhiệm vụ giành vé dự World Cup, điều được xem là mục tiêu thường xuyên đối với bóng đá nữ.
1. Bóng đá được ưu ái cũng dễ hiểu. Không hẳn vì môn chơi này phổ biến và được yêu mến nhất Việt Nam, mà còn bởi con đường phát triển của bóng đá có thể nói là …dài vô tận. Nói dễ hiểu thể này, ví dụ như chúng ta đặt mục tiêu có HCV Olympic thì có nhiều môn khác nhau có thể đạt được kỳ tích.
Môn nào làm được thì niềm vui cũng như nhau, đều đem đến niềm tự hào cho đất nước. Về cơ bản, để tái lặp thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 thì không phải là chuyện bất khả thi.
Với bóng đá thì hoàn toàn khác. Hãy nhớ lại bầu không khí cả nước thời điểm U23 trở thành á quân của giải châu Á năm 2018. Thực tế thì chúng ta không có danh hiệu vô địch nào cả, nhưng sự tác động của thành tích ấy thực sự có thể làm xoay chuyển nhiều khía cạnh trong xã hội.
Khí thế vô cùng, năng lượng tích cực lan tỏa mạnh mẽ. Như đã biết, đó chỉ mới là thành tích ở một giải trẻ. Điều này cho thấy việc vươn tầm của bóng đá Việt Nam thực sự gian khó hơn các môn thể thao khác rất nhiều.
Thế nên, việc được nêu tên trong Chiến lược chung của ngành thể thao vừa là sự hãnh diện, nhưng cũng là thử thách quá lớn đối với bóng đá Việt Nam. Vì là "Chiến lược", nên mục tiêu phải cao hơn thực tế để còn phấn đấu.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cột mốc "vào được Top 10 châu Á" đã là một ngọn núi rất lớn, chuyện dự World Cup thực sự vẫn phải để trong ngoặc kép: Đó là "giấc mơ".
Bởi khác với những môn thể thao cá nhân, chiến thắng đôi khi có phần may mắn khi ở một thời điểm nào đó, chúng ta có những VĐV kiệt xuất trong khi các quốc gia khác thì đang trong giai đoạn khô hạn tài năng. Đúng người, đúng thời điểm, thì chuyện đoạt HCV Olympic hoàn toàn có thể.
Nhưng trong bóng đá, suốt 30 năm qua, Top 8 ở nam và Top 5 ở nữ gần như không thay đổi. Những nền bóng đá mạnh, vẫn tiếp tục mạnh, đơn giản vì họ trải qua giai đoạn tích lũy đầy đủ cả về tài chính lẫn hệ thống đào tạo con người.
Hiểu đơn giản, trừ khi có biến cố gì quá lớn về địa chính trị, thì nền bóng đá của họ mới tự yếu đi. Trên thực tế, như trường hợp của Iraq, dù rất khó khăn trong việc duy trì bóng đá nội địa nhưng họ vẫn là đội bóng thường xuyên của Top 8, Top 10 châu Á.
Và có một ví dụ ngay trước mắt: Bóng đá Thái Lan có thể nói là đứng đầu Đông Nam Á suốt từ năm 1993 đến nay, thế nhưng họ cũng chưa bao giờ có chỗ trong Top 10 châu lục. Chúng ta không nói là họ sẽ không làm được điều đó, cái cần chú ý là thời gian của cuộc hành trình chinh phục.
Thái Lan từng vào đến vòng loại cuối cùng để tranh vé dự World Cup lần đầu tiên cách đây cũng gần 20 năm. Thai-League của họ chuyển sang mô hình chuyên nghiệp như giải Ngoại hạng Anh cũng ngót nghét 2 thập niên, cầu thủ của họ ra nước ngoài chơi bóng rất đông đảo, thế nhưng việc vào Top 8, Top 10 vẫn còn rất xa với người Thái.
2. Vậy bóng đá Việt Nam sẽ vượt qua "ngọn núi lớn" được đề ra trong chiến lược như thế nào?
Vài năm trước, chúng ta đã có 2 dựa án khá tham vọng dành cho các lứa U17 và U19, đều hướng đến mục tiêu tìm vé dự World Cup. Chỉ có điều, chúng ta lại "đốt ngắn" quy trình, hướng đến World Cup 2030, thậm chí là World Cup 2026, nên khi đối mặt với thực tế quá khắc nghiệt thông qua những trận cầu vòng loại, thì đến nay 2 dự án nói trên cũng không còn được nhắc đến.
Nhưng rõ ràng, đó là những gợi ý đắt giá. Có nghĩa là để thực thi được Chiến lược vừa được Chính phủ ban hành, thì bóng đá Việt Nam cần một chiến lược riêng cho mình và trong đó, phải có càng nhiều dự án tham vọng như vậy. Càng nhiều càng tốt. Có dự án cho ngắn hạn, và nhiều hơn nữa cho tầm nhìn dài hạn ở đủ các lứa tuổi.
So với các môn thể thao khác, bóng đá Việt Nam có lợi thế là xuất hiện trong Chiến lược chung của ngành thể thao. Điều này cho phép bóng đá có thêm nguồn lực đầu tư từ ngân sách bên cạnh các khoản tự vận động.
Vấn đề là không thể chỉ dồn trọng tâm vào các đội tuyển, điều mà 2 dự án của U17 và U19 làm không thành công. Đội tuyển Việt Nam đã vào đến tứ kết Asian Cup, góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nhưng vẫn nằm ngoài Top 15 châu lục. Việc đầu tư cho các đội tuyển cụ thể gần như không thể đạt đến mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra.
Câu chuyện về lứa U19 của học viện HAGL Arsenal JMG ngày nào có lẽ là một giải pháp. Đó là một lứa cầu thủ được đào tạo theo một phong cách bóng đá riêng, ở tiêu chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung. Khi lứa này xuất hiện, thì cùng thời điểm "ra lò" của một loạt trung tâm đào tạo khác như Hà Nội, Thể Công, PVF …để rồi hợp thành thế hệ mà chúng ta hay gọi là U23 Thường Châu 2018. Đó là giai đoạn mà nhiều dự án nhỏ của bầu Đức, bầu Hiển …đã được gộp lại cùng lúc để bóng đá Việt Nam có những tài năng ở tiêu chuẩn vượt trội so với trước. Điểm chung của các "dự án" này, là đến từ các CLB ở V-League.
3. Những "ngọn núi" trong Chiến lược thực sự quá cao nhưng đó cũng là một thử thách thú vị với bóng đá Việt Nam trong 2-3 thập niên tới. Ở Chiến lược trước đây, với tầm nhìn 2030, mục tiêu đặt ra là vào Top 15 châu Á thì đã có những thời điểm đội tuyển Việt Nam gần chạm vào được dưới thời HLV Park Hang Seo.
Thậm chí, VFF từng có chiến lược riêng hồi năm 2000 đặt ra giấc mơ dự World Cup 2018, thì cũng không quá viển vông khi đội tuyển lần đầu giành quyền đá vòng loại cuối cùng. Điều này cho thấy vẫn có những cơ sở nhất định để bóng đá Việt Nam vươn đến Top 10 châu Á.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng vừa có một trải nghiệm khốc liệt và đau đớn tại vòng loại World Cup 2026 cũng như thành tích của đội tuyển nữ tại World Cup 2023. Không ai thích thất bại, nhưng nhận được một bài học đắt giá kịp lúc cũng là sự may mắn. Nên đã đến lúc bóng đá Việt Nam trở lại với con đường …học cách leo núi.
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trích)
Ngày 15/10, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với thể thao thành tích cao, duy trì trong Top 3 tại các kỳ SEA Games và trong Top 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 05 đến 07 HCV tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á. Đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong Top 2 tại các kỳ SEA Games, trong Top 15 tại các kỳ ASIAD và Top 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong Top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong Top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.