Bị loại khỏi C1, liệu MU có sa thải Solskjaer?
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ cần hòa là vào vòng 1/8 cúp C1 nhưng MU để thua Leipzig và phải xuống đá ở Europa League. Ole Gunnar Solskjaer chưa cải thiện được lối chơi phòng ngự của Quỷ Đỏ.
Thời Mourinho, MU bị chê tấn công kém hấp dẫn, chuyền ngang, chuyền về nhiều. Lối đá tẻ nhạt, gây buồn ngủ nhưng phòng ngự khá chắc chắn. Bằng chứng là ở mùa 2016-17, họ chỉ thủng lưới 29 bàn ở giải Ngoại hạng, mùa 2017-18 giành ngôi á quân, họ thủng lưới 28 bàn.
Đến khi Ole nhậm chí, MU thủng lưới 36 bàn mùa trước còn mùa này mới đá 10 trận họ đã thủng lưới 17 bàn. MU thời Ole không hề khá hơn thời Mourinho, thậm chí là ngược lại.
Sau thất bại trước Leipzig, Ole bảo vấn đề cốt yếu là MU không chặn được các quả căng ngang của Leipzig. Nhưng trách nhiệm của các cầu thủ chỉ một phần. Cái chính là từ khi nắm MU chứ không riêng gì trận này, Ole không cho thấy ông có giải pháp gì cụ thể để cải thiện hiệu quả phòng ngự của Quỷ Đỏ, hay ít nhất cũng duy trì được sự chắc chắn như thời Mourinho.
Tất cả các hậu vệ của MU hiện tại không ai thực sự tỏ ra đáng tin cậy trong đó có hai người do chính Ole chọn mua là Wan-Bissaka và Harry Maguire.
MU của Ole thường xuyên gặp vấn đề với cách tiếp cận trận đấu của họ. Họ có xu hướng không lập tức ở vào trạng thái sẵn sàng ngay từ đầu trận. Họ thường sơ hở và mất tập trung trong phòng ngự và chỉ trở nên chắc chắn sau khi đã nhận những "cái tát" chí mạng của đối phương.
Hai bàn thắng sớm của Leipzig chỉ củng cố thêm xu hướng thường xuyên thủng lưới ngay từ hiệp 1 của MU mùa này. Sau 18 trận đã chơi ở các giải cho tới nay, MU thủng lưới tới 16 bàn trong hiệp 1 và 9 bàn sau 13 phút đầu trận.
Vấn đề lặp đi lặp lại qua nhiều trận và không có dấu hiệu được cải thiện dù MU thắng hay thua. Thế nên, trách nhiệm của Ole ở đây là rõ ràng. Ông cho thấy mình không có "bài vở" gì để cải thiện tình hình.
Trước thất bại đáng trách trước Leipzig, MU của Ole từng thua thảm Tottenham 1-6, từng bị PSG hạ gục 3-1 ngay ở Old Trafford, từng thua mât mặt 1-2 trước Basaksehir. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều trận đấu họ mắc quá nhiều lỗi phòng ngự.
Đặc điểm chung trong cách chơi phòng ngự của MU thời Ole là rất thiếu tính tổ chức, kèm người lỏng lẻo, để lộ quá nhiều khoảng trống cho đối phương tận dụng, thiếu các phương án phòng ngự cụ thể để kiểm soát các mũi tấn công chủ lực của đối phương.
Nếu cứ đá thế này, MU cũng khó có thể hi vọng gì nhiều ở Europa League, mặt trận họ từng vào bán kết mùa trước, từng được kỳ vọng đăng quang nhưng bị Sevilla trừng phạt cũng vì lỗi phòng ngự sơ hở.
Ở giải Ngoại hạng, MU có nhiều cơ hội sửa sai nhờ mùa giải kéo dài và nhiều khi họ có thể lấy công bù thủ. Nhưng dù thế, không ai tin Ole có thể đưa MU lên đỉnh vinh quang vào cuối mùa với cách chơi phòng ngự thế này.
Khi quyết định sa thải Mourinho và chọn Ole thay thế, ban lãnh đạo MU hi vọng Quỷ Đỏ chơi thứ bóng đá không chỉ hiệu quả mà còn hấp dẫn hơn. Nhưng ít nhất đến lúc này, với Ole, MU đang rơi vào tình trạng "phú quý giật lùi".
Ngoài hai chuỗi bất bại kéo dài vào thời điểm Ole còn đang "thử việc" và cuối mùa trước, MU chơi không đẹp mắt, cũng không ổn định và quan trọng nữa là thành tích kém cả thời Mourinho.
Với Mourinho, MU dù sao cũng từng là á quân giải Ngoại hạng và vô địch Europa League. Với Ole, MU mùa trước chỉ xếp hạng 3 và bị loại ở bán kết Europa League ngay vào lúc họ được kì vọng nhất. Còn mùa này? Không ai dám chắc họ có làm được như mùa trước không, chưa nói làm tốt hơn.
Dĩ nhiên, Ole không phải là tất cả vấn đề của MU nhưng chắc chắn muốn trở lại đỉnh cao và đủ sức cạnh tranh các danh hiệu lớn mỗi mùa, MU cần một HLV tầm cỡ thực sự và đó không phải là Ole.
HT