Bóng đá Việt Nam: Đa thì khó tinh
(Thethaovanhoa.vn) - Để tăng chất và tính cạnh tranh cho giải đấu được xem là phiên bản của EPL Premier League ở xứ sương mù, Thai Premier League 2019 đã quyết định rút số lượng đội tham dự từ 18 xuống còn 16 CLB. Ở xứ sở Kim chi quê hương ông Park Hang Seo, với giải đấu được xem là kiểu mẫu của làng túc cầu Á châu: K-League 1, cũng chỉ có 12 CLB thi đấu quanh năm. Trong khi V-League bao nhiêu năm qua vẫn cố gắng gói ghém cho đủ 14 suất/mùa giải...
Đã có ít nhất 8 nhà vô địch được tìm thấy trong lịch sử 20 năm, kể từ khi V-League ra đời (năm 2000), con số như thế là không quá tệ về sự đa dạng, phân hoá. Nhưng, cho đến thời điểm này, ít nhất một đội vô địch đã mất tích (Cảng Sài Gòn năm 2002), 1 đội bóng xuôi hạng Nhất và không hẹn ngày trở lại (Long An với phiên hiệu tiền thân là Gạch Đồng Tâm Long An). Cũng bằng chừng ấy thời gian, có đến chục CLB chuyên nghiệp phải giải thể, hoặc chuyển giao, hoặc hiện đang ở đâu đó giải hạng Nhì - hạng Ba quốc gia...
VIDEO: Nhận định Bình Dương vs TPHCM (17h, 12/4), vòng 5 V-League 2019. Trực tiếp BĐTV, FPT Play
V-League từng có giai đoạn phát triển cực thịnh, đấy là khoảng thời gian 2003-2011, với nguồn lực xã hội đầu tư vào bóng đá rất lớn và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Bóng đá kết hợp doanh nghiệp cũng chính là mô hình kiểu mẫu của AFC và của toàn cầu. Quãng thời gian này, V-League được xem là giải đấu hàng đầu khu vực Đông Nam Á về chuyên môn, sự cạnh tranh, quảng bá và cả chất xám ngoại lực lẫn nội lực, là điểm đến của rất nhiều những ngôi sao bóng đá hàng đầu. Nhà vô địch thế giới Denilson là một trong số đó, dù ngôi sao Selecao chỉ đá vài chục phút ở Lạch Tray.
Thế còn lúc này? Điều dễ nhận ra nhất với giải đấu số 1 Việt Nam là sự chênh lệch giàu nghèo và độ vênh đẳng cấp giữa các CLB quá lớn. Nó khởi thuỷ từ tham vọng và chiến lược làm bóng đá không giống nhau của các đội bóng, cũng như các địa phương. Điều đó khiến cho tính cạnh tranh bị giảm thiểu, chất lượng các trận đấu và giải đấu đi xuống, đương nhiên sự quan tâm của khán giả cũng không cao như trước. Mà khán giả hay tốt hơn là các Hội nhóm CĐV, mới là nguồn lực chính nuôi sống bóng đá chuyên nghiệp, chứ không phải túi tiền của các ông bầu hay ngân sách Nhà nước.
Trong một trả lời phỏng vấn trên Thể thao & Văn hoá, cựu danh thủ đội trưởng đội tuyển Việt Nam và các CLB SLNA, Hà Nội, B.Bình Dương - Lê Công Vinh, nói rằng, khán giả đến sân đông thì mới thu hút được quảng cáo, tài trợ. “Muốn kéo người hâm mộ trở lại SVĐ, đòi hỏi các cầu thủ và các CLB phải chuyên nghiệp, thi đấu cống hiến và fair-play. Điều này theo tôi là không khó, vấn đề là chúng ta chưa đưa ra một cam kết hay quy tắc ứng xử nào với nhau cả. Vẫn mạnh ai nấy đá, đèn nhà ai nấy sáng”, Công Vinh chia sẻ. Công Vinh được xem là ngôi sao sáng nhất và duy nhất của bóng đá Việt Nam ở kỷ nguyên lên chuyên.
Bóng đá, đặc biệt là bóng đá chuyên nghiệp là câu chuyện của chọn lọc và đào thải nghiệt ngã. Song ngẫm ra, V-League không thực sự có được những yếu tố này, từ bao năm qua. Bất cứ đội bóng nào cũng có thể bỏ ngang cuộc chơi mà không cần phải đưa ra lý do chính đáng nào cả. Chỉ một cái gật hoặc lắc của ông chủ, đội bóng có thể biến mất trên bản đồ, hàng chục thậm chí hàng trăm con người phải ra đường, bỗng nhiên thất nghiệp. Còn nhà tổ chức phải "chạy có cờ", lo xử lý khủng hoảng. Cùng với hàng trăm mối lo khác về bạo lực sân cỏ hay vấn nạn trọng tài, mới sinh ra ước mộng “giải đấu về đích an toàn” là may rồi.
Đa thì khó tinh. Môt đòi hỏi tất yếu của thời cuộc là sự thay đổi để phát triển. Đừng vì cái lợi trước mắt mà cố làm tròn các con số cho đẹp văn bản báo cáo, nhẹ là số lượng khán giả đến sân/trận đấu/vòng đấu, nặng hơn là số lượng đội bóng tham dự cho đủ tụ. Nếu có một lộ trình bài bản, V-League từ 14 CLB rút xuống còn 12, thậm chí là 10 đội, tự nhiên tính cạnh tranh sẽ cao lên. Nó cũng đảm bảo cho chân đế của nền bóng đá, với đào tạo trẻ cùng hệ thống các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp trở nên vững hơn rất nhiều, thay vì vẫn theo chiều kim tự tháp ngược như hàng chục năm qua.
Hành động, mạnh dạn thay đổi hay là chấp nhận sự thụt lùi, là do chính chúng ta quyết định. Chỉ trông vào thành tựu của các ĐTQG như một đôi năm qua, mà nghĩ rằng bóng đá Việt Nam vẫn phát triển tốt, sẽ là rất tai hại về lâu dài.
Tùy Phong