Boeing và cuộc khủng hoảng mang tên 737 Max
(Thethaovanhoa.vn) - Hai thảm kịch hàng không xảy ra liên tiếp với dòng máy bay 737 MAX của tập đoàn Boeing của Mỹ đã khiến hãng chế tạo máy bay này đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đồng thời khiến hàng loạt các hãng hàng không trên thế giới ngừng sử dụng dòng máy bay này.
737 MAX - “con át chủ bài” của tập đoàn Boeing
Dòng máy bay 737 MAX của Boeing ra mắt thị trường từ tháng 5-2017 và được hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ có trụ sở ở thành phố Chicago này quảng cáo là máy bay "ngựa thồ" thế hệ mới với giá thành thấp, chi phí bảo dưỡng ít tốn kém.
Boeing 737 MAX có bốn phiên bản 7, 8 ,9, 10, khác nhau về số lượng hành khách, và được coi là dòng máy bay hiện đại của tập đoàn này để cạnh tranh với A320 NEO của đối thủ Airbus. Theo Giám đốc hãng Phân tích Thị trường quốc phòng và hàng không vũ trụ Michel Merluzeau, Boeing 737 MAX là chương trình phát triển quan trọng của tập đoàn Boeing trong 10 năm tới và hãng có kế hoạch đưa dòng máy bay này chiếm tới 64% sản lượng vào năm 2032.
Không thể phủ nhận tính năng vượt trội của Boeing 737 MAX, trong đó phải kể đến dòng 737 MAX 8 với giá niêm yết 121,6 triệu USD. Mẫu 737 MAX 8 có động cơ lớn hơn, được thiết kế nhằm tiết kiệm nhiên liệu hơn và đóng góp gần 30% lợi nhuận của Boeing trong năm ngoái. Thậm chí Boeing còn tự hào rằng các phi công không cần phải trải qua khóa huấn luyện với mô hình tập bay để lái các máy bay 737 MAX 8 mới. Điều đó đã giúp tập đoàn Boeing bán được hàng trăm chiếc 737 MAX 8 chỉ sau vài tháng ra mắt.
Với dòng máy bay 737 MAX, năm 2018, doanh thu của Boeing lên tới hơn 100 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2017. Boeing đang có 5.900 đơn hàng chưa thực hiện, tương đương khoảng 7 năm sản xuất, trị giá 412 tỷ USD, và hãng này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019. Một trong những mục tiêu của Giám đốc điều hành (CEO) Boeing Dennis Muilenburg là hợp nhất tốt hơn các đơn vị kinh doanh chính - gồm máy bay thương mại, quốc phòng, vũ trụ và dịch vụ - theo chiến lược mà ông đã gọi là "Một Boeing".
Tính đến cuối tháng 1-2019, có 4.661 chiếc 737 MAX đã được đặt mua, chiếm gần 80% lượng đặt hàng của Boeing. Hãng chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ này đã sản xuất 52 chiếc mỗi tháng và đặt mục tiêu tăng lên 57 chiếc/tháng trong năm nay, hướng tới với mục tiêu chuyển giao 895 đến 905 chiếc trong năm, một con số kỷ lục.
2 thảm kịch hàng không liên tiếp và những vấn đề đặt ra
Tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, hai thảm kịch hàng không liên tiếp đã xảy ra với dòng 737 MAX của Boeing. Ngày 29-10-2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air thực hiện lộ trình bay từ thủ đô Jakarta đến Pangkakpinang thuộc tỉnh Bangka Belitung đã lao xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 189 người đi trên máy bay thiệt mạng.
Chưa đầy 5 tháng sau, thảm kịch với dòng 737 MAX lặp lại khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines đã gặp nạn ngày 10/3/2019 khi đang trên hành trình từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến thủ đô Nairobi của Kenya. Máy bay đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole, khiến toàn bộ 157 người gồm 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Sau vụ tai nạn máy bay của Lion Air, các nhà điều tra cho rằng một bộ cảm biến bị lỗi và tính năng tự động để máy bay hướng mũi xuống đã khiến phi công mất kiểm soát không thể đưa máy bay lên. Boeing sau đó không đưa ra giải pháp cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở việc công bố bản hướng dẫn phi công xử lý nếu gặp tình huống tương tự. Hãng này cũng thừa nhận về một chương trình lái tự động mới có tên Hệ thống Tăng cường các tính năng điều khiển có thể vô hiệu hóa một tính năng mà các phi công sẽ sử dụng để điều khiển máy bay.
Còn sau vụ tai nạn máy bay của Ethiopian Airlines, Boeing đã có biện pháp trấn an khách hàng bằng kế hoạch thực hiện cập nhật phần mềm cho 737 MAX 8, mà theo hãng, được thiết kế để "giúp một chiếc máy bay vốn đã an toàn thậm chí còn an toàn hơn", với những thay đổi về "quy luật điều khiển chuyến bay, màn hình điều khiển, cẩm nang hướng dẫn vận hành và đào tạo phi hành đoàn". Tập đoàn này cũng cam kết cử một đội ngũ kỹ thuật đến Ethiopia để hỗ trợ điều tra. Tuy nhiên, phản ứng của Boeing được xem là chậm trễ và không thuyết phục sau liên tiếp hai vụ tai nạn liên quan đến Boeing 737 MAX với sự trùng hợp đến kinh ngạc.
Cho đến thời điểm này, lỗi kỹ thuật và sự cố một hệ thống cảm biến được cho là nguyên nhân khiến máy bay không thể hoàn thành hành trình. Một số chuyên gia chỉ ra những điểm giống nhau của hai vụ rơi máy bay này, là phi hành đoàn gặp vấn đề ngay sau khi cất cánh, và các báo cáo về sự rung lắc lớn trong quá trình tăng tốc để đạt độ cao cần thiết.
Ngày 14-3, Hãng hàng không Ethiopian Airlines cho biết hai hộp đen của máy bay chở khách Boeing 737 MAX 8 rơi hôm 10/3 vừa qua đã được chuyển tới thủ đô Paris, Pháp để tiến hành phân tích.
Khủng hoảng nghiêm trọng
Hai thảm họa liên tiếp xảy ra với Boeing 737 MAX trong vòng chưa đầy 5 tháng không chỉ làm dấy lên nghi vấn về độ an toàn của dòng máy bay hiện đại nhất này, mà còn là đòn giáng mạnh vào uy tín hơn 100 năm của Tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ Boeing, đẩy “gã khổng lồ” trong ngành máy bay của nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Danh sách các nước trên toàn cầu cấm máy bay Boeing 737 MAX liên tục kéo dài sau tai nạn thảm khốc của Hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 rõ ràng cho thấy khách hàng của Boeing đang mất lòng tin nghiêm trọng. Hàng loạt thị trường tiềm năng của Boeing đã ban bố cấm máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trong không phận.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cấm khai thác dòng 737 MAX đối với các chuyến bay nội địa. Tiếp đó, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Australia, Argentina, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, tất cả nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Malaysia, Namibia, Oman, Singapore, Việt Nam… cùng hàng chục hãng hàng không trên thế giới quyết định ngừng khai thác máy bay 737 MAX. EU còn cấm máy 737 MAX bay qua không phận hay đỗ xuống các sân bay của khối.
Mới đây nhất, Mỹ đã chính thức gia nhập làn sóng các nước cấm dòng máy bay 737 MAX của Boeing hoạt động. Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX 8 và 9 tại Mỹ. Sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh đình chỉ hoạt động của toàn bộ dòng máy bay Boeing 737 MAX nằm dưới sự vận hành của các hãng hàng không Mỹ hoặc ra vào không phận nước này.
Đến nay, cơ quan quản lý hàng không và các hãng hàng không của hơn 50 nước trên thế giới đã tuyên bố ngừng khai thác hoặc đóng cửa không phận đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX. Hiện chưa có hãng hàng không nào chính thức hủy đơn đặt hàng Boeing 737 MAX, nhưng thông tin từ giới truyền thông cho thấy Lion Air sẽ thay thế MAX 8 bằng máy bay của Airbus.
Trước tình trạng này, ngày 14/3, Boeing thông báo quyết định ngừng giao máy bay Boeing 737 MAX cho đến khi tìm ra một giải pháp sau hai vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay này trong vòng chưa đầy 5 tháng qua.
Cũng kể từ sau vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia, giá cổ phiếu của hãng Boeing đã sụt giảm hơn 11%, khiến gần 27 tỷ USD giá trị thị trường của hãng bị "bốc hơi”. Công ty dịch vụ tài chính Edward Jones có trụ sở tại bang Missouri, Mỹ đã hạ xếp hạng cổ phiếu Boeing, và nhận định rằng vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 vừa qua liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 MAX có thể tác động mạnh đến lợi nhuận trong ngắn hạn đối với cổ phiếu của tập đoàn Boeing.
Giới phân tích cho rằng nếu hai vụ rơi máy bay trên là do cùng một nguyên nhân, thiệt hại kinh tế sẽ không đáng kể, bởi Boeing chỉ cần cập nhật phần mềm kiểm soát và hướng dẫn bay đang lưu hành, với chi phí theo ước tính chưa đến 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà điều tra phát hiện nguyên nhân khác, thiệt hại của Boeing sẽ lớn hơn nhiều, bởi 737 MAX có thể bị buộc dừng khai thác trong thời gian dài, sẽ liên quan đến việc sửa chữa và bồi thường, buộc các hãng hàng không phải thay thế máy bay khác.
Theo chuyên gia Ken Herbert thuộc hãng phân tích thị trường Canaccord, cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Boeing mà còn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hàng đầu của Mỹ, bởi tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như máy bay thương mại, quốc phòng, hàng không vũ trụ.
Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng lòng tin sau hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong vòng 5 tháng qua liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 MAX sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ngoài 150.000 nhân viên của Boeing bị ảnh hưởng, các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp cho việc sản xuất dòng máy bay này như General Electric (GE) hay Safran, cũng không tránh được tác động khi các đơn hàng bị hủy bỏ.
Thanh Lâm - TTXVN