Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo khẩn trương sửa chữa toàn diện mặt cầu Thăng Long
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác của Bộ cùng với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) nhằm rà soát, đánh giá mức độ hư hỏng để tìm phương án khắc phục sửa chữa mặt cầu.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đi thị sát toàn bộ bề mặt cầu, kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình trạng xuống cấp của cầu Thăng Long.
Báo cáo về tình hình hư hỏng mặt cầu Thăng Long tại hiện trường, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tình trạng các khe co dãn trên cầu bị hư hỏng diễn ra từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 đơn vị đã tiến hành khắc phục sửa chữa, việc quản lý khe co giãn thuộc về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Cục Đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: "Tại sao không sửa luôn khe co giãn này mà lại để kéo dài nhiều năm như vậy?. Thời điểm này, nếu không sửa chữa được cầu Thăng Long thì sau này sẽ rất khó sửa, vì khi tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội hoàn thành đi vào hoạt động mật độ phương tiện lưu thông qua cầu là rất lớn nên sẽ khó sửa chữa cầu".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị quản lý cầu và Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm bị hư hỏng để đưa ra đánh giá mức độ xuống cấp.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, sẽ yêu cầu các đơn vị của Bộ nghiên cứu các phương án để tiến hành sửa chữa cầu Thăng Long trong thời gian sớm nhất. Hiện nay nhiều đơn vị tư vấn đề xuất Bộ các giải pháp sửa chữa, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cố gắng chọn phương án tốt nhất đảm bảo chất lượng tốt nhất và ổn định ít nhất 7-10 năm.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ đấu thầu quốc tế chọn nhà thầu và công nghệ sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN chiều 12/8, mặt cầu Thăng Long nối đường từ sân bay Nội Bài về nội thành Tp. Hà Nội đang bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều sống trâu tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Hiện nay, mặt cầu Thăng Long xuất hiện nhiều vết nứt dài chạy dọc theo chiều dài của cầu. Những đoạn hằn lún vệt bánh xe kéo dài, bê tông nhựa trồi lên thành ụ cao từ 3 – 5cm và bị đẩy vào bên thành cầu, trồi cả bản thép bên dưới.
Đặc biệt, trên bề mặt cầu có nhiều ổ gà, để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị quản lý cầu cũng đã tiến hành chắp vá những vị trí bị lún kéo dài để lại những vệt nham nhở. Đứng ở trên mặt cầu mỗi khi có xe tải trọng lớn đi qua cảm nhận thấy rõ cầu bị rung.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mặt cầu Thăng Long đã qua 2 đợt sửa chữa lớn vào năm 2009 và các năm từ 2012 - 2014. Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.
Trong đợt 2, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme.
Hồi tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sửa chữa mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long, với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra 3 phương án khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long. Cụ thể: Phương án 1 là sửa chữa tổng thể cả bản thép mặt cầu, tăng độ cứng, tăng khả năng chịu lực cho lớp bản thép trực hướng; khắc phục, tăng cường dính bám, chống trượt lớp bê tông nhựa trên mặt thép theo hướng khôi phục lại nguyên lý thiết kế của Liên Xô trước đây.
Phương án 2 chỉ thí điểm sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu như phương án 1, không sửa chữa phần kết cấu thép.
Phương án 3 là cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám như phương án 1 và thảm bê tông nhựa (sử dụng loại bê tông nhựa gia cường cốt sợi thủy tinh để cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông nhựa).
Tuy nhiên, cả 3 phương án trên các chuyên gia đều đưa ra ý kiến chỉ ra những nhược điểm của từng phương án. Để có giải pháp tổng thể cho việc sửa chữa triệt để, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã liên hệ với chuyên gia Nga.
Tháng 9/2018, các chuyên gia Nga đã sang Việt Nam khảo sát trực tiếp và đang lập phương án sửa chữa. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xem xét phương án sửa chữa khắc phục cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cầu Thăng Long đang được chia nhỏ ra từng hạng mục để 3 đơn vị cùng quản lý gồm: Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái quản lý toàn bộ kết cấu cầu, dàn thép, khe co dãn mặt cầu tầng hai, hệ thống chiếu sáng trên cầu. Cục Quản lý đường bộ I – Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý phần mặt đường ô tô trên 5 liên dàn thép của cầu chính. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý phần mặt đường dẫn hai bên đầu cầu và phần đường bộ hành công vụ, hệ thống lan can.
Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116m. Phần cầu chính dài 1.688m. Bề rộng mặt cầu 20,5m gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5m, hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m. Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428m; bề mặt rộng 16,5m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe.
TTXVN