Bóng đá Việt Nam: Trông người mà ngẫm đến ta
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với thất bại của hàng loạt các "ông lớn" của châu Âu ở vòng 1/8 UEFA EURO 2020, là sự thắng thế của các thế lực cũ, vốn không được đánh giá cao ở các VCK giải đấu lớn. Phải chăng ĐTQG và giải VĐQG chỉ có rất ít mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ?
Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo bị Bỉ tiễn về nước, Pháp cũng nối gót sau trận đấu với Thụy Sỹ, đồng thời Ý và Tây Ban Nha phải rất nhọc nhằn để vượt qua Áo và Croatia.
Trên bản đồ các giải VĐQG châu Âu, các CLB đến từ Bỉ, Áo, Czech hay Thụy Sỹ, Đan Mạch..., rất ít được nhắc tới. Chuẩn mực được đưa ra bởi UEFA Champions League và Europa League, khi từ nhiều chục năm nay, không một đại diện nào đến từ các giải đấu này chen chân vào được tốp đầu. Quanh đi quẩn lại vẫn là các CLB đến từ Tây Ban Nha, Đức, Ý, Anh và Pháp thống trị.
Ajax Amsterdam là đội bóng hiếm hoi không thuộc một trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu từng lọt vào chung kết UEFA Europa League cách đây đôi ba năm. Nhưng ngay cả Hà Lan cũng vừa bị Cộng hòa Czech cho rớt đài ở vòng knock-out đầu tiên Euro năm nay.
Pháp là nhà ĐKVĐ thế giới, Bồ Đào Nha vừa bị biến thành cựu vương châu Âu, nhưng thực tế tính cạnh tranh và chất lượng của cả League 1 và giải vô địch Bồ Đào Nha Liga NOS không thể so được với các giải đấu của Đức, Anh, Ý hay Tây Ban Nha. Nói tóm lại, chỉ có rất ít mối quan hệ tương hỗ giữa sức mạnh của ĐTQG và sự lớn mạnh của các hệ thống giải VĐQG. Tại sao thế?
Các nền bóng đá trung bình và nhỏ ở châu Âu, như Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch và các nước Đông Âu, không có giải VĐQG mạnh, nhưng họ lại rất mạnh trong xuất khẩu cầu thủ. Cầu thủ ĐTQG các nước này đã và đang chơi cho các CLB hàng đầu ở 5 giải VĐQG hàng đầu cựu lục địa. Và đó là lý do, chất lượng của ĐTQG được đảm bảo. Tại châu Á, với các khu vực bóng đá chậm phát triển như Đông Nam Á và Nam Á, thì vẻ như không giống như vậy.
Thái Lan là quốc gia có Thai Premier League phát triển tốc độ chóng mặt từ gần 20 năm qua, đồng thời họ cũng duy trì năng lực xuất khẩu cầu thủ. Thập niên đầu thế kỷ 21, cầu thủ Thái tràn ngập V-League và các giải vô địch Đông Nam Á khác. Còn ngay lúc này, các cầu thủ xuất sắc nhất của Thái đã chinh phục cả J-League 1.Nhưng thành tích của các ĐTQG Thái Lan mấy năm qua lại không hề tương xứng với năng lực của họ.
Việt Nam có thể nói là đã thất bại trong chiến lược xuất khẩu cầu thủ, với Công Phượng, Văn Hậu là điển hình. Nhưng bằng với việc duy trì được hệ thống các giải quốc nội đều đặn, cùng chân rết đào tạo chất lượng của một số Học viện hay lò địa phương, mà chúng ta leo lên vị trí số 1 khu vực. Tuy nhiên, vị trí này khá mong manh, nếu chúng ta không nỗ lực cải thiện, nâng cấp.
Sự thật là thành tích tốt của các ĐTQG Việt Nam từ 3-4 năm qua, từ khu vực đến châu lục và cả ở chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022, dựa trên nền tảng 1-2 lứa cầu thủ tốt, cùng ê-kíp HLV giỏi, tận tụy. Nó sẽ không kéo dài, bởi thế hệ cầu thủ kế cận vẻ như khó thể so được với lứa đàn anh của Công Phượng, Quang Hải, Hoàng Đức... HLV Park Hang Seo cũng thừa nhận rằng, mình ông không thể đưa Việt Nam đến World Cup, mà để phát triển đồng bộ nền bóng đá, cần một chiến lược dài hơi.
Trong khi V-League vẫn còn một khoảng cách khá xa so với J-League hay K-League, thậm chí Thai Premier Leaghe hay giải Nhà nghề Trung Quốc, chúng ta nếu chưa có sự chuẩn bị tốt, thì hoàn toàn có thể lại rơi vào một khoảng lặng như giai đoạn 2011-2017. Bóng đá là tính liên tục, không thể đi tắt đón đầu hay nước đến chân mới nhảy.
CCKM