Bobby Charlton đã trở về với tro tàn của lịch sử
Tên tuổi và sự nghiệp của Bobby Charlton hầu như chỉ gắn với MU và đội tuyển Anh, với thảm họa hàng không Munich năm 1958 và những danh hiệu Cúp C1 năm 1968 và World Cup 1966.
Khi tiếng còi chung cuộc vang lên, khi MU cuối cùng cũng là nhà vô địch Cúp C1, phản ứng ban đầu ở người đội trưởng của họ là không ăn mừng. Đôi tay của Bobby Charlton khuỵu xuống đầu gối vì kiệt sức thay vì giơ lên bầu trời Wembley trong niềm hân hoan. Ông là người quyết định trận đấu, ấn định chiến thắng 4-1 trước Benfica bằng bàn thắng đầu tiên và cuối cùng. Ít nhất thì đó cũng không phải là sự mệt mỏi sau 120 phút làm việc như một thập kỉ trước.
Bi kịch
Ông đã gục ngã trong phòng khách sạn sau đó và không thể ra cửa mất một lúc. Sau chiến thắng vĩ đại nhất của MU, đồng đội David Sadler nhớ lại Charlton và Sir Matt Busby trông có vẻ kiệt sức. Nỗ lực vượt qua bi thảm của Busby đã thành hiện thực, nhưng bữa tối đánh dấu chức vô địch Cúp C1 năm 1968 đã nhắc nhở về cái giá phải trả. Trong khi Charlton không thể xuống tầng dưới, Johnny Berry đã ở đó, và anh đã không thi đấu kể từ năm 1958. Kenny Morgans cũng vậy, người mà sự nghiệp vẫn chưa hồi phục sau những sự kiện 10 năm trước đó. Cha mẹ của Duncan Edwards đã ở đó và Charlton chắc hẳn đã nghĩ rằng lẽ ra Edwards phải cùng họ nâng cao chiếc cúp châu Âu. Charlton đã chơi với George Best và đối đầu với Pele, nhưng Edwards là cầu thủ xuất sắc nhất mà ông từng thấy.
Không có Edwards, Charlton được cho là cầu thủ bóng đá Anh vĩ đại nhất từ trước đến nay. Tuần trước, ông vừa qua đời ở tuổi 86 sau khi thoát chết ở tuổi 20. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với World Cup 1966, Cúp C1 năm 1968 và thảm họa hàng không Munich năm 1958. 23 người đã thiệt mạng, trong đó có 8 cầu thủ MU. Charlton thì không, và theo cách một người đàn ông bình thường kể trong cuốn tự truyện của mình, và ông có cảm giác tội lỗi của người sống sót hoặc câu hỏi của người sống sót: Tại sao lại là tôi?
Bởi vậy, Charlton đã gánh trên vai sức nặng của lịch sử. Ông là người cuối cùng của MU trên máy bay vẫn còn sống, nửa thế kỉ trước, ông là người cuối cùng còn ở trong đội. Ông đã đạt được những gì họ có thể và lẽ ra phải làm. Edwards chắc chắn đã là nhà vô địch World Cup năm 1966, có lẽ người bạn tuyệt vời của Charlton là Eddie Colman cũng vậy. Những chàng trai MU ngày đó có biệt danh Busby Babes có cơ hội để vô địch châu Âu, thậm chí có thể đánh bại Real Madrid của Alfredo di Stefano. Charlton đã ghi 2 bàn thắng cuối cùng của MU trẻ trung, tiềm năng khi đó, trong trận hòa 3-3 trước Sao Đỏ Belgrade, trước khi lộ trình trở về Anh của họ phải qua Đức.
Charlton đã viết nhiều thập kỉ sau đó: "Tại Munich năm 1958, tôi đã học được rằng ngay cả phép màu cũng phải trả giá. Phép màu của tôi, cho đến ngày tôi chết, là bi kịch đã cướp đi rất nhiều người bạn thân yêu nhất, những người là đồng đội của tôi". Vì thế, khi MU trở thành nhà vô địch châu Âu đầu tiên của nước Anh, suy nghĩ của Charlton lại hướng về "sân bay đầy tuyết và Matt Busby cùng đội bóng của ông ấy, những người bạn của chúng tôi, rơi và bị phá hủy".
Việc Charlton sống sót khiến ngay cả người cứu ông cũng ngạc nhiên. Một số cầu thủ lo lắng vì hai lần cất cánh không thành công, tìm kiếm nơi nào đó an toàn hơn nên đã đổi chỗ trên máy bay. Charlton và Dennis Viollet ngồi cạnh nhau thì không. Họ bị ném cách máy bay 50m. Harry Gregg, thủ môn và người hùng, tìm thấy họ nằm trong một vũng nước, ban đầu cho rằng cả hai đã chết và kéo xác họ vào chỗ ngồi. Trông họ giống như những con búp bê giẻ rách, sau này Gregg nói vậy. Charlton bất tỉnh trong khoảng 10 phút. Sau đó, anh nhìn thấy Colman, thậm chí không nhận ra người bạn quá cố của mình. Gregg bị sốc khi quay lại và thấy Charlton và Viollet vẫn còn sống.
Gượng dậy
Charlton thi đấu trở lại, 25 ngày sau Munich, tham dự World Cup đầu tiên trong 4 kì World Cup vào mùa Hè năm đó, mặc dù không ra sân, và ghi 29 bàn ở mùa giải tiếp theo.
Ông đã tiếp tục một cách xuất sắc, không chỉ đảm bảo một vị trí trong lịch sử mà còn rất nhiều vị trí khác trong lịch sử. Charlton đã trải qua nhiều thập kỉ với tư cách là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho cả MU và đội tuyển Anh, trước khi đánh mất cả hai kỉ lục vào tay Wayne Rooney và là người ra sân nhiều nhất cho CLB của mình, cho đến khi Ryan Giggs vượt qua. Phong cách chơi bóng của ông, những cú sút đại bác đã khiến ông trở thành chuyên gia của những pha ghi bàn ngoạn mục, đã giúp củng cố danh tiếng về thứ bóng đá tấn công của MU với Denis Law và Best, bộ ba giành Ballon d'Or sau đó được dựng tượng ở Old Trafford.
Giống như Busby, Charlton đã già trước tuổi. Ông có vẻ ngoài nghiêm túc tự nhiên, khuôn mặt chỉ sáng lên niềm vui khi ghi bàn và những gì xảy ra đã giải thích lí do. Bởi ngay cả việc vô địch World Cup vẫn khiến ông cảm thấy nhiệm vụ chưa hoàn hành. Bởi thế hệ vàng của MU đã bị phá vỡ và họ phải mất nhiều năm mới trở lại Cúp C1. Khi họ trở lại, thất bại ở trận bán kết năm 1966 trước Partizan Belgrade khiến Busby quẫn trí. "Chúng tôi giờ sẽ không bao giờ giành được Cúp C1 nữa", ông nói.
Nhưng 2 năm sau, họ lại vào bán kết. Chỉ còn lại 3 người sống sót ở Munich: Charlton, Busby và Bill Foulkes, người đã đeo băng đội trưởng trong trận đấu đầu tiên sau đấy và trở lại sân cỏ 13 ngày sau. Một thập kỉ trôi qua, trung vệ 36 tuổi đã ghi bàn gỡ hòa 3-3 ở Bernabeu để giúp MU lọt vào chung kết.
Ở đó là một kết thúc có hậu cho MU và lịch sử của họ. Charlton mở tỉ số trước Benfica bằng pha đánh đầu hiếm hoi. Một cầu thủ thuận chân trái tuyệt vời đã ghi bàn thắng thứ hai của ông bằng chân phải, một pha dứt điểm cận thành. Đối với Charlton và Busby, đó là sự kết thúc của một điều gì đó, một thành tựu dành riêng cho những người khác, những người không có mặt để chứng kiến kì tích. Họ có tiềm năng trở nên vĩ đại, nhưng hi vọng ấy bị tước đoạt giữa đám cháy của một vụ tai nạn máy bay.
Và, từ đống tro tàn của bi kịch, Charlton đã biến tài năng của mình thành hai chiếc cúp quan trọng nhất và có ý nghĩa hơn đối với ông.
Bobby Charlton, một sự nghiệp vĩ đại
1937: Sinh ra ở Ashington tại Northumberland. Cũng như anh trai Jack, mẹ của Bobby xuất thân từ gia đình Milburn nổi tiếng, anh họ của bà là Jackie Milburn là một cầu thủ vĩ đại của Newcastle trong những năm 1940 và 1950.
1950: Charlton kí hợp đồng với MU vào năm 1953, ra mắt đội 1 năm 1956.
Sau thảm họa Munich năm 1958, MU vẫn lọt vào chung kết FA Cup mùa giải đó. Một tháng trước chung kết, Charlton ra mắt đội tuyển Anh ở trận gặp Scotland và ghi bàn.
1966: Vô địch World Cup cùng đội tuyển Anh và giành Ballon d'Or.
1968: Vô địch Cúp C1 cùng MU, nghĩa là 10 năm sau thảm họa, lời hứa của thế hệ Busby Babes hoàn thành.
1970: Chơi trận cuối cho MU năm 1973, đạt mốc 758 trận và chỉ bị Ryan Giggs vượt qua năm 2008.
2000: Hòa giải mâu thuẫn với anh trai Jack và mẹ.
2020: Charlton được chẩn đoán mất trí nhớ vào năm 2020, trước khi qua đời vào ngày 21/10/2023. Như vậy, đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966 giờ chỉ còn Geoff Hurst còn sống.
***
Sir Bobby Charlton đã chơi 758 trận đấu và ghi 249 bàn trong 17 năm khoác áo MU. Cùng với "Quỷ đỏ", Sir Bobby đã giành 1 Cúp C1, 3 danh hiệu VĐQG, 1 chức vô địch Cúp FA.
Bobby có 106 trận đấu và ghi được 49 bàn thắng cho đội tuyển Anh. Sau khi giải nghệ, Sir Bobby Charlton đã tiếp tục phục vụ MU với vai trò là giám đốc trong 39 năm.
Sir Bobby là 1 trong 9 cầu thủ đã vô địch World Cup, Champions League và Quả bóng Vàng, cùng với Franz Beckenbauer, Gerd Muller, Paolo Rossi, Zinedine Zidane, Rivaldo, Ronaldinho, Kaka và Lionel Messi.
Mạnh Hào