BLV Vũ Quang Huy: “Từ VFF lẫn CLB cần phải giỏi kiếm tiền từ bóng đá”
VFF vừa khép lại một nhiệm kỳ vô cùng rực rỡ. 5 năm qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Thành công của Đại hội VFF nhiệm kỳ mới được kỳ vọng tạo ra tiền đề để nâng tầm trong giai đoạn tiếp theo. BLV Vũ Quang Huy đã đưa ra những góc nhìn của mình về câu chuyện này.
* Thể thao & Văn hóa: Đại hội VFF khóa IX, nhiệm kỳ 2022 - 2026 đã bầu ra BCH cùng bộ máy lãnh đạo mới để nhận nhiệm vụ lèo lái bóng đá Việt Nam trong thời gian đến. Đâu là những cảm nhận cũng như kỳ vọng của anh sau cột mốc quan trọng này?
- BLV Vũ Quang Huy: Điều dễ nhận ra VFF lần này đã có một BCH trẻ hơn với nhiều gương mặt mới. Có vẻ mọi người khi bầu chọn cũng cảm nhận bên cạnh những gương mặt cũ nổi trội sẽ được tín nhiệm cần có nhân tố mới. Đó là những người mới trẻ trung, năng động.
Không chỉ 4 chức danh lãnh đạo thường trực kết hợp giữa mới và cũ, có đến 9 ủy viên BCH khóa IX là gương mặt mới, trong đó có đến 6 doanh nhân đại diện các CLB. Tựu trung lại, VFF nhiệm kỳ mới đã có được BCH cùng bộ máy lãnh đạo kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm
Tôi nghĩ điều này cũng rất hay, thú vị đấy. Trong số các ủy viên mới của BCH có những người tính cách rất "gai góc". Về mặt tổ chức mà nói, đôi khi muốn mọi thứ phải thống nhất và "thuần". Nhưng đối với bóng đá Việt Nam, đôi khi có những tư duy mới mẻ, phản biện đầy "gai góc" sẽ rất hay, thúc đẩy sự phát triển.
Với ê-kíp này, hy vọng các tân lãnh đạo VFF khóa IX sẽ tiếp tục phát triển các thành tựu tuyệt vời mà bóng đá Việt Nam vừa đạt được. Có thể nói nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ có rất nhiều khó khăn và thách thức ở trước mắt. Bóng đá Việt Nam đã lên được tốp 100 của bảng xếp hạng FIFA và lọt vào Top 15 của châu lục. Nhiệm vụ trước tiên là duy trì thành tích này, rồi sau đó tìm những giải pháp đột phá để bật lên. Bóng đá nước nhà phải tiếp tục kiên định trong việc đầu tư vào các lứa kế cận của ĐTQG, đặc biệt chú trọng đầu từ cho bóng đá trẻ.
Kỳ vọng với đội hình được làm mới trẻ trung, năng động hơn, cùng những doanh nhân đang trực tiếp làm bóng đá, VFF khóa mới sẽ có sức bật mới để hiện thực hóa giấc mơ World Cup trong thời gian gần nhất.
* Lãnh đạo VFF nhiệm kỳ mới đã đặt ra nhiều mục tiêu hết sức cụ thể, đặc biệt nâng tầm thành tích của các ĐTQG từ nay đến năm 2026, góc nhìn của anh về đường hướng phát triển này thế nào?
- Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ VH, TT &DL Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị VFF phải chủ động phối hợp với Tổng cục TDTT nghiên cứu, đề xuất với Bộ trước khi trình các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển bóng đá một cách khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, tôi nghĩ, trước mắt VFF cần hoàn thiện đề án phát triển bóng đá trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030. VFF cần khẩn trương rà soát các kế hoạch, lộ trình đầu tư chuyên sâu cho các ĐTQG.
Nhiệm kỳ mới cũng không được phép lãng quên giấc mơ World Cup với bóng đá nam. Định hướng đến năm 2030, bóng đá Việt Nam nằm trong Top 10 châu Á, cũng không dễ chinh phục. VFF cũng cần phải có những giải pháp đột phá hơn nữa trong công tác đối ngoại, hợp tác, tập huấn, thông qua các mối quan hệ quốc tế. Các cấp độ đội tuyển trẻ, ĐTQG cần được tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển cao hơn để có cơ hội tiệm cận với trình độ đỉnh cao của thế giới và châu lục.
Cuối cùng, trách nhiệm của ban lãnh đạo VFF khóa IX là phải tạo bước đột phá cho giải chuyên nghiệp, vốn là bệ phóng của các đội tuyển quốc gia. V-League vẫn còn đó nhiều tồn tại, như sự non kém của công tác trọng tài; quá nhiều đội chỉ duy trì mục tiêu trụ hạng nên khi đạt mục đích thì đá không hết mình; lượng khán giả đến sân vẫn chưa cao.
Giá trị V-League tăng đồng nghĩa chất lượng giải đấu (chuyên môn lẫn hình ảnh), tính chuyên nghiệp cũng phải tăng theo để tương xứng với giá trị bản quyền, sự quan tâm của người hâm mộ.
* Theo anh, đâu là những việc VFF nhiệm kỳ mới cần bắt tay làm ngay cho công tác tiếp thị, vận động tài trợ?
- Cũng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, VFF khóa IX cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, vận động tài trợ, chú trọng công tác hợp tác quốc tế để có nguồn lực hỗ trợ phát triển bóng đá. Lần đầu tiên khái niệm "kinh tế thể thao" được lãnh đạo ngành đặt ra cho VFF như một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong khóa IX. Rõ ràng bóng đá Việt Nam phải có được nguồn tài chính đủ mạnh cho câu chuyện phát triển, nâng tầm.
Mà muốn kiếm được nhiều tiền, có nguồn lực tài chính dồi dào, vững vàng, VFF phải tiếp tục đổi mới các hình thức tiếp thị và vận động tài trợ. Ngoài việc duy trì, tiếp tục hợp đồng với nhiều đối tác, VFF phải có thêm đối tác, nhiều hợp đồng tài trợ cho đội tuyển nam, nữ và U23 quốc gia với giá trị tăng trưởng cao. Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, công ty tiếp thị chuyên nghiệp để khai thác tối đa nguồn thu từ các giải trẻ quốc tế do VFF đăng cai, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước cùng chung tay đóng góp cho bóng đá bằng tài trợ tiền mặt, trang thiết bị cho các đội tuyển. Ngoài ra còn vấn đề kiếm tiền online, nguồn thu từ bản quyền truyền hình.
Nhìn lại nhiệm kỳ VIII vừa rồi, bóng đá Việt Nam về mặt kiếm tiền là tốt. Tuy nhiên, mình phải thấy thế này, nhiệm kỳ VIII, Đại hội VFF tổ chức ngay trước AFF Cup 2018. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đã được sức hút lớn, lan tỏa rộng với thành công ban đầu của ông Park từ U23 châu Á, ASIAD 2018 rồi sau đó là chức vô địch AFF Cup 2018. Đó là những thuận lợi để làm bệ phóng cho câu chuyện kiếm tiền.
Ở thời điểm này, không thể nói trước được điều gì phía trước nhưng tôi nghĩ bóng đá Việt Nam đang có cái đà thuận lợi. Do vậy, mình phải biết cách kiếm tiền ngoài những giá trị gia tăng thông thường, ngoài những hình thức tiếp thị, quảng cáo thông thường. Có nghĩa là, việc kiếm tiền đối với bóng đá Việt Nam không chỉ dựa vào hình ảnh, thành công của mỗi ĐTQG để thu hút tài trợ. Phải làm sao để bóng đá Việt Nam trở thành một sản phẩm tốt, tạo ra lực hút mạnh mẽ cho việc kiếm tiền. Nói nôm na, đã qua rồi cái thời đi xin tiền mà lúc này phải có sản phẩm giá trị để kiếm tiền. Việc bản quyền truyền hình V-League có được bản hợp đồng dài hạn, giá trị cao là minh chứng cho điều này.Cuối cùng, các CLB càng phải giỏi kỹ năng kiếm tiền từ bóng đá. CLB không có lãi thì mọi thứ đều vô nghĩa.
* Xin được cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
"Tiềm năng lớn từ xổ số bóng đá cần được khai phá"
Bóng đá Việt Nam phải biết cách kiếm tiền ngoài những hình thức quảng cáo hay giá trị gia tăng thông thường. Một trong điều tôi rất kỳ vọng đó là hình thức kiểu như xổ số bóng đá chẳng hạn. Có thể loại hình dịch vụ còn mới mẻ ở nước ta nên chắc khó tránh khỏi những khó khăn, phức tạp nảy sinh, nhất là yếu tố tâm lý và nhận thức xã hội. Tuy nhiên với kinh nghiệm của quốc tế và khi tạo ra được hành lang pháp lý chặt chẽ, hoạt động xổ số bóng đá, xổ số thể thao đặt dưới sự quản lý của nhà nước sẽ góp phần hạn chế các hình thức đặt cược trái phép; góp phần thu hút nguồn lực tài chính. Mình kỳ vọng khi ĐTQG hay bóng đá nước nhà phát triển lên tầm cao mới thì đòi hỏi VFF ngày càng độc lập chứ không thể dựa vào kinh phí nhà nước được. Cũng rất mong lần này, vấn đề xổ số bóng đá, xổ số thể thao được "cởi trói" để làm được những việc chưa bao giờ làm. Vấn đề này lâu nay là tiềm năng lớn nhưng chưa thể mang lại nguồn thu, nay tiềm năng đó cần được khai phá.
Trần Tuấn (thực hiện)