Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 13/10, tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Số 2 Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức triển khai “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018” với sự tham gia của 1.000 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, một số tổ chức quốc tế...
- Tay chân miệng lây lan mạnh, chưa có vắc xin phòng bệnh, khuyến cáo của Bộ Y tế
- Hà Nội chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng
- Những sai lầm dễ mắc phải khi trẻ bị bệnh tay chân miệng
Tại đây, Bộ Y tế đã đặc biệt kêu gọi người dân và các bà mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh thế giới và khu vực có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong đó kể đến là bệnh tay chân miệng bùng phát tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong năm 2017 và tiếp tục ghi nhận số mắc cao trong năm 2018. Bệnh sốt xuất huyết có số mắc cao hàng năm và gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số quốc gia khu vực châu Âu đã công bố loại trừ nhưng đã ghi nhận trở lại do không duy trì được tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, số mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,9%, sốt xuất huyết giảm 53,6% so với năm 2017 và giai đoạn 2013 - 2017, các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, sốt rét, bạch hầu, ho gà... cũng ghi nhận số mắc giảm và có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nhưng trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là thời gian cao điểm với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Cùng với đó, trẻ em, học sinh vừa tựu trường bước vào năm học mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong trường học, cơ sở giáo dục là rất lớn.
“Trên thực tế đã xảy ra các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số địa phương nơi có tập trung đông dân cư, gia tăng giao thương, đi lại, ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát và lan rộng trong thời gian tới, Bộ Y tế tổ chức “Chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch và triển khai tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết trên địa bàn toàn tỉnh để tạo hiệu ứng tích cực vận động mọi người dân cùng tham gia. Đây là một hoạt động rất quan trọng để đảm bảo công tác phòng chống dịch được thành công, đặc biệt thể hiện trách nhiệm trong việc vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ. Các ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội cần tham gia mạnh mẽ và có chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp cơ sở, huy động sự tham gia một cách mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như tạo được sự ủng hộ của người dân.
Bên cạnh đó, ngành Y tế chủ động việc theo dõi diễn biến tình hình bệnh dịch để tham mưu chính quyền và xây dựng các kế hoạch ứng phó kịp thời và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý dịch bệnh kịp thời; tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời để hạn chế thấp nhất tử vong; triển khai các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đảm bảo diện bao phủ rộng trên 95% quy mô cấp xã, phường.
Bộ Y tế đặc biệt kêu gọi người dân và các bà mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện rửa tay bằng xà phòng để tạo thành thói quen và nếp sống vệ sinh phòng chống dịch bệnh; thực hiện vệ sinh cá nhân và giữ ấm cơ thể; vệ sinh môi trường và xử lý khử trùng vật dụng sinh hoạt; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn uống đủ chất, cân đối để tăng sức đề kháng của cơ thể. Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, viêm não Nhật Bản… Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết triển khai thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần; đậy kín các dụng cụ chứa nước và lật úp, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; áp dụng các biện pháp diệt và phòng chống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đốt.
Tại Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018 có các hoạt động như: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; thực hành tiêm bổ sung vắc xin phòng sởi - rubellacho trẻ tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu; thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ ổ lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại tổ 1, phường Dịch Vọng; phun hóa chất diệt muỗi ở cụm dân cư tổ 11, nhà văn hóa, bãi đất trống, công trường xây dựng tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
TTXVN/Bích Thuỷ