Bóng đá Việt Nam, cuộc chơi của 'nhà giàu'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi Đồng Tháp đã huy động mọi nguồn lực nhưng vẫn không thể có đủ 35 tỷ đồng để đội bóng địa phương tham gia mùa giải 2015, thì B.Bình Dương lại luôn rủng rỉnh.
Từ độ một thập niên qua, cảm giác như mọi con đường đều dẫn về đất Thủ, khi đội bóng này chưa bao giờ ngừng mua cầu thủ và luôn mua rất nhiều. Với vụ chiêu mộ mới nhất, chân sút nội số 1 V-League Lê Công Vinh, B.Bình Dương đang trở thành “con ngáo ộp” đủ khả năng nuốt chửng giải đấu.
“Đèn nhà ai nấy sáng” và mọi so sánh luôn khập khiễng, song chúng ta sẽ phải giật mình nếu chịu khó làm các thống kê. Có nhiều dấu hiệu cho thấy B.Bình Dương đã, đang và sẽ vẫn là lữ khách độc hành ở V-League.
40 tỷ đồng lộ phí
Theo một kênh thông tin của Thể thao & Văn hoá, cứ mỗi mùa giải qua đi, ngân sách được rót xuống cho B.Bình Dương là 40 tỷ đồng “nguyên kiện”. Khác với suy nghĩ trước đây của nhiều người, không phải Công ty mẹ Becamex IDC, mà ngân sách Nhà nước mới là chỗ dựa thực sự của đội bóng.
Là một tỉnh lớn, với la liệt các khu công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Dương luôn thuộc hàng đầu (ổn định từ 13-14,5%/năm), nên chi phí an sinh xã hội ở đây luôn rất dư dả. Và nhờ thế bóng đá địa phương này nói riêng nghiễm nhiên được hưởng lợi.
Công Vinh (phải) là ngôi sao mới nhất về với B.Bình Dương. Ảnh: Quang Nhựt
Thực tế là Becamex IDC (cũng là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc tỉnh) là nhà đầu tư đầu tiên được khuyến khích tài trợ cho bóng đá Bình Dương khi cơ chế chuyên nghiệp ra đời. Song, chỉ cần mất vài năm để ổn định tài chính, trách nhiệm với đội bóng bắt đầu được địa phương chia sẻ.
Nói Becamex IDC vừa có tiếng lại vừa có miếng không sai, khi cho đến thời điểm này, họ gần như không phải bỏ tiền nuôi bóng đá nữa, nhưng vẫn được hưởng lợi nhiều từ bóng đá. Rất nhiều các bản hợp đồng tài trợ được mời chào bằng cơ chế thông thoáng.
“Nếu 40 tỷ đồng vẫn còn thiếu, thì lãnh đạo chỉ cần hô một tiếng, sẽ có thêm rất nhiều nguồn tiền khác. Becamex IDC vẫn đứng chính danh, nhưng không cần phải chi thêm đồng nào cả. Tiền nhiều thế, hỏi ai có thể “đấu” lại B.Bình Dương”, một ý kiến cho hay.
Nghèo cũng là cái tội
Vấn đề của Đồng Tháp (hay An Giang, Kiên Giang - những người láng giềng đã phải bỏ cuộc chơi vì không chịu nổi gánh nặng kinh phí), như chia sẻ của lãnh đạo địa phương, chỉ có chừng 4 doanh nghiệp cỡ lớn, nhưng 3 trong số đó hiện đang gặp khó khăn ở mức độ khác nhau.
Tất nhiên, các cụm - khu công nghiệp là thứ xa xỉ, khi Đồng Tháp là tỉnh thuần nông, tức kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. “Đến giàu như Kiên Giang và An Giang còn phải buông bóng đá, huống hồ gì một tỉnh nghèo như Đồng Tháp”, vị lãnh đạo này nói.
Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam lâu nay vẫn là cỗ máy ngốn tiền chứ chưa thể trực tiếp sản sinh ra tiền. Muốn chơi bóng đá, chỉ cần có tiền, nhưng nếu muốn làm bóng đá một cách tử tế ở thời buổi kim tiền này, thì ngoài rất nhiều tiền ra, cần phải có cả một chiến lược phát triển.
Với những địa phương nghèo, việc phải cõng cả đội bóng trên lưng là quá sức, nếu không (hoặc ít) nhận được sự chia sẻ của chủ đầu tư lớn (trong hoặc ngoài tỉnh) hay của các ông bầu. Không bất ngờ khi Đồng Tháp đang nối gót Kiên Giang và An Giang từ bỏ cuộc chơi bóng đá chuyên nghiệp.
Đón đọc kỳ 2: Tự bao giờ, ông bầu mỏi gối chùn chân?
* Đầu tư trong nước của Bình Dương thu hút được 14.387 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 1.610 lượt doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn 5.904 tỷ đồng và 364 lượt doanh nghiệp tăng vốn với số vốn 8.483 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến ngày 15/11/2013 được 1 tỷ 320 triệu USD, gồm: 125 dự án cấp mới với số vốn 818 triệu USD và 124 lượt dự án tăng vốn với số vốn 501 triệu USD (Nguồn: binhduong.gov.vn) * Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh Đồng Tháp đạt 8,6%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng 4,18%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,81%, thương mại - dịch vụ tăng 12,92%... Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 2,53%. Thu nhập bình quân đầu người chưa đến 30 triệu đồng/năm, tức chưa bằng một nửa so với Bình Dương. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như không đáng kể. Bóng đá chuyên nghiệp khó tách rời Nhà nước. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa