Bóng đá châu Âu hướng tới mùa 2020-21: Anh, Pháp, Đức đảo loạn vì Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi những trận đấu ở Champions League và Europa League mùa 2019-20 đang đi đến hồi kết, các giải VĐQG châu Âu đã và sắp khai mạc mùa giải mới. Tình hình ở Premier League, La Liga, Bundesliga không đem đến những tín hiệu khả quan.
Theo kế hoạch, Ligue 1 là giải đấu khai màn đầu tiên trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu bắt đầu mùa 2020-21. Không quá bất ngờ, bởi hạng đấu cao nhất nước Pháp là giải đấu duy nhất phải dừng lại vì đại dịch Covid-19.
Ligue 1 lao đao vì Covid-19
Những tưởng điều này đem đến lợi thế cho Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Pháp (LFP), khi họ có đủ thời gian để sắp xếp lịch thi đấu, thay vì rơi vào một cuộc chạy đua thời gian như bốn giải còn lại. Thực tế không hoàn toàn như vậy, khi vòng đấu mở màn Ligue 1 đang trong cơn hỗn loạn. Ban tổ chức đã buộc phải đẩy hai trận đấu Lyon-Montpellier và PSG-Metz xuống đá vào 16/9 tới do Lyon và PSG phải hoàn tất các trận đấu ở đấu trường Champions League (Lyon dừng bước ở bán kết, trong khi PSG tiếp tục chơi trận chung kết).
Đó vẫn chưa phải những gì LFP lo lắng. Trận mở màn mùa giải giữa Marseille và Saint-Etienne trên sân Velodrome cũng buộc phải hoãn lại do phía Marseille phát hiện thêm ba trường hợp dương tính với Covid-19 nữa, nâng tổng số người mắc ở đội bóng này lên con số 4. Hiện phía Marseille chưa công bố danh tính của những cầu thủ mắc virus corona, nhưng một số nguồn tin tiết lộ một trong số ấy là hậu vệ Jordan Amavi. Chưa hết, CLB Nimes còn hủy trận giao hữu với Dijon như một biện pháp phòng dịch sau khi phát hiện một ca nghi nhiễm Covid-19. Đội chủ sân Costieres này sẽ bắt đầu mùa giải bằng trận gặp Brest vào Chủ nhật tới.
Hãng tin AFP tiết lộ đã có 40 cầu thủ ở 11 CLB tại Ligue 1 phát hiện dương tính với Covid-19 trong những cuộc xét nghiệm gần nhất. Theo bản quy tắc chống dịch Covid-19 của hạng đấu cao nhất nước Pháp, đội đặc nhiệm chống virus corona quốc gia có thể yêu cầu hoãn bất kỳ một trận đấu nào nếu phát hiện một CLB có từ ba cầu thủ trở lên có xét nghiệm dương tính với Covid-19. Những thông tin vừa nêu quả thật là một tín hiệu chẳng mấy tốt lành cho sự trở lại của Ligue 1, cũng như đem đến nhiều dấu hỏi về khả năng mùa 2020-21 của hạng đấu cao nhất nước Pháp có thể vận hành suôn sẻ ngay từ cuối tuần này.
Bundesliga, Premier League đối mặt lịch đấu điên rồ
Không phải đối mặt với những nỗi lo về Covid-19 ngay trước ngày khởi tranh, Premier League và Bundesliga lại có những mối lo khác trong hoàn cảnh hai giải đấu sẽ mở màn lần lượt vào ngày 12/9 và 19/9.
Mọi sự chú ý tất nhiên đổ dồn vào Premier League, giải đấu vừa công bố lịch thi đấu chính thức mùa 2020-21 chiều hôm qua (theo giờ Việt Nam). Những gì chờ đợi các đôi chân triệu bảng ở hạng đấu cao nhất nước Anh là một lịch thi đấu điên rồ không ngừng nghỉ từ tháng Chín năm nay đến tận ngày 23/5 năm sau, thời điểm vòng đấu cuối cùng diễn ra.
