Bóng đá TP.HCM: 'Bụt chùa nhà không thiêng'
(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM từng được xem là cái nôi của bóng đá cả nước, nhưng ở kỷ nguyên V-League, họ lại không theo kịp thời đại, dù ở đó vẫn còn đủ các anh tài.
Khi lòng người tản mát
Lê Huỳnh Đức có thể được xem là thương hiệu lớn nhất của bóng đá TP.HCM, kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước đổ lại, với tư cách của cầu thủ cũng như sự nghiệp huấn luyện. Thực tế, với bóng đá Việt Nam kể từ sau hội nhập trở lại (SEA Games 1991 – PV), cũng chỉ Huỳnh Đức khẳng định được tên tuổi, cũng như vai trò đầu tàu, trên bình diện ĐTQG.
Các trường hợp như Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Hoàng Bửu, Nguyễn Phúc Nguyên Chương hay Trần Minh Chiến, lúc mờ lúc tỏ, hoặc sự nghiệp thi đấu quốc tế khá đoản mệnh.
Nhưng, ngay cả Huỳnh Đức cũng chỉ được biết đến nhiều hơn trên cabin BHL, khi đầu quân cho SHB Đà Nẵng, trở thành HLV trẻ nhất trong lịch sử từng vô địch V-League (ở tuổi 37, năm 2009, hoàn thành cú đúp danh hiệu năm 2012). Trước đó, phần vì bất mãn với thời cuộc, tiện thể cũng đi theo tiếng gọi của danh vọng, Đức ở chương cuối sự nghiệp được trải thảm về Chi Lăng. Một đôi lần người ta đã có ý mời Huỳnh Đức trở lại Sài Gòn, nhưng Đức lắc đầu, bởi đó không là những lời mời cho mối bận tâm lớn nhất cuộc đời: Bóng đá.
“Tôi đã có thể có những cơ hội tốt hơn cho công việc và cả cuộc sống, nếu quay về Sài Gòn. Nhưng, tôi còn nặng nợ với Đà thành lắm vả lại, việc thay đổi môi trường sống cũng như môi trường làm việc liên quan đến rất nhiều thứ”, Huỳnh Đức từng chia sẻ với Thể thao & Văn hoá như thế.
Bằng uy tín cũng như sự quảng giao, rõ ràng là Huỳnh Đức có rất nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thậm chí có thể trở nên giàu có hơn, thay vì phải trả góp căn nhà mặt tiền ở đường Phan Bội Châu (Đà Nẵng). Nhưng Đức đã hơn một lần lắc đầu.
Bóng đá TP.HCM sau thời vàng son với Hải Quan, Công an TP.HCM và Cảng Sài Gòn đã kịp để lại rất nhiều tên tuổi phục vụ công tác huấn luyện, nhiều hơn bất cứ địa phương nào khác. Riêng lò PVF hiện cũng đang sở hữu trên dưới 10 HLV làm đào tạo trẻ. Song, dường như họ vẫn đang chờ đợi minh chủ cho ngày đoàn viên.
Bụt chùa nhà không thiêng
Không lâu sau khi Huỳnh Đức ra Đà Nẵng, Đặng Trần Chỉnh cũng rời Sài Gòn để ngược lên đất Thủ Bình Dương. Lư Đình Tuấn tiếp quản TMN.CSG, nhưng cũng không trụ được lâu, cho đến khi đội bóng với phiên hiệu mới là CLB TP.HCM rớt hạng. Tuấn “nhím” lần lượt trải qua rất nhiều đội bóng khác nhau, như XSKT Cần Thơ, XMXT Sài Gòn, Đắc Lắk và bây giờ là CLB TP.HCM…, nhưng ngày đại hỷ vẫn ở thì tương lai. Bản thân “cò” Đại (Trần Tiến Đại) từng nung nấu đưa bóng đá Sài Gòn trở lại, rồi cũng thân bại danh liệt…
Trong nỗ lực vực dậy bóng đá TP.HCM, lời hiệu triệu nhân tài về giúp CLB TP.HCM đã được phát đi, nhưng mức độ hưởng ứng là rất hạn chế. Cựu danh thủ Trần Minh Chiến ngay cả khi không còn giữ được công việc ở PVF cũng lắc đầu từ chối và hiện đang trên đường về B.Bình Dương làm trẻ. Những Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Hồng Phẩm, Huỳnh Hồng Sơn, Hà Vương Ngầu Nại, Hồ Văn Tam,… đang hài lòng, hoặc buộc phải hài lòng với công việc của một HLV các lớp bóng đá cộng đồng. Người đông, việc khó, cái khôn phải chịu bó.
Trên cabin BHL, như đã nhắc, bóng đá Sài Gòn không hề thiếu các dũng tướng, nhưng họ vẫn chờ đợi một minh chủ thực sự. Một mình ông Trần Anh Tú (Chủ tịch Công ty Thái Sơn Nam và LĐBĐ TP.HCM, HFF) không thể kham hết, khi bản thân ông Tú còn phải lo cho futsal Việt Nam. Thời thế đã đổi khác, song người Sài Gòn lại không sẵn sàng đón nhận nguồn ngoại lực. Dễ hiểu, sau bao cuộc bể dâu, họ như con chim sợ cành cong vậy, sợ mình sẽ bị tổn thương một lần nữa.
4. Ở V-League, đã có ít nhất 3 cái tên chuyển khẩu về TP.HCM, bao gồm Sài Gòn Hải An United, Navibank Sài Gòn và XMXT Sài Gòn. Nhưng cho đến thời điểm này, đồng loạt đều đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá. Nếu CLB Hà Nội chuyển vào TP.HCM tới đây, con số này sẽ được nâng lên thành 4. 3. 10 năm trước, TP.HCM vẫn còn ít nhất 3 CLB tham dự giải hạng Nhất là Ngân hàng Đông Á, Đá Mỹ Nghệ Sài Gòn và Thành Long (với tên gọi khác là TP.HCM). Ngân hàng Đông Á được bán cho Sơn Đồng Tâm Long An, sau scandal mua trọng tài và dàn xếp tỷ số năm 2005, còn ĐMN Sài Gòn và TP.HCM cũng đã giải thể. 1. CLB TP.HCM là đội bóng duy nhất của Sài Gòn còn tham dự một giải đấu thuộc hệ thống các giải chuyên nghiệp Việt Nam (hạng Nhất 2016). TP.HCM còn có thêm Mancons Sài Gòn đang chơi giải hạng Nhì, PVF đá giải hạng Ba. Có khoảng 6 đội bóng đá giải hạng A toàn thành, chân đế của bóng đá TP.HCM khá mỏng so với tầm vóc. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa