Bảo tàng Anh lần đầu tiên cho mượn tượng Parthenon khiến người Hy Lạp nổi giận
(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Anh đang cho Bảo tàng Hermitage của Nga mượn một trong những bức tượng đá cẩm thạch của ngôi đền Parthenon, ngôi đền thờ thần Athena, được xây dựng vào thế kỷ 5 trước Công nguyên ở Acropolis (Hy Lạp). Đây là lần đầu tiên trong 200 năm qua, một tác phẩm điêu khắc cổ đại của ngôi đền này rời khỏi nước Anh.
Các bức tượng đá cẩm thạch Parthenon, hay còn gọi là Elgin (bá tước Elgin), đang là tâm điểm của một trong những cuộc tranh chấp di sản văn hóa gây “ầm ĩ” nhất thế giới. Từ lâu Chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu Anh trao trả tất cả các bức tượng Parthenon nổi tiếng nhưng đều bị phớt lờ. Vậy nên, người Hy Lạp vô cùng tức giận khi Bảo tàng Anh cho Nga mượn bức tượng để triển lãm.
Bảo tàng Anh có “hành động khiêu khích”
Bức tượng bằng đá cẩm thạch này mô tả thần sông Ilissos từng được gắn trên bức tường phía Tây của ngôi đền Parthenon. Bức tượng là một phần trong triển lãm lớn về nghệ thuật Hy Lạp tại Bảo tàng Hermitage được tổ chức nhân dịp 250 năm thành lập. Hermitage, ở thành phố St. Petersburg, là bảo tàng nổi tiếng nhất nước Nga.
Ban quản trị của Bảo tàng Anh mô tả bức tượng này là “đại sứ đá của kỷ nguyên vàng Hy Lạp”. Tuy nhiên, việc Bảo tàng Anh cho Bảo tàng Hermitage mượn bức tượng sẽ tiếp tục “đào sâu” thêm mối căng thẳng giữa Anh và Nga, vốn đã bất đồng về vấn đề Ukraine.
Ngôi đền Parthenon được trang trí bằng nhiều bức tượng trong hơn 2.000 năm, tuy nhiên đến đầu thế kỷ 19 nhiều tác phẩm đã bị quý tộc Scotland Thomas Bruce, bá tước Elgin thứ 7 và là Đại sứ Anh trong Đế chế Ottoman, tháo gỡ ra rồi chuyển về Anh trong cái thời mà sưu tầm nghệ thuật cổ được xem là mốt của giới quý tộc.
Bức tượng đá cẩm thạch Parthenon mô tả thần sông Ilissos đang được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage ở Nga nhân kỷ niệm 250 năm thành lập
Hy Lạp nói rằng các bức tượng này bị tháo dời đi khi đất nước này nằm trong sự xâm chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu, Bảo tàng Anh đã từ chối việc trao trả tượng và tranh cãi rằng ở London, công chúng toàn cầu có thể chiêm ngưỡng các bức tượng miễn phí, trong khi ở Hy Lạp không có thiết bị để bảo vệ các di sản.
Các bức tượng Parthenon chưa hề rời khỏi Bảo tàng Anh kể từ khi chúng được Quốc hội giao lại cho hội đồng quản trị của Bảo tàng từ năm 1816, ngoại trừ những lần sơ tán để đảm bảo an toàn trong thời chiến. Hội đồng quản trị của Bảo tàng Anh khẳng định, họ sẽ cân nhắc bất cứ lời đề nghị nào mượn tác phẩm trong bộ sưu tập của họ với điều kiện tiên quyết là “các tổ chức đề nghị mượn phải đảm bảo trao trả tác phẩm một cách an toàn”.
Hy Lạp cho hành động của Bảo tàng Anh là một quyết định “khiêu khích”, một sự làm nhục. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nói: “Gần đây Chính phủ Anh vẫn khẳng định không thể di chuyển các bức tượng cẩm thạch Parthenon, song qua hành động này thì lời tuyên bố đó không còn giá trị nữa” – Samaras nói.
Còn ông Andrew George, Chủ tịch chiến dịch Marbles Reunited (Quy tụ lại các bức tượng đá cẩm thạch), chỉ trích Bảo tàng Anh khi không đếm xỉa gì đến đề nghị trao trả các bức tượng của Hy Lạp. “Tôi cảm nhận rằng việc thu hút sự quan tâm tới các bức tượng đá cẩm thạch của Bảo tàng Anh đang bị suy yếu đi. Nếu Chính phủ Anh trao trả các bức tượng thì Hy Lạp luôn sẵn sàng cho Anh mượn nhiều di sản văn hóa và tác phẩm nghệ thuật khác” – George khẳng định.
Nhờ đến sự trợ giúp của UNESCO
Và Eddie O’Hara, người đứng đầu một chiến dịch của Anh yêu cầu trao trả các bức tượng về Hy Lạp trong suốt 30 năm qua, cũng bày tỏ: “Tôi cũng đang rất tức giận trước hành động của Bảo tàng Anh. Đây là thời điểm nhạy cảm và tồi tệ nhất, rất mang tính khiêu khích. Năm ngoái, UNESCO đã yêu cầu Chính phủ Anh và Bảo tàng Anh hòa giải việc này song đến giờ vẫn chưa nhận được sự hồi âm nào, mà thay vào đó họ đã cho