Bệnh thành tích và...
(Thethaovanhoa.vn) - Một vấn đề đã được Thể thao & Văn hóa nhắc tới rất nhiều lần, đấy là tư duy nhiệm kỳ và căn bệnh thành tích trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Từ xưa đến nay, dường như căn bệnh này vẫn chưa dứt hẳn được.
Đơn cử như trường hợp của kình ngư Ánh Viên sau khi đã đạt chuẩn và thi đấu ở Olympic, vẫn bị thả xuống hồ bơi Đại hội TDTT toàn quốc và SEA Games để săn huy chương, khiến cô quá tải, mất phong độ. Với bóng đá nam, không ít các tuyển thủ ở đẳng cấp quốc gia và thi đấu nhiều năm cho đội tuyển, vẫn phải quay lại thi đấu ở hệ thống các giải trẻ trong nước và khu vực. Quá nghịch lý và không công bằng, dù biết họ là những tài năng thực sự, là cái mỏ huy chương.
Biết rồi khổ lắm nói mãi
Sẽ không có gì đáng bàn, nếu quyền lợi giữa CLB và các đội tuyển quốc gia được cân đối, nhưng ở đây, điều chúng tôi muốn đề cập (lại) đấy là sự tận thu, vắt đến kiệt sức cầu thủ ở cấp độ quản lý chuyên môn.
Còn nhớ, sau khi cùng đội tuyển U19 Việt Nam dừng chân ở bán kết VCK U19 châu Á năm 2016 ở Bahrain, Quang Hải và Văn Hậu đã ngay lập tức phi xuống Quảng Ninh để đá trận chung kết U21 quốc gia theo điều động. Trong vòng 2-3 năm qua, 2 cầu thủ này thi đấu quá nhiều và ơn trời, họ không gặp phải chấn thương nào quá nặng.
Một viễn cảnh dễ tượng tới đây, đấy là Quang Hải, Văn Hậu và một số các cái tên khác như Hà Đức Chinh, Tiến Linh..., toàn là tuyển thủ loại xịn, sẽ tiếp tục phải cày thêm vòng loại U23 châu Á 2020, SEA Games 2019.
Trước đó, đội tuyển U22 Việt Nam đã gọi lên 27 cầu thủ, tập trung cho U22 Đông Nam Á 2019 và thật may mắn (cũng là hợp lý), không có các cái tên vừa nhắc ở trên, khi thời điểm tập trung U22, các tuyển thủ quốc gia thậm chí chưa về Việt Nam. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho số cầu thủ trẻ tiềm năng và tài năng còn lại.
Ronaldo, Messi, Rooney... khi lên đội tuyển quốc gia ở tuổi 18-19 và đạt đẳng cấp thế giới có bao giờ phải quay lại chơi U21 hay giải khu vực hay không?! Nếu Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp vẫn là mô hình xa xỉ ở Việt Nam, thì bản thân cấp quản lý, định hướng và phát triển nền bóng đá, cũng phải nghĩ đến cầu thủ, bảo vệ họ cũng là bảo vệ uy tín của chính tổ chức đứng đầu. Trong nhiều trường hợp, CLB chủ quản và đại diện cầu thủ cũng phải có phản biện, nếu cần, dù vẫn biết rằng khoác áo các đội tuyển quốc gia \, dù là đội tuyển trẻ, luôn là vinh dự.
Chúng ta đã giành ngôi á quân U23 châu Á, lọt vào bán kết Asian Games trong năm 2018, nhưng vẫn còn đắm đuối với tấm HCV SEA Games môn bóng đá nam, vốn còn thiếu. Chắc chắn ở SEA Games Philippines này, người ta sẽ xua toàn bộ quân tinh nhuệ ở tuổi 22 trở xuống, với kha khá trong số này đã chơi cho đội tuyển quốc gia, quyết săn bằng được tấm HCV đã chờ đợi dài đến hơn nửa thế kỷ.
Thân này biết xẻ làm mấy?
Quang Hải, Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng, Duy Mạnh và cả Đình Trọng, nếu cầu thủ này không bị chấn thương..., đã gần như ngay lập tức tập trung cùng CLB Hà Nội, trước thềm Tết Nguyên đán 2019, tức là chỉ ít giờ sau khi trở về từ UAE, với AFC Asian Cup 2019 - giải đấu mà Việt Nam đã vào chơi tứ kết. Không vấn đề gì cả, bởi cầu thủ ngoài nhiệm vụ ở các ĐTQG, họ phải phục vụ CLB chủ quản - nơi đào tạo và trả lương cho họ, là đương nhiên.
CLB Hà Nội đã và đang chuẩn bị cho mùa giải 2019 từ một vài tháng qua. Trước mắt, họ sẽ đá vòng sơ loại AFC Champions League 2019 cùng đại diện Thai Premier League, tham dự trận Siêu Cúp quốc gia với B.Bình Dương, sau đó là V-League và Cúp quốc gia 2019 diễn ra song song.
Sơ bộ, hơn nửa tá cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội cung ứng cho các đội tuyển, từ U19, đến U20, U23, đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia ..., đã chơi bóng gần như không ngơi nghỉ từ 2-3 năm qua. Tất nhiên trừ trường hợp chấn thương bất đắc dĩ, như kiểu của Đình Trọng, phải phẫu thuật.
Riêng với Quang Hải và Văn Hậu hay Duy Mạnh, họ đã chơi trên dưới 60 trận đấu trong vòng 1 năm đổ lại, ở rất nhiều cấp độ đội bóng và sân chơi - giải đấu khác nhau. Mật độ thi đấu của họ tương đương, thậm chí hơn một tuyển thủ quốc tế như Ronaldo hay Messi.
Trước Quang Hải, đàn anh Phạm Thành Lương cũng đã chơi bóng không ngơi nghỉ suốt 10 năm, từ 2008 đến 2017, cho đến khi anh giã từ đội tuyển quốc gia ở tuổi 29 để toàn tâm toàn ý cho CLB và gia đình. Thật phi thường! Chỉ là sức người có hạn, mà nền bóng đá mấy chục năm qua, mấy khi sản sinh ra được những Thành Lương hay Quang Hải.
Nguy cơ chấn thương luôn tiềm ẩn và nó dễ xảy ra nhất với các trường hợp quá tải. Nên lưu tâm vấn đề này cho mục đích sử dụng lâu dài, thay vì no dồn đói góp. Đừng để căn bệnh thành tích trở thành cố hữu.
Tùy Phong