Bị so sánh với Hà Linh, một "chiến thần" gây sốc khi chỉ thẳng vào khách quát tháo "mày, tao", ném đồ trên sóng livestream: Cố đu drama để câu view?
Phần đông cộng đồng mạng đều không đồng tình với cách bán hàng của "chiến thần" livestream này.
Thời gian gần đây, livestream bán hàng trên TikTok đang trở thành cụm từ khoá được rất nhiều người quan tâm. Không chỉ là một hình thức bán hàng thu hút nhật hiện tại, livestream trên TikTok còn gắn liền với rất nhiều drama, ồn ào khiến ai nấy đều phải “chấm hóng”.
Mới đây nhất là những ồn ào xoay quanh vụ “chiến thần review” Hà Linh bán dầu gội đầu giá sốc. Khi sự việc vẫn chưa thực sự lắng xuống, lại một "chiến thần" livestream khác khiến netizen ngán ngẩm vì thái độ bán hàng khó hiểu, không biết ai mới thật sự là “thượng đế” - khách hàng hay người bán?
Không ai khác, người được netizen nhắc đến là Phạm Thoại - một trong số ít những TikToker lập nhiều kỷ lục livestream trên MXH.
Mới đây nhất, Phạm Thoại cũng thực hiện một phiên livestream về các sản phẩm chăm sóc tóc. Tuy nhiên trong khi đang livestream, nam TikToker liên tục nhận những bình luận công kích từ cư dân mạng. Nhiều người so sánh Phạm Thoại với Hà Linh, thậm chí so đo về giá cũng như không tin tưởng chất lượng sản phẩm anh bán.
Điều này khiến Phạm Thoại không giữ được bình tĩnh, tỏ rõ thái độ bức xúc trong livestream. “Tôi hỏi các bạn đã trải nghiệm chưa? Nếu ai có trải nghiệm không tốt các bạn bình luận vào đây, được chưa? Các bạn mang quan điểm cá nhân vào livestream, các bạn chưa sử dụng nhưng các bạn chê. Các bạn đã đọc bảng thành phần chưa mà lỗi sản phẩm của nhãn khác để so thành phần? Đã bao giờ tôi bán hàng kém chất lượng chưa?”, Phạm Thoại liên tục to tiếng trong livestream.
Càng đông người vào xem, Phạm Thoại càng có hành động vượt quá giới hạn khiến netizen không đồng tình. Nam TikToker xưng hô “mày tao”, liên tục chỉ tay vào máy quay quát tháo, thậm chí còn đập sản phẩm đang bán ngay trong livestream. Cách làm này của Phạm Thoại gây ra rất nhiều tranh cãi. Có người cho rằng vì bị mỉa mai, công kích nên anh chàng buộc phải lên tiếng để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, phần đông dân tình tỏ ra ngán ngẩm, khó chịu với các bán hàng này.
Theo đó, cộng đồng mạng cho rằng dù tức giận đến đâu cũng không nên bộc lộ cảm xúc quá đà giống như Phạm Thoại. Vốn là người của công chúng, Phạm Thoại cần tiết chế trong cách nói chuyện cũng như từng cử chỉ, hành động.
Ngoài ra, không ít người nghi ngờ đây là chiêu trò marketing của nam TikToker. Nhiều người nhận xét, Phạm Thoại đang cố tình đẩy sự việc lên cao trào để thu hút lượng người xem. Chưa kể, việc nhắc tên “đối thủ”, nhãn hàng khác của anh chàng cũng không được đánh giá cao. Bởi điều này đồng nghĩa anh đang có ý so sánh hoặc “mượn cớ” drama của người khác để đẩy livestream của bản thân trở nên được quan tâm hơn.
Cũng chính bởi sự việc này mà những hình ảnh Phạm Thoại xây dựng trong thời gian gần đây khiến khán giả thất vọng. Thời điểm bắt đầu nổi tiếng, nam TikToker đã gắn liền với biệt danh “thánh chửi”. Anh cũng nhận nhiều chỉ trích vì luôn “làm khùng làm điên” trong các livestream bán hàng.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, người hâm mộ ghi nhận sự thay đổi rõ rệt của anh chàng. Trong các livestream bán hàng có phần điềm đạm hơn nhưng vẫn giữ được phong cách riêng. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng của Phạm Thoại trong sự nghiệp cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Phạm Thoại nổi tiếng với các livestream bán hàng theo phong cách "không giống ai"
Một số bình luận của cộng đồng mạng:
- “Bạn này nổi lên từ những video chửi, làm trò nên đôi khi đối tượng khán giả xem cũng chỉ vì những điều đó. Sao giờ quay sang trách ngược người ta quá đáng được?”.
- “Chính Thoại cũng đang không tôn trọng khách hàng. Có giận cũng đừng nên chỉ tay, xưng hô như vậy”.
- “Thái độ này không đúng lắm. Chỉ vài người nhưng lại xưng hô với tất cả là mày - tao. Không biết mấy bạn thấy sao chứ mình là sẽ không bao giờ mua dù sản phẩm tốt cỡ nào”.
- “Thoại nặng lời quá nhưng có nỗ lực, cố gắng thay đổi là thật. Nhưng do mọi người công kích nhiều quá nên bức xúc”.
- “Cảm giác giống như dựng kịch bản trước. Có khi cũng là chiêu trò marketing để nổi hơn”.
- “Tệp người theo dõi bạn (fan và antifan) đa số nhỏ tuổi, không tránh được những bình luận như vậy. Hơn nữa, bạn từ đầu đã xây dựng hình ảnh livestream chửi thề, hò hét gây chú ý nên giờ người ta cũng muốn “chọc” để xem bạn chửi mắng thôi”.
Bạn nhận xét thế nào về cách bán hàng này của "thánh livestream"?