Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống các bệnh trong những ngày nắng nóng
(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế) cho biết: Thời tiết nắng nóng gay gắt trong mấy ngày gần đây đã khiến số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng từ 10-15% so với bình thường.
- Thời tiết ngày 6/6: Nắng nóng hơn 40 độ tiếp tục trên diện rộng, miền Trung có thể có mưa rào
- Đồ họa: Nắng nóng kỷ lục ở Hà Nội trong 46 năm qua
- Người dân Hà Nội kháng cự với cái nắng kỷ lục bằng 'lá chắn di động'
Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng trên 3.000 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các trường hợp mắc các bệnh lý của sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp...
Còn tại Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, chỉ trong hai ngày nắng nhất tại Hà Nội, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám đã gia tăng; mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân; các trường hợp đến khám chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp, tai biến mạch máu não…
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nắng nóng còn kéo dài, nhiệt độ lên cao trong 2 ngày tới nên nguy cơ bị sốc nhiệt rất dễ xảy ra với những người phải đi ngoài đường.
Theo các bác sỹ, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp.
Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng) nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước. Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Sốc nhiệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu không uống đủ nước, người mắc bệnh mãn tính hoặc những người uống quá nhiều bia, rượu.
Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh. Đặc biệt, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn cũng là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra, môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như: sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…
Để chủ động phòng bệnh, người dân không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Mọi người nên ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Đồng thời, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Các gia đình nên thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
TTXVN