Bộ trưởng Tài chính Mnuchin khẳng định TikTok phải trở thành một công ty Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định TikTok phải trở thành một công ty có trụ sở tại Mỹ và do các nhà đầu tư nước này nắm giữ, nếu không ứng dụng chia sẻ video này của Trung Quốc sẽ bị cấm ở Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 19/9 thông qua thỏa thuận giữa hai công ty Oracle và Walmart của Mỹ với tập đoàn ByteDance của Trung Quốc, chủ sở hữu của TikTok, cho phép hai công ty Mỹ tham gia thành lập và vận hành một công ty mới với tên gọi TikTok Global. Tuy nhiên, thỏa thuận tái cơ cấu quyền sở hữu ứng dụng TikTok đến nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi và các bên liên quan đưa ra những thông tin trái ngược nhau.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, ông Mnuchincho biết thỏa thuận giữa Oracle và Walmart với ByteDance Ltd. là "kết quả tuyệt vời". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Mỹ sẽ đi tiếp nếu thỏa thuận được thực hiện theo đúng các điều khoản mà phía Washington đã đề ra, nếu không thỏa thuận sẽ bị chấm dứt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ thỏa thuận trên sẽ "xây dựng một công ty đẳng cấp thế giới ở Mỹ, do các nhà đầu tư Mỹ kiểm soát" và đáp ứng tất cả các vấn đề về an ninh quốc gia của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng khẳng định ông sẽ phê duyệt kế hoạch "đưa TikTok ra khỏi vòng tay công ty ByteDance của Trung Quốc". Tuy nhiên, hiện chưa rõ phía Trung Quốc có thông qua thỏa thuận này hay không.
- Mỹ: Phiên điều trần của TikTok diễn ra trước khi lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực
- TikTok đề nghị tòa án Mỹ chặn lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump
- ByteDance định giá TikTok 60 tỷ USD
- TikTok đệ đơn khiếu nại về lệnh cấm của Mỹ
Chính phủ Trung Quốc đã cáo buộc Tổng thống Trump hành xử "bắt nạt" và "lạm dụng quyền lực quốc gia" để thâu tóm TikTok, trong đó có việc cấm toàn bộ hoạt động của TikTok tại Mỹ trong tháng 11 tới nhằm gia tăng sức ép để đạt được thỏa thuận mua lại nền tảng ứng dụng xã hội này.
Chính quyền Washington cho rằng Tiktok có thể được sử dụng để thu thập trái phép dữ liệu cá nhân của người dùng ở Mỹ, song ByteDance đã bác bỏ lý lẽ này.
Thành Dương/TTXVN