Barca vs MU: Khi MU kiếm tìm một điều kỳ diệu mới
(Thethaovanhoa.vn) - Liệu Barcelona có phải là PSG, và sân Camp Nou có giống như Công viên các Hoàng tử? Đấy là câu hỏi mà không ít người hâm mộ MU và cả các cổ động viên trung lập đã đặt ra sau khi chứng kiến đội bóng của Solskjaer bị Barca đánh bại ở Old Trafford đêm thứ Tư.
1. Có tới 2 phép bắc cầu cho trận đấu lượt về ở Camp Nou, một trực tiếp, một gián tiếp. Trực tiếp là M.U còn hy vọng. Họ đã thua 0-2 ở sân nhà lượt đi vòng 1/8, nhưng đã lách qua khe cửa hẹp ở những giây cuối cùng bằng bàn thắng quyết định từ quả penalty để đánh bại PSG. Do đó, theo tính chất suy diễn, thua 0-1 ở sân nhà thì cửa đi tiếp của M.U xem chừng có vẻ rộng hơn trận lượt về với PSG. Gián tiếp là khi đã thua, M.U chỉ có thể chơi một thứ bóng đá tấn công và gạt phăng sang bên mọi nỗi lo lắng, để rồi biến trận thua lượt đi thành một động lực lớn lao thúc đẩy họ trên sân Camp Nou.
Guardiola, sau trận thua Tottenham ở lượt đi, đã nói rằng, việc thua 0-1 còn “tốt hơn” là hòa 0-0. Bởi Man City “biết chính xác cần phải làm gì”. Đương nhiên, đối với vị HLV người Tây Ban Nha, người cùng với đội bóng của mình khi đó là Barcelona thắng trận gần nhất sân khách ở vòng loại trực tiếp cách đây đã 8 năm, thì thua 0-1 ở lượt đi tứ kết này còn “hạnh phúc” hơn rất nhiều việc thua 0-3 như trước Liverpool cùng kỳ này mùa trước.
2. Guardiola đã biết chính xác phải làm gì, đó là tấn công để đè bẹp tỷ số cách biệt 1 bàn bất lợi. Solskjaer cũng giống thế, biết phải làm gì để san lấp cách biệt 1 bàn bất lợi ấy. Nhưng Man đỏ ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác với Man xanh, khi 1 bàn có vẻ mong manh ít ỏi ấy thực ra là một trái núi quá lớn, lớn hơn cả PSG. Họ phải đá trên sân khách, trước một người khổng lồ ít khi sảy chân ở Camp Nou. Lần gần nhất họ thua ở Camp Nou một trận lượt về là tháng 5/2013, trước Bayern Munich. Nhưng đó là thời điểm thoái trào của Barca dưới tay người kế cận Guardiola, Tito Vilanova, và ở lượt đi, Barca đã thua tan nát 0-4 trên đất Đức. 6 năm sau, một thảm họa như thế khó có thể xảy ra một lần nữa, bởi hoàn cảnh hiện tại đã rất khác. MU không phải Bayern, cũng không giống Man City có lực lượng siêu dày, siêu mạnh và “biết chính xác cần phải làm gì” để đi tiếp. Barca 2019 cũng rất khác với Barca 2013.
Sau trận thắng oanh liệt ở Paris, MU đã đánh mất sự thăng hoa khi thua 4/5 trận đã đấu, trong đó có 2 trận trước Wolves, 1 trước Arsenal, và 1 trước Barcelona. Những trận thua ở Premier League, khi MU vừa bổ nhiệm Solskjaer làm HLV trưởng chính thức, đã đẩy đội bóng áo đỏ xuống tận thứ 6, kém Tottenham 3 điểm, trong khi giải chỉ còn 5 vòng. Điều đó khiến người hâm mộ cảm thấy lo lắng thực sự, và không rõ con đường phía trước, ít nhất là trong tháng Tư này, sẽ như thế nào. Những gì được thể hiện ở trận lượt đi với Barca cũng rất đáng ngại, cho thấy nguy cơ bị loại ở mặt trận này rất cao: Dù đã kiềm tỏa được Messi, nhưng trong cả trận, MU không sút trúng đích một lần nào, chỉ số tệ nhất kể từ năm 2005.
3. Trước mắt Solskjaer và MU là một thử thách lớn nữa. Đương nhiên, người ta lại kỳ vọng những điều kỳ diệu, như đã từng xảy ra cũng với Solskjaer trên sân PSG. Trong một thế giới bóng đá mà các con số thống kê, độ mạnh yếu và trình độ, cũng như đẳng cấp của các đội bóng khi so sánh với nhau, thì đôi khi, sẽ có những trận đấu không theo bất cứ logic nào cả, đơn giản bởi vì có những điều rất khó giải thích. Liệu ở Camp Nou, bất ngờ Barca mất kiểm soát số phận của họ (dù vẫn kiểm soát rất nhiều bóng, theo cách quen thuộc của họ), khiến cách biệt mong manh 1-0 đã có ở lượt đi trở thành một cơn ác mộng, khi cả Messi lẫn Suarez cùng các cầu thủ khác im tiếng, trong một trận đấu huy hoàng nữa của MU?
Không ai có thể biết được. Mơ, hay ác mộng với MU ở Camp Nou, chỉ được kiểm chứng ở lượt về.
VIDEO soi kèo và dự đoán Barcelona vs M.U (02h00 ngày 17/04), lượt về tứ kết Cúp C1. Trực tiếp K+PM. Trực tiếp Barca vs MU.
Anh Ngọc