Nếu bạn là thành viên của 7 đội dự Cúp châu Âu mùa tới gồm Liverpool, Man City, MU, Chelsea, Leicester, Tottenham, Arsenal, cần chuẩn bị tinh thần sẽ chẳng hề có bất cứ một giữa tuần nào để nghỉ ngơi từ cuối tháng Chín cho đến tận ngày 22/12, thời điểm dự kiến diễn ra vòng tứ kết Cúp Liên đoàn. Các trận đấu ở Champions League và Europa League mùa tới sẽ diễn ra liên tục vào các giữa tuần từ tháng 10 đến đầu tháng 12. Thế còn những đội bóng không dự sân chơi châu lục thì sao? Chẳng nhàn tản hơn gì, vì họ sẽ không có một giữa tuần nghỉ ngơi nào trong tháng đầu tiên của mùa giải, khi 4 vòng đầu tiên của Cúp Liên đoàn sẽ diễn ra trọn vẹn trong tháng Chín.
Riêng Tottenham, thầy trò Jose Mourinho sẽ trải qua cơn ác mộng đầu mùa, khi họ phải bắt đầu hành trình Europa League từ vòng sơ loại thứ hai. Việc rút ngắn thể thức sơ loại xuống còn một lượt duy nhất chẳng làm lịch đấu của Gà trống bớt căng thẳng. Điều họ hy vọng là không phải đối mặt với những chuyến bay dài đến gặp gỡ các đối thủ từ Đông Âu như Armenia, Ukraine hay Azerbaijan trong ba vòng sơ loại trước khi đi tới vòng bảng.
Hệ quả của việc Premier League 2020-21 khởi tranh muộn một tháng so với thông lệ là rất rõ ràng. Ý định kỳ nghỉ đông sau khi thực hiện mùa trước sẽ phải tạm gác lại mùa này. Các trận đấu cúp buộc phải thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ việc loại bỏ hai lượt trận bán kết Cúp Liên đoàn cho đến việc Cúp FA sẽ không có bất cứ trận đá lại nào trong toàn bộ các lượt đấu.
Bundesliga có lẽ là giải đấu đủ khả năng chống chọi với tác động từ đại dịch Covid-19 hơn cả. Hạng đấu cao nhất nước Đức kịp hoàn thành mùa trước ngay trước khi tháng Bảy bắt đầu, một trong những lý giải vì sao Bayern Munich và Leipzig có thể tiến sâu ở đấu trường Champions League. Trong khi những giải đấu lớn khác tỏ ra khá dè dặt với ý định mở cửa cho khán giả vào sân, Bundesliga đã tính đến chuyện đó ngay từ vòng đấu đầu tiên mùa tới. Thật không may, ý tưởng ấy đang vướng phải trắc trở từ sự không đồng tình của các nhà chức trách ở nhiều thành phố khác nhau. Cụ thể, ông Jens Spahn, Bộ trưởng y tế Đức, đã viết trên trang Twitter mang thông điệp gửi đến ban tổ chức Bundesliga về việc hạng đấu cao nhất nước Đức sẽ không thể được trao một ngoại lệ trong lệnh cấm tụ tập hơn 500 người trên phạm vi toàn quốc, kéo dài đến hết ngày 31/10: “Chúng tôi không thể đánh cược với những rủi ro không cần thiết. Ý tưởng của Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Đức (DFL) trên lý thuyết không hề tồi, nhưng chúng ta phải tính đến tình hình thực tế của đại dịch”.
Những người muốn thuyết phục chính phủ Đức tháo bỏ những trận đấu không khán giả ở mùa tới có thể viện dẫn việc giải nhà nghề Mỹ (MLS) đồng ý để trận đấu giữa FC Dallas và Nashville SC mở cửa cho khán giả, dù phía đội chủ nhà FC Dallas chỉ bán 5.110 vé, tương đương 25% sức chứa sân và thực tế cũng ghi nhận chỉ 2.912 cổ động viên có mặt.
Trước khi nghĩ đến chuyện mở cửa cho khán giả vào sân, cả Premier League lẫn Bundesliga cần phải đảm bảo việc phòng chống dịch, tránh rơi vào sự hỗn loạn như Ligue 1 đang trải qua ngay trước thềm vòng mở màn. Phải thắng thắn thừa nhận mùa giải 2020-21 sẽ không hề êm ả ở cả 5 giải VĐQG châu Âu.
Linh Sam