Bóng bầu dục chân trần ở Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam chưa có đội tuyển bóng bầu dục (rugby) nào được đăng kí quốc tế nhưng chúng ta có thể tự hào khi có một cầu thủ gốc Việt từng khoác áo đội tuyển Pháp. Và thực tế thì bóng bầu dục cũng không phải là môn thể thao quá xa lạ với người hâm mộ Việt Nam trong những năm gần đây.
Cầu thủ gốc Việt được nói ở đây là Francois Trinh-Duc, người từng được HLV của đội tuyển bóng bầu dục Pháp, Guy Noves, gọi vào danh sách 30 cầu thủ chuẩn bị cho giải Six Nations thường niên (một giải đấu uy tín có sự tham dự của Anh, Pháp, Ireland, Italia, Scotland và Wales) vào tháng 2/2016.
BBC nói về bóng bầu dục Việt Nam
Tuy nhiên, nhân sự kiện Trinh-Duc vừa về Việt Nam giao lưu với cộng đồng người yêu bóng bầu dục tại đây, chợt nhận ra rằng, bóng bầu dục đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu. Tháng 9/2015, trên bbc.com thậm chí đã có bài giới thiệu về bóng bầu dục Việt Nam, trong đó tác giả Nguyễn Giang có đoạn viết: “Ngày nay, không chỉ các nước nói tiếng Anh và nhiều nước châu Âu như Pháp, Ý có truyền thống chơi rugby mà ở châu Á môn này cũng ngày càng phổ biến. Ở vùng Đông Nam Á thì Trung Quốc, Hong Kong (TQ), Đài Loan (TQ), Malaysia, và cả Lào, Campuchia đều có đội rugby là thành viên của liên đoàn châu Á, theo trang asiarugby.com.
Riêng Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có một đội tuyển nào được đăng ký quốc tế. Trang web Rugby League Vietnam trên Facebook tự giới thiệu là của các bạn yêu môn bóng bầu dục ở Việt Nam và Australia lập ra nhằm vận động, cổ vũ cho mục tiêu Việt Nam có đội rugby.
Thực ra, báo chí quốc tế ghi nhận thời Pháp thuộc, môn rugby đã có mặt tại Đông Dương nhưng sau này thì cùng người Pháp 'ra đi'. Dấu tích Việt ít nhiều còn có trong trường hợp cầu thủ rugby Francois Trinh-Duc (sinh năm 1986) chơi cho Montpellier Herault RC, đội thuộc hạng đầu bảng tại Pháp. Báo chí Việt Nam nói hiện có đội rugby nghiệp dư ở khu đô thị Ciputra, Hà Nội và câu lạc bộ rugby Đại học RMIT, TP Hồ Chí Minh.
Để phát triển môn bóng đầy tính đồng đội này, người Việt Nam có lẽ cần thay đổi quan niệm rằng rugby là môn chơi của giới có tiền hoặc người nước ngoài như đánh golf.
Trên thực tế, bóng bầu dục như thời kỳ ban đầu của nó, là môn chơi bình dân, cứ ở đâu có bãi bỏ, sân bóng đá, thậm chí cánh đồng hoang, là chơi được… Nếu như sân rugby ở Twickenham có mái che, quanh năm phủ cỏ xanh mướt, sang không kém các sân bóng đá Arsenal, MU thì ở nhiều vùng quê, trường học tại Anh, người ta vẫn chơi trên các cánh đồng đầy bùn đất sau trời mưa.
Biết đâu một ngày những người nông dân Việt Nam quen 'chân lấm tay bùn' và có sức chịu trận như các chú trâu bướng bỉnh lại tạo được thành tích khu vực trong môn thể thao thú vị này”.
Chân trần chơi bóng
Đúng như BBC bình luận thì huyện Kim Bôi, Hòa Bình, một nhóm bạn trẻ đã đi chân trần và chơi bóng bầu dục trên mặt sân bùn đất, lầy lội. Có lẽ ngoài họ, rất ít người Việt Nam hiểu và chơi môn thể thao này.
Được biết, những bạn trẻ này thuộc chương trình bóng bầu dục duy nhất của Việt Nam dành cho người dân địa phương, đúng hơn là dành cho trẻ em ở một xã rất xa, nơi chúng phải di chuyển bằng thuyền đến các buổi tập thường được tổ chức trên ruộng với sự chứng kiến của không ít người tò mò.
Chúng chẳng biết bất cứ điều gì về bóng bầu dục cho đến khi tham gia chương trình này. Ngạc nhiên là những gì tất cả cảm nhận về một quả bóng hình quả trứng, thay vì tròn như quả bóng đá hay bóng chuyền. Còn bây giờ, chúng đều theo dõi sát sao giải World Cup bóng bầu dục đang diễn ra ở Nhật Bản, khai mạc hôm 20/9 vừa qua và sẽ khép lại vào ngày 2/11 tới.
"Cháu chưa xem bóng bầu dục quốc tế ... nhưng nếu có thể, cháu chắc chắn sẽ xem World Cup bóng bầu dục", Bảo Châm, cô bé 14 tuổi của đội Silver Fox ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình nói. Nên nói thêm là World Cup bóng bầu dục 2019 là giải đấu thế giới đầu tiên được tổ chức tại châu Á mà không phải là những quốc gia có truyền thống về bóng bầu dục.
Với World Cup bóng bầu dục 2019, các nhà tổ chức đang hy vọng sẽ thúc đẩy, quảng bá môn bóng bầu dục ở những nơi như Kim Bôi nói riêng, Việt Nam và châu Á nói chung, nơi hầu hết trẻ em coi Lionel Messi, Cristiano Ronaldo là anh hùng nhưng chưa bao giờ nghe về cầu thủ bóng bầu dục Dan Carter vĩ đại của New Zealand.
Và như đã nói ở trên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ở Đông Nam Á không có liên đoàn bóng bầu dục và các trận đấu bóng bầu dục quốc tế không được phát sóng thường xuyên trên truyền hình cáp. Điều đó có nghĩa là môn thể thao này vẫn không được biết đến nhiều, khiến những trận đấu bóng bầu dục ở Kim Bôi là cái gì đó kỳ quặc.
Mặc dù vậy thì từ năm 2015, chương trình ChildFund Pass It Back nhằm mục đích dạy trẻ kỹ năng sống, với các bài học về sức khỏe hoặc lập kế hoạch cho tương lai gắn liền với các buổi đào tạo bóng bầu dục.
Các cầu thủ từ 11 đến 16 tuổi thường xuyên gặp nhau vào cuối tuần để chơi bóng bầu dục. Tính đến nay đã có hơn 6.100 người chơi và huấn luyện viên tham gia chương trình, trong đó hơn một nửa trong số họ là nữ, ở Việt Nam, Lào, Đông Timor và Philippines. Một số người thậm chí đã được mời đến Nhật Bản hồi tháng 3 vừa qua để tập luyện bóng bầu dục và tham gia các buổi dạy kỹ năng sống.
Môn thể thao trung tính
Hiển nhiên thì bóng bầu dục không phải là sự lựa chọn yêu thích ở Đông Nam Á. Bóng đá, bóng chuyền và sepak takraw (cầu mây) đã được cân nhắc lựa chọn khi chương trình được thí điểm ở Lào, thế nhưng, bóng bầu dục được coi là môn thể thao trung tính nhất về giới tính.
"Các cô gái trẻ trong xã muốn thử môn thể thao mới mà họ chưa từng thấy trước đây bởi nó không được coi là môn thể thao của con trai", John Harris, nhân viên điều hành khu vực của chương trình, cho biết.
Mặc dù vậy, việc xóa bỏ sự phân biệt về giới không phải là điều dễ dàng ở các nước châu Á. Như huấn luyện viên Bùi Thị Lan được bố mẹ chồng khuyên rằng, cô nên từ bỏ bóng bầu dục sau khi kết hôn và sinh con. Nói chung, phụ nữ nên tránh chơi các môn thể thao theo kiểu va chạm, ầm ĩ.
Thế nhưng, Lan đã không làm thế. Cô đã trở lại công tác huấn luyện chỉ bốn tháng sau khi sinh con và hiện dạy 60 đứa trẻ bốn lần mỗi tuần. "Bóng bầu dục mang lại cho tôi thu nhập để tôi có thể tự chăm sóc bản thân, làm việc và học tập cùng một lúc", cô nói trong một khóa đào tạo gần đây mặc dù vẫn phải cho con ăn giữa các buổi tập.
Liệu bóng bầu dục tại Việt Nam sẽ phát triển tới đâu, những bạn trẻ ở Kim Bôi hi vọng môn thể thao này sẽ dần được tất cả biết đến, thay vì chỉ có tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. "Tôi thực sự mong muốn một ngày nào đó Việt Nam sẽ tham dự World Cup bóng bầu dục và tôi hy vọng sẽ trở thành một thành viên của đội bóng đó", HLV Bùi Văn Nhân, 17 tuổi, nói.
Mạnh Hào