Biển Đông khả năng đón liên tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới
Nhận định về xu thế thời tiết từ nay đến khoảng ngày 10/8, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dải hội tụ nhiệt đới có xu thế hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn và có thể gây thời tiết xấu (mưa dông, lốc xoáy, sóng lớn) trên khu vực Biển Đông.
Dự báo có khoảng 2 - 3 cơn áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông trong nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Trong khoảng ngày 15 - 20/7, khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông.
Dự báo xa hơn, ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta phù hợp với quy luật khí hậu. Các tháng từ 7 - 9/2023 sẽ ảnh hưởng đến khu vực miền Bắc; từ khoảng tháng từ 9-11 sẽ ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.
Nắng nóng duy trì từ nay đến ngày 14/7, sau đó thu hẹp phạm vi và tạm thời chấm dứt. Khoảng cuối tháng 7, sang đầu tháng 8, nắng nóng có khả năng xuất hiện trở lại tại Bắc Bộ và Trung Bộ, cần đề phòng các hiện tượng mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá vẫn xuất hiện thường xuyên, đặc biệt là ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trong khoảng ngày 18 - 25/7. Trong nửa đầu tháng 7, nhiều nơi thuộc khu vực vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa rất to, độ ẩm đất tăng cao. Cần đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét trong những ngày dự báo có mưa trong thời gian tới ở khu vực nói trên.
Từ nay đến tháng 9/2023, nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng không gay gắt và kéo dài. Nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ tháng 10 - 12/2023.