Biến tấu cùng EURO: 'Bức thư của người đàn bà không quen'
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đối đầu của Italy và Áo tại London tới đây rất có thể các chàng trai mặc áo màu bầu trời Địa Trung Hải sẽ vẫn trình diễn lối đá tấn công theo kiểu mặt nạ Venetian mùa lễ hội Carnival mà họ đã mang từ đầu giải. Dễ hiểu, đối thủ của họ chỉ là tuyển Áo yếu hơn họ nhiều, đến với giải đấu như một sự bày tỏ tình yêu đơn phương của một “người không quen” với chiếc cúp danh giá…
1. Thông qua những bản dịch tiếng Đức, Văn học Áo với những đại diện xuất sắc có chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn học Việt Nam từ khá lâu mà một trong số đó là Stefan Zweig-nhà văn Áo thân thuộc, gần gũi nhất đối với độc giả Việt.
Zweig đã chinh phục người đọc qua bút pháp phân tích tâm lý con người sâu thẳm và tinh tế, đau đớn và yêu thương nổi bật ở hai tác phẩm “Bức thư của người đàn bà không quen” và “Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà”.
Bức thư của người đàn bà không quen được viết dưới dạng một lá thư tuyệt mệnh của một người phụ nữ gửi cho nhà văn R., người mà cô say mê suốt cả cuộc đời… Một tình yêu đơn phương đến tận cùng, tận cùng đau đớn, tận cùng tuyệt vọng, tận cùng khát khao say đắm… Sở dĩ tôi nhắc đến câu chuyện tình này bởi nó giống như niềm khát khao chạm tay vào chiếc cúp châu Âu của Alaba và các đồng đội của anh ở tuyển Áo?
Hành trình của tuyển Áo ở EURO lần này đã có bước tiến xa hơn so với 5 năm trước khi họ không qua vòng bảng. Ở một bảng đấu khá dễ thở, việc tuyển Áo thắng Ukraine, Bắc Macedonia và thua Hà Lan là điều hiển nhiên. Nhưng gặp Italy đang bay cao với một phong cách đá hoàn toàn mới lạ, đẹp và tận hiến, dường như chuyến lãng du của bóng đá Áo ở mùa Hạ này đã đi đến chặng cuối. Lội ngược thời gian tìm về các con số thống kê, trận thắng gần đây nhất của tuyển Áo trước Italy là cách đây… 59 năm, và trong khuôn khổ của một trận giao hữu.
Thôi đành, Alaba, tình đơn phương cả đời tận dâng không một phút giây ngơi nghỉ với trái bóng tròn của anh và tuyển Áo tuy ngắn ngủi nhưng vẫn hơn câu chuyện của người thiếu phụ trong truyện là được nói ra, được thể hiện. Đam mê đó, khát khao đó mãi còn đấy, như một đích đến Hạnh phúc để phấn đấu, để hy vọng…
2. Ở Italy, đất nước của hàng hà vô số những lễ hội văn hóa vô cùng đặc biệt trong đó có Carnival - ngày hội của những chiếc mặt nạ diễn ra tại Venice. Nếu may mắn có mặt ở đó dịp này, du khách sẽ được hòa vào một không khí cung đình vô cùng hoành tráng khi xung quanh là những vương tôn, công tử, các quý bà, tiểu thư… trong những bộ trang phục lộng lẫy phong cách cổ điển đeo những chiếc mặt nạ tinh xảo đẹp đẽ với những đường nét kiêu sa, quý phái và hấp dẫn một cách ma mị bởi sự bí ẩn được hòa trộn một cách kỳ lạ tạo nên cảm giác gần gụi ấm áp đấy, mà lạnh lùng xa lạ xiết bao.
Mặt nạ Venetian mang ý nghĩa giúp cho người đeo có được một diện mạo khác, một thân phận khác và tuyển Italy ở giải đấu này cũng giống như thế, lạ lẫm, bí ẩn, khó đoán định và vô cùng hấp dẫn. Sân cỏ châu Âu đã được các cầu thủ Italy biến thành một sân khấu sôi động với lối đá tấn công ào ạt, những đường bóng phóng khoáng đẹp mắt. Mỗi một trận đấu đã qua của tuyển Italy là một cuộc diễu hành kéo dài như vô tận cho đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên mà ở đó, họ với bộ trang phục mới, bộ mặt mới khác hẳn những gì mà người xem bóng đá biết về họ, phá vỡ mọi quy tắc truyền thống…
Nhưng lễ hội Carnival không kéo dài, sau khi nó kết thúc, những bộ trang phục cầu kỳ và chiếc mặt nạ sẽ được cởi ra… mọi thứ lại trở lại như thường ngày. Vậy đội quân áo thiên thanh, ở giai đoạn nốc ao này, họ sẽ có bộ mặt nào? Liệu họ có cởi bỏ chiếc mặt nạ hào hoa để trở lại sự thực dụng truyền thống hay vẫn cứ đá như hôm nay là tận thế?
Theo tôi, có lẽ tại Wembley đêm Chủ nhật này sẽ là đêm cuối lễ hội Carnival của Italy, sau đó thì… chưa chắc!
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu