Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống cúm mùa
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B).
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp phòng, chống cúm mùa.
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng, chống cúm mùa
Bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Cúm ở trẻ em thường gây thêm triệu chứng đường tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy. Bệnh thường diễn biến nhẹ, hồi phục dần trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai hay người mắc một số bệnh mạn tính, bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, gây ra một số biến chứng như viêm tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí dẫn tới tử vong.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virut cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Cúm B là loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Kể từ sau đại dịch COVID-19, các nghiên cứu thấy rằng, cúm B gặp khoảng 40%, do cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè-thu và đông-xuân.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cúm
Có nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh cúm, tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vaccine cúm.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, hiện nay cúm mùa có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong, giảm thời gian nằm viện và chi phí y tế.
Người có bệnh mãn tính cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hằng năm để duy trì kháng thể bảo vệ cao nhất, đồng thời kiểm soát tốt bệnh mãn tính và nâng cao thể trạng.
- Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng, chống cúm mùa
- Khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng chống bệnh cúm mùa
- Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh cúm mùa
Vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. Một mũi vaccine cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi. Tất cả trẻ em và người lớn, nhất là người cao tuổi, người có bệnh mãn tính cần tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt và nhắc lại mỗi năm để duy trì miễn dịch và nồng độ kháng thể cao nhất.
Với gần 100 trung tâm trên toàn quốc được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, quy trình tiêm chủng khép kín, an toàn, vaccine chất lượng, giá thành hợp lý, Hệ thống tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam) đáp ứng tốt nhu cầu tiêm chủng cho mọi đối tượng, đặc biệt là người có bệnh lý mãn tính.
Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)