Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' xâm chiếm Nam Cực
(Thethaovanhoa.vn) - Nam Cực thường gợi lên hình ảnh một vùng đất rộng lớn được bao phủ băng trắng xóa, tuy nhiên hiện tượng tảo nở hoa (chỉ sự bùng nổ về số lượng của tảo biển) do biến đổi khí hậu đang ngày càng biến nhiều khu vực của lục địa băng giá này chuyển sang sắc xanh.
Đây là nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge và Viện Khảo sát Nam cực của Anh công bố ngày 20/5.
Nhiệt độ toàn cầu ấm lên do biến đổi khí hậu giúp loại “tuyết xanh” này hình thành và phát triển nhanh. Theo nghiên cứu, tảo xanh đang ngày càng phát triển nở rộ tại nhiều nơi tại Nam Cực, thậm chí có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Lâu nay, các nhà thám hiểm đã lưu ý về sự hiện diện của tảo tại Nam Cực, nhưng đến nay chưa có nghiên cứu đánh giá về quy mô đầy đủ của tảo xanh phát triển ở khu vực này.
Sử dụng dữ liệu do vệ tinh Sentinel 2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu thu thập trong hai năm qua cùng với dữ liệu quan sát mặt đất, nhóm nghiên cứu trên đã lập bản đồ đầu tiên về sự phát triển nở rộ của tảo trên vùng bờ biển Bán đảo Nam Cực.
Kết quả là họ xác định được 1.679 đám tảo nở hoa, bao trùm tổng diện tích 1,9 km2 trên băng tuyết. Họ cũng phát hiện đa số đám tảo nở hoa trong phạm vi 5 km thuộc một khu vực sinh sống của chim cánh cụt do phân của loài chim này là nguồn phân bón hữu hiệu của tảo.
Nhóm nghiên cứu tính toán số tảo trên bán đảo này hấp thu lượng khí thải CO2 do trung bình 875.000 chiếc ô tô tại Anh thải ra. Tuy nhiên, ông Matt Davey thuộc Khoa Khoa học thực vật của Đại học Cambridge cho biết lượng khí thải này có vẻ nhiều nhưng thực ra không đáng kể khi xét đến lượng khí carbon trên toàn cầu hiện nay.
Sắc xanh của tảo không phải là màu duy nhất tại Nam Cực. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch tiến hành các nghiên cứu tương tự về các loại tảo màu đỏ và cam.
Nguyễn Hằng/TTXVN