Bi kịch của tinh thần ái quốc
Đâu phải không có lời cảnh báo
… từ người dân sống trong thung lũng Mont Cervin, nhưng Edward Whymper cố bịt tai trước những chuyện kể có phần hoang đường của họ. Nào là trên đỉnh núi có một thành phố hoang vu mà cư dân là linh hồn của những kẻ bị rút phép thông công. Hay có bầy ma núi rình ném những tảng đá khổng lồ xuống đầu ai dám trèo lên… Whymper cho đó là mấy thứ mê tín dị đoan của kẻ ít học.
Ông muốn viết một trang sử của môn thể thao leo núi chứ không hao phí tâm trí vào huyền thoại siêu nhiên. Cho đến ngày 14/7/1865 định mệnh. Cho đến khoảnh khắc bốn người trong nhóm leo núi của ông rơi từ vách đá dựng đứng, và ngay lúc đó hiện ra một cầu vồng ngũ sắc với hai thập giá khổng lồ trong đám mây mù. “Một cảnh tượng kinh khủng và tuyệt vời chưa từng thấy”, như ông ghi lại sau này, “tựa như một thông điệp từ thế giới khác”.
Không chỉ mình Whymper mà hai người còn lại đều chứng kiến hình ảnh đó, và họ cùng im lặng tin vào thông điệp: bốn người bạn đồng hành của họ đã chết. Họ đã lìa đời sau chiến công hiển hách nhất của đời mình: chinh phục đỉnh Mont Cervin, được coi là bất khả xâm phạm. Riêng Whymper thầm nghĩ mà không dám nói ra lời: đối thủ xảo quyệt của họ đã ra tay trả thù một cách tàn bạo.
Mont Cervin hay Matterhorn theo tiếng địa phương
Hành tinh này có nhiều ngọn núi cao hơn, nhưng hiếm nơi nào bi kịch và khải hoàn lại gần nhau như ở Mont Cervin. Thảm họa trước đây 150 năm khiến ngọn núi này đột nhiên được cả thế giới nhắc đến.
Nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh ra đời trên cơ sở cuộc đấu sức tay đôi giữa người và thiên nhiên. Hôm nay người ta luôn nhắc đến đất nước Thụy Sĩ kèm ba khái niệm: đồng hồ, phô-mai và Mont Cervin (còn có tên địa phương là Matterhorn). Nhìn từ góc độ quảng cáo, dĩ nhiên tai họa này “có lợi” cho cả vùng, nhưng môn alpinism non trẻ đã mãi mãi mất đi vẻ thanh tao lãng mạn.
Nhóm cứu hộ không cầm được nước mắt
… khi tìm ra những mảnh cơ thể rải rác trên sườn núi. Những cú va đập mạnh đến nỗi quần áo nạn nhân bị bóc hết, phần đầu của hướng đạo viên Michel Croz chỉ còn lại hàm dưới và thân thể Lords Francis Douglas không lưu lại chút gì.
Tranh khắc của họa sĩ Pháp Gustave Dore: Whymper, người đầu tiên chinh phục Mont Cervin
Tai nạn chết người đầu tiên ấy đã chấm dứt cái gọi là thời hoàng kim của alpinism: từ giữa thế kỷ 19, các nhà leo núi châu Âu lần lượt chinh phục các đỉnh cao vì vinh quang của tổ quốc mình.
Giờ đây các nhật báo như tờ Times lên tiếng như một cáo trạng: “Vì sao phải phung phí những giọt máu tốt nhất của nước Anh chỉ để leo lên một đỉnh núi hiểm trở nào đó? Ai cho phép làm chuyện đó? Có nghĩa vụ nào bắt ta lên đó không? Có nên gọi đó là tội ác”? Cho đến thời điểm ấy người ta nhìn vận động viên alpinism như những nhà ái quốc vĩ đại vì họ đã làm rạng danh đất nước mình; đột nhiên ai cũng tự hỏi, liệu cái giá phải trả có hợp tình? Edward Whymper, một thợ khắc gỗ từ gia đình nghèo, là một tín đồ của môn này. Ông sang Thụy Sĩ thoạt tiên để kiếm sống bằng tranh vẽ cảnh núi non, rồi ông bị quyến rũ bởi ý tưởng chinh phục Mont Cervin lúc nào không biết.
Từ năm 1861-1865 ông tám lần lên đường, và mỗi thất bại chỉ làm ông thêm quyết tâm. “Tôi sẽ vật nhau với nó, cho đến khi một trong hai chiến thắng”, ông viết vào nhật ký. Và không chỉ nói. Năm 1862 không hướng đạo viên nào chịu đi theo mà Whymper vẫn ngoan cường leo lên đến 4.085m. Rồi vẫn phải chịu thua. “Máu tôi phun ra từ hơn hai chục vết thương”, ông ghi trong nhật ký. Whymper lấy tay bịt máu mà không xuể. Ông phải dùng tuyết đắp lên rồi tìm đường xuống núi, giữa chừng ngất đi vài lần.
Chỉ bốn tuần sau Whymper lại lên đường. Lần này ông phá kỷ lục cá nhân hơn 15m, và chỉ thiếu 400m nữa là tới đỉnh. Nhưng các vòm hàm ếch hiểm trở ngăn giữa ông và vinh quang.
Dore cũng tả lại thảm họa sau phút khải hoàn
Whymper tìm đường mới
… và ngày 13/7/1865 ông trèo lên theo sườn núi Hoernlingrat. Đội của ông được tụ tập một cách vội vã khi Whymper nghe tin Jean-Antoine - người Italy - Carrel đã lên đường. Whymper cảm thấy bị lật lọng, vì Carrel từng là hướng đạo viên cho ông và hứa sẽ cùng ông đi lần sau. Thế là ở Mont Cervin không chỉ diễn ra cuộc đọ sức Anh-Italy, mà còn là sự ganh đua giữa hai người bạn cũ.
Đội của Carrel chọn điểm xuất phát phức tạp hơn từ đất Italy vì tính tự hào dân tộc. Đối với người Anh, được hướng đạo viên Pháp Michel Croz hỗ trợ, hành trình thuận lợi bất ngờ: sau một đêm trong lều ở độ cao 3.350m, hôm sau họ lên một đường dốc khá dễ đi, và sau một số điểm nguy hiểm Whymper biết là mình đã thắng cuộc. “Bây giờ thế giới nằm dưới chân chúng tôi, và Mont Cervin đã đầu hàng!”.
Ở những mét cuối cùng, Whymper cởi dây bảo hiểm và làm một cuộc đua nội bộ với Croz, và thắng! Quan trọng hơn cả là hai người không thấy dấu chân lạ nào trên đỉnh. Rồi họ nhìn xuống và thấy nhóm của Carrel ở dưới mình chừng 400m.
Trong niềm phấn khích vô hạn, nhóm người Anh hét vang và lăn đá xuống dưới. “Người Italy bỏ cuộc và xuống núi”, Whymper hài lòng ghi vào nhật ký. “Tôi ước gì có Carrel đứng bên cạnh, vì tiếng hét của chúng tôi cho ông ấy biết đã hụt mất mục tiêu của đời mình”.
Vật chứng câm lặng: sợi thừng đứt được giữ tại bảo tàng ở Zermatt
Họ dùng một áo sơ-mi và cột chống lều để chế một ngọn cờ tạm, rồi nghỉ một tiếng trước khi xuống núi. Giữa lúc phấn khởi, Douglas Hadow trượt chân và kéo theo ba người nữa xuống độ sâu 1.200m, trước khi dây bảo hiểm đứt.
Khoảnh khắc này sẽ mãi mãi là đề tài tranh luận về nguyên nhân và tội đồ. Whymper nhận ra các bạn đồng hành đã chọn trong số ba sợi thừng yếu nhất - vốn không để làm dây bảo hiểm! Không chỉ sợi thừng, mà cả sự đồng lòng của nhóm phiêu lưu cũng đứt đoạn.
Giờ đây những người sống sót tìm cách đổ một phần lỗi cho người chết. Vì sao Croz, hướng đạo viên xuất sắc nhất, lại đi đầu và do đó không thể đỡ người bị trượt chân? Vì sao Hadow, người trượt chân, lại được tham gia nhóm này, khi còn thiếu kinh nghiệm ở tuổi 19 và thậm chí không có giày tốt? Và hướng đạo viên người Thụy Sĩ Peter Taugwalder mới là nhân vật bi kịch: ông đi sau bốn nạn nhân và thề là đã níu sợi thừng một cách vô vọng cho đến khi bật máu tay.
Nhiều người cho rằng ông đã cắt dây để khỏi bị kéo theo xuống vực. Đi đâu Taugwalder cũng giơ ra hai bàn tay đầy sẹo nhưng mọi người tránh mặt ông. Taugwalder di cư qua Mỹ rồi lại hồi hương, sống ẩn dật đến lúc chết…
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần