Bóng đá chính trị của ông Macron
(Thethaovanhoa.vn) - Đây là thời điểm nhiều thách thức cho Tổng thống Emmanuel Macron, vì quan hệ được cải thiện giữa Triều Tiên và đồng minh thân cận nhất của Pháp là Mỹ, vì việc ông đã chọc giận người Italy xung quanh vấn đề nhập cư. Thật may cho ông, Pháp đã thắng trận mở màn World Cup 2018 và Kylian Mbappe đã ra sân.
Với Pháp, World Cup không chỉ có bóng đá
Mọi Tổng thống và Thủ tướng các nước đều luôn muốn đội tuyển của họ vô địch World Cup nhưng với Macron, chiến thắng được xây dựng từ nguồn cảm hứng Mbappe sẽ rất đặc biệt vào lúc này. Chẳng gì thì Paris cũng là trung tâm chính trị của châu Âu. Những cơ hội chụp ảnh, những buổi nói chuyện không ngớt về bóng đá để cho tất cả thấy rằng, một nước Pháp đang thay đổi, năng động và tươi trẻ.
Đối với Macron, Mbappe là biểu tượng của đội tuyển Pháp, thay vì là Paul Pogba hay Antoine Griezmann. Cầu thủ 19 tuổi này là hiện thân của những giá trị mà ông đang khuyến khích giới trẻ của Paris, Marseille và Toulouse noi theo. Ở đây, tài năng là một chuyện, nhưng Mbappe có cả sự chăm chỉ và quyết tâm. Không phải vô cớ mà hồi tháng 2 vừa qua, tiền đạo đang khoác áo Paris St Germain được mời tới Điện Elysee để thảo luận với Macron và George Weah, một cựu cầu thủ nổi tiếng giờ trở thành tổng thống Liberia về việc làm sao phát triển bóng đá tại châu Phi.
Nên nói thêm về Mbappe. Anh được thừa hưởng sự chăm chỉ từ người cha Cameroon và người mẹ Algeria của mình. Họ đều yêu thích thể thao và họ đã dạy cho cậu con trai của mình tầm quan trọng của việc nên đặt quyền lợi của đội bóng lên trên quyền lợi cá nhân.
“Đội tuyển Pháp chỉ chơi hay khi đội đoàn kết,” Macron đã nói như vậy với Mbappe và các thành viên của Les Bleus khi ông ăn tối cùng họ trước lúc đội bóng lên đường sang Nga. “Nhưng nếu cái tôi xuất hiện, sẽ có những rạn nứt và họ sẽ không thể chơi tốt.”
Đó là những gì Macron không muốn xảy ra vào lúc này bởi trong suy nghĩ của ông, thất bại của đội tuyển Pháp và nước Pháp ở World Cup 2010 xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ, từ các phe cánh mà nguyên nhân chính là mâu thuẫn tôn giáo và chủng tộc.
Sự thù hằn đó xuất hiện dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy khi đấy, trong một xã hội lộn xộn và náo loạn. Dù gì thì ông Sarkozy cũng không phải là người yêu thích bóng đá, trong khi Macron đam mê thể thao như Tổng thống Jacques Chirac trong 12 năm cầm quyền của ông.
3 năm trong nhiệm kỳ của Chirac, đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và họ đã được mô tả như là “đội tuyển cầu vồng” hay “đội tuyển đen-trắng-lai”. Thực tế thì chỉ có Zinedine Zidane, cầu thủ xuất sắc nhất đội, là beur, nghĩa là “lai”, một từ tiếng Pháp quen thuộc để chỉ người Pháp gốc Bắc Phi.
Nói đến “đội tuyển cầu vồng” của 20 năm trước để nhấn mạnh rằng, trong 20 năm sau, sự thù hằn, thất bại và chia rẽ đã đe dọa bóng đá Pháp. Gần đây nhất là năm 2011, khi HLV lúc đó của Les Bleus, Laurent Blanc, có tiết lộ về việc đội tuyển đã có quy định giới hạn cầu thủ da màu và cầu thủ gốc Bắc Phi như thế nào.
Đó là lí do giải thích tại sao Macron muốn chứng kiến thắng lợi của đội tuyển Pháp tại World Cup 2018. Bởi những gì ông nói đến về “đoàn kết”, “lao động chăm chỉ”, “tự tin”, không phải là thông điệp về cuộc tranh cử Tổng thống của ông trước đây mà là về đội tuyển Pháp của hiện tại. Và nếu Les Bleus chiến thắng, họ sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho nước Pháp như 20 năm trước, để khẳng định với tất cả rằng “Nước Pháp đang trở lại”.
Thách thức cho Deschamps
Là đội trưởng của “đội tuyển cầu vồng” tại World Cup 1998, hơn ai hết, Didier Deschamps hiểu rõ thắng lợi ở World Cup có một tác động lớn như thế nào đến xã hội Pháp. Thậm chí, có thể khẳng định đội tuyển Pháp là hình ảnh thu nhỏ của nước Pháp. Các chính trị gia và các bình luận viên sẽ “soi” từng cầu thủ, động thái và phong độ của họ để giải mã những gì đang diễn ra trong xã hội Pháp.
Thách thức cho Deschamps do vậy là rất lớn và 3 điểm đầu tiên giành được trước Australia sẽ chưa thể giúp ông rũ bỏ được gánh nặng này. Thực ra thì Pháp đã thắng còn ông thì thua, thua vì những quyết định sai lầm trong chiến thuật, trong sắp xếp đội hình. Thật may là Les Bleus đã may mắn vượt qua, có điều, để chiến thắng cả giải đấu, họ không được phép lặp lại nguy cơ đó. Peru sẽ là đối thủ tiếp theo và Deschamps chắc chắn hiểu rằng, hoặc họ sẽ đưa “nước Pháp trở lại” như Macron chờ đợi, hoặc họ sẽ là đội bóng “không xứng đáng” đại diện cho nước Pháp như ứng cử viên tranh cử Jean-Marie Le Pen từng nói về thất bại của đội tuyển Pháp tại World Cup 2002.
22h00 ngày 21/6, sân Ekaterinburg, Pháp – Peru Pháp và Peru mới chỉ gặp nhau trong một trận đấu giao hữu hồi tháng 4/1982. Đại diện của Nam Mỹ đã thắng 1-0 tại Parc des Princes. Lần cuối cùng Pháp thua một đội bóng từ khu vực này ở World Cup là trước Argentina năm 1978. Tính ra, họ bất bại trong 7 trận gần đây trước những đối thủ của Nam Mỹ (thắng 3, hòa 4), dù 3 trong 4 trận gần nhất có tỉ số 0-0. Ngoài ra, Les Bleus cũng giữ sạch lưới trong 6 trận gần đây trước các đội bóng của Nam Mỹ tại World Cup. Ngược lại, Peru không thắng trong 5 trận gần đây trước các đội bóng châu Âu ở World Cup (hòa 2, thua 3). Lần cuối cùng họ thắng là trước Scotland năm 1978. Đội hình dự kiến Pháp (4-3-3): Lloris – Pavard, Umtiti, Varane, Hernandez - Kante, Pogba, Tolisso - Dembele, Mbappe, Griezmann. Peru (4-2-3-1): Gallese - Trauco, Rodriguez, Ramos, Advincula - Yotun, Tapia -Cueva, Flores, Carrillo - Farfan. Dự đoán: Pháp thắng 2-0 |
Mạnh Hào