Bình luận viên Quang Huy: “Cầu thủ phải tham vấn pháp lý khi sử dụng bản quyền hình ảnh'
(Thethaovanhoa.vn) - Theo BLV Vũ Quang Huy, VFF là đơn vị duy nhất sở hữu tên gọi, hình ảnh, thương hiệu và các quyền khai thác thương mại liên quan đến các ĐTQG Việt Nam. Do đó, khi doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên gọi, hình ảnh, thương hiệu này để kinh doanh, quảng cáo thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của liên đoàn.
Trên thực tế thì lâu nay vấn đề này đã được thực thi nhưng có thể việc kiểm soát chưa được tốt, cũng như các bên đối tác chưa tuân thủ hết mọi quy định nên vẫn xảy ra chuyện vi phạm như thế. Nói cách khác, đôi lúc, đôi chỗ các bên liên quan còn ở vào trạng thái bị động trong xử lý khi xảy ra các vấn đề liên quan. Thậm chí, những hình ảnh của các ĐTQG cũng đang được khai thác bằng cách lách luật cũng đã diễn ra. Do đó, tôi nghĩ rằng cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ cũng như khi có sự việc xảy ra thì dựa vào đó mà xử lý triệt để”.
Đúng là thời gian vừa qua đã có nhiều tuyển thủ của chúng ta có những hợp đồng quảng cáo với các đơn vị truyền thông như thế. Tuy nhiên, chính bản thân mỗi cầu thủ cũng chưa am hiểu hết mọi vấn đề liên quan có thể phát sinh sau khi hoàn thành sản phẩm hay hoàn tất hợp đồng. Đúng ra, các cầu thủ phải tìm hiểu thật sự kỹ càng những vấn đề mang tính pháp lý của bản quyền hình ảnh để không xảy ra những tranh chấp hay kiện tụng.
Thực tế, đã có cầu thủ thông qua người đại diện hay luật sư của mình trong chuyện thương thảo, ký kết hợp đồng nhưng như thế là chưa đủ. Bởi chưa hẳn người đại diện hay những tham vấn từ luật sư đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố liên quan. Đôi khi người đại diện hay luật sư chỉ giỏi và am hiểu về lĩnh vực chuyên môn của mình chứ không thể tường tận mọi ngóc ngách về câu chuyện bản quyền hình ảnh trong bóng đá như thế được.
Trong trường hợp xảy ra như thế, có thể hiểu rằng các cầu thủ phần nào cũng chỉ thực hiện công việc thông qua người đại diện của họ. Nói cách khác, anh em cầu thủ chỉ nắm bắt những quy định về quảng cáo, sử dụng hình ảnh ở mức tương đối, thường giao phó hết cho người đại diện. Nói thì như thế, nhưng một khi đã thực hiện các hợp đồng như vậy, hẳn nhiên trên cơ sở cũng như điều chỉnh của pháp luật thì bản thân các cầu thủ cũng chịu trách nhiệm của mình.
Tôi cho rằng từ những phát sinh vấn đề pháp lý của các vụ việc đã xảy ra như thế cho nên mỗi cá nhân khi thực hiện việc này về sau phải hết sức lưu tâm. Bản thân mỗi cầu thủ không chỉ nhận tư vấn của người đại diện hay luật sư mà cần phải làm việc, xin phép và nhận dược sự đồng ý của đối tác giữ bản quyền hình ảnh chẳng hạn.
Với những vấn đề này, cầu thủ phải làm việc trực tiếp với Ban pháp chế của VFF để nhận được những tư vấn chính xác nhất. Ban Pháp chế chính là đơn vị đại diện trên cơ sở pháp luật của tổ chức đang nắm giữ bản quyền hình ảnh về bóng đá nước nhà nên đây sẽ là đơn vị thường xuyên cập nhật mọi vấn đề pháp lý liên quan cũng như đưa ra những ý kiến chính xác cho vấn đề bản quyền hình ảnh.
Với những vụ việc đã xảy ra như thế, có thể VFF sẽ không đưa ra những quyết định quá nặng nề để đẩy cầu thủ vào thế khó. Tuy vậy, qua những sự việc như thế, bản thân mỗi cầu thủ cần phải cực kỳ chỉn chu, cẩn thận, thấu đáo, tường tận và có trách nhiệm với những quyết định của mình trong những hợp đồng về sau này.
Cũng cần phải nói thêm rằng, đòi hỏi sự chuyên nghiệp bên ngoài sân cỏ của các cầu thủ Việt Nam ngay cả vào thời điểm này khi bóng đá nước nhà đã có những bước tiến mạnh mẽ về thành tích cũng là hơi khó vì họ đâu có được ai hướng dẫn cụ thể. Cầu thủ nào may mắn được tư vấn cho thì sẽ ổn, còn nếu không, sai lầm là điều khó tránh khỏi.
Trần Tuấn (ghi)