Bảo vệ cán bộ 'xé rào' vì lợi ích chung: Cần sớm thể chế bằng pháp luật
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 14- KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đây là quyết sách rất đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chủ trương này được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ, bởi trong thực tiễn có nhiều cán bộ dũng cảm “xé rào” đã cống hiến, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng, sự phát triển của đất nước và lợi ích của nhân dân như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc với chính sách “Khoán hộ”, sau này gọi là “Khoán 10”; ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) ở Long An với chính sách “Bù giá vào lương”...
Tuy vậy, hiện vẫn có rất ít cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá do sợ vi phạm, sợ bị xử lý, mặc dù việc làm, hành động của họ không hề có chút tư lợi cá nhân. Đặc biệt, khi công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang lên đến cao trào, mọi hành vi vi phạm pháp luật, trái quy định đều bị phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh. Mặt khác, một số cán bộ ngại đột phá, sáng tạo vì chưa được động viên, khuyến khích kịp thời cũng như tôn vinh một cách xứng đáng, không những thế, nếu sai lầm thì sẽ bị xử lý.
Thực tế hiện nay trong quá trình thực hiện chức trách và nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ đã phát hiện ra những hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách. Từ đó, họ dừng lại nhưng vẫn không ngừng tư duy, nghĩ cách tháo gỡ, giải quyết nút thắt của các cơ chế, chính sách không phù hợp với thực tiễn để mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Do đó, cần thiết phải có cơ chế bảo vệ những người này, nếu không, sẽ nhiều cán bộ không dám làm vì nếu lỡ thất bại thì nguy cơ họ phải đối mặt với án kỷ luật là rất cao.
Bộ Chính trị đã có kết luận và chủ trương, nhưng để triển khai được trong thực tiễn cuộc sống cần phải có thể chế cụ thể, chi tiết bằng văn bản pháp luật của Nhà nước. Bởi lẽ, hiện chưa quy định hoặc chưa cụ thể như thế nào là “vì lợi ích chung”, việc bảo vệ đến mức nào, nhất là mức độ như thế nào sẽ bị xử lý, trong trường hợp nào sẽ được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm. Không có quy định cụ thể sẽ rất khó triển khai thực hiện, đồng thời cũng rất dễ dẫn đến vận dụng cảm tính, tùy tiện...
Bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực.
Trong đó, việc thể chế bằng các văn bản pháp luật để quy định cụ thể vấn đề này là rất quan trọng, bởi mọi động thái, hành vi của cán bộ, công chức đều phải tuân theo quy định pháp luật. Do đó, cần có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai kết luận, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng, thực thi hiệu quả trên thực tế.
ThS Phạm Văn Chung