Bị sa thải ở tuổi 40, người phụ nữ cay đắng thừa nhận 'làm thuê quá rủi ro': Chuyển nghề bán đồ ăn đêm, thu về 1,3 tỷ đồng/năm nhờ thay đổi suy nghĩ này
Dù có người châm chọc người phụ nữ này học đại học lại phải đi kinh doanh hàng ăn đêm, cô chỉ cười và đi qua, chẳng hề bận tâm 1 chữ.
Con đường ổn định cũng là con đường bấp bênh nhất
Ngô Xuân Linh đến từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) làm giám sát viên trong một nhà máy ở Thâm Quyến. Sau 10 năm làm việc chăm chỉ, đi từ nhân viên bình thường lên tới vị trí quản đốc, cô đã nhận được mức lương hàng tháng 16.000 NDT.
Xuân Linh vẫn nghĩ mình có thể làm tại đây đến khi nghỉ hưu. Cô và chồng thu nhập hàng tháng 30.000 NDT tương đối ổn định, liền mua thế chấp ngôi nhà 2 triệu NDT. Ai ngờ vừa mua được 3 tháng thì chồng Xuân Linh bị sa thải, chật vật kiếm việc ở tuổi 42. Cuối cùng người đàn ông này phải làm tài xế công nghệ, lương chỉ ngang 1 công nhân nhà máy phổ thông.
Nhìn thấy hoàn cảnh của chồng, Xuân Linh bắt đầu cảm thấy lo lắng. Cô thường chủ động đi sớm về muộn, sẵn sàng làm thêm giờ để công ty thấy giá trị của cô. Nửa cuối năm 2021, sếp sắp xếp cháu gái của mình đến học hỏi Xuân Linh. Người phụ nữ không ngại giúp đỡ cháu gái sếp tận tình, truyền cho cô gái nhiều kinh nghiệm quý giá. Cô gái này tiến bộ nhanh chóng, có thể xử lý công việc độc lập sau 4 tháng.
Đầu năm 2022, sếp gọi Xuân Linh đến văn phòng và khen ngợi cô rất có trách nhiệm. Thế nhưng ngày hôm sau, bộ phận nhân sự lại thông báo cô nằm trong danh sách những nhân viên bị sa thải do đơn hàng giảm, thị trường bị thu hẹp. Dù được hứa sẽ bồi thường đầy đủ theo luật lao động nhưng đến lúc này Xuân Linh mới nhận thấy mình quá ngây thơ. Khi cô rời đi, cháu gái sếp lập tức tiếp quản công việc ngay ngày hôm sau.
(Ảnh minh họa)
Lần sa thải này còn khiến Xuân Linh “ngộ ra” một sự thật, đó là làm thuê cho người khác thực sự không an toàn. Dù bạn làm tốt hay không, bạn vẫn hoàn toàn có thể bị cho rời đi chỉ sau một quyết định của sếp. Ông chủ tốt vẫn đền bù cho bạn, nhưng có những công ty tồi tệ thậm chí buộc bạn tự nguyện từ chức. Con đường làm công ăn lương, tưởng ổn định nhưng lại bấp bênh chỉ sau một khoảnh khắc.
Khi khó khăn, sĩ diện không phải thứ quan trọng nhất
Chồng thu nhập bấp bênh, lại đang gánh thêm tiền vay mua nhà hàng tháng, Xuân Linh lao đi tìm việc làm, liên tục hạ mức lương tiêu chuẩn nhưng bị từ chối với lý do họ có thể tìm người trẻ hơn. Thêm một vài biến cố gia đình càng khiến người phụ nữ này thêm mệt mỏi vì áp lực tài chính.
Một ngày, Xuân Linh đi ngang qua khu công nghiệp ở Quán Lan (Thẩm Quyến), thấy một cặp vợ chồng đang bán cơm chiên và đồ ăn tối ở đó. Cô liền nảy ra ý định kinh doanh đồ ăn vặt đêm nhưng liền bị chồng can ngăn: “Người tốt nghiệp đại học lại đi mở quán bán đồ ăn không ổn chút nào. Những người bán đó cũng phải làm đến kiệt sức mà cũng chẳng kiếm được là bao. Nếu làm thì em làm một mình, anh không đi đâu”.
Xuân Linh biết chồng mình sẵn sàng chịu khổ nhưng muốn giữ thể diện. Dù bản thân Xuân Linh cũng mong muốn sẽ tìm được công việc tương xứng nhưng đối với cô lúc này, khi cuộc sống còn khó khăn, khi không có tiền, thể diện thực sự vô giá trị. Miễn là tiền do chính tay mình làm ra, nghề gì cũng đáng được trân trọng.
(Ảnh minh họa)
Sau một hồi suy nghĩ, người phụ nữ này chi 1.000 NDT để mua đồ nghề cơ bản, mở hàng ăn ở giao lộ gần nhà máy, nơi hàng ngày có rất nhiều công nhân tan sở đi ngang qua. Tuy vậy, ngày đầu tiên Xuân Linh chỉ bán được suất cơm 10 NDT, hàng thừa phải bỏ hết đi, liền bị chồng châm chọc.
Ngày thứ 2, Xuân Linh vẫn tiếp tục đứng ở giao lộ thì người hôm qua lại ghé tới. Đồng nghiệp của cô gái này đi ngang qua, cũng ghé vào ăn luôn. Quán lúc đó khoảng 10 người, sau càng ùn ùn người kéo tới thêm khiến Xuân Linh vừa phấn khởi vừa bối rối, sợ khách hàng phải chờ đợi lâu. Cô phải gọi chồng đến “giải cứu”, may mắn 10 giờ tối đã bán hết hàng. Sáng sớm hôm sau, chồng Xuân Linh hăng hái đi chợ sớm mua đồ giúp cô.
Ngày thứ 3 nhờ sự “hợp sức” của 2 vợ chồng mà doanh thu tăng hấp đôi. Mặc dù bán đồ ăn vất vả vì phải làm đến nửa đêm nhưng Xuân Linh cảm thấy mình được tự do, không còn áp lực tâm lý.
“Trước đây khi làm việc trong công ty, tôi luôn lo lắng rằng nếu mình làm không tốt sẽ bị lãnh đạo phê bình, thậm chí tôi còn lo mình sẽ mất việc và không có thu nhập, vì vậy ngày qua ngày đều mệt mỏi”, Xuân Linh nói.
Tháng đầu tiên, 2 vợ chồng cô kiếm được 34.000 NDT, còn cao hơn thời gian họ đi làm nhà máy. Ngày ngày đẩy xe đồ ăn vặt, từ 5h giờ chiều đến 1h đêm, 3h đi ngủ, hết năm 2022, Xuân Linh cùng chồng thu về 400.000 NDT (~1,3 tỷ đồng).
Cuối năm ngoái, khi Xuân Linh đang rang cơm tình cờ một người đồng nghiệp cũ đi ngang qua, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ, thậm chí còn cười một chút. Người này về kể lại cho mọi người trong công ty cũ rằng Xuân Linh không kiếm được việc làm, phải đi bán đồ ăn tối. Nhiều đồng nghiệp cũ tỏ ý an ủi cô, nói rằng đừng lo lắng, sau này sẽ tìm được công việc tốt.
Nhưng bản thân Xuân Linh vốn đã từ bỏ suy nghĩ “có bằng đại học là phải kiếm việc trong công ty lớn” từ lâu. Cô cảm thấy bây giờ mình đang làm rất tốt, kiếm được nhiều tiền và quan trọng không bị phụ thuộc vào người khác.
“Tôi nghĩ khi một người đối mặt với khó khăn, nhất định không từ bỏ chính mình, chứ không cần lo lắng việc từ bỏ sĩ diện. Nuôi sống bản thân và gia đình là mục tiêu quan trọng nhất. Bây giờ tôi không sợ bị chế giễu, vì tất cả đều do tôi làm việc chăm chỉ kiếm được”, Xuân Linh chia sẻ.
Mỗi khi về quê, luôn có người châm chọc vợ chồng Xuân Linh bán hàng đồ ăn rằng “học đại học để làm gì” nhưng cô bật cười và đi qua mà không hề bận tâm.
Cựu nhân viên Google chia sẻ cuộc sống hậu 'bão sa thải': Dấn thân vào con đường TikToker chuyên nghiệp, trầy trật vực dậy sau cú sốc bị đuổi việc!