Bệnh nhân bị tiêu chảy cấp đều liên quan đến ăn hải sản
Ông Nguyễn Văn Hiến, GĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết: đã có 65 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp đã hồi phục sức khoẻ và trở về nhà sau khi điều trị tai các cơ sở y tế. Các bệnh nhân tiêu chảy cấp còn lại được cánh ly và đang được các bác sỹ điều trị tận tình. Từ ngày 19/11 đến nay, chưa có thêm trường hợp nào bị tiêu chảy phải vào các cơ sở y tế điều trị.
Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh đã cấp 7 máy phun hoá chất về các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và nhiều dụng cụ y tế như: dây chuyền dịch, kim luồn... Trung tâm y tế dự phòng cấp trên 3 tấn Cloramin B, 33.000 gói Oresol và nhiều phương tiện khác giúp các địa phương khống chế dịch tiêu chảy cấp.
Theo khảo sát của Trung tâm y tế dự phòng Hà Tĩnh, đa số bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp đều liên quan đến thực phẩm hải sản, hành nghề đánh bắt cá. Đến nay, Hà Tĩnh có 72 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp thì 2/3 trong số này đều ăn các thức ăn như: mực, tôm, sò, ốc, cá...sau đó bị tiêu chảy và phải đến cấp cứu tại các trạm y tế cơ sở. Riêng tại huyện Lộc Hà có 40 trường hợp bị tiêu chảy thì đa số đều là người dân làm nghề cá vùng biển xã Thạch Kim, Thạch Bằng, Hộ Độ.
Tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh có 12 người bị tiêu chảy, trong số này nhiều người ăn hải sản ở các nhà hàng nên phải nhập viện. Chị Đặng Thị Hằng Nga (24 tuổi) ở phường Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh) ăn tôm ở nhà hàng Lý Thanh Sắc; anh Trần Xuân Hồng (50 tuổi) ở xã Thạch Lưu (Thạch Hà) ăn mực ở đám cưới đều bị tiêu chảy.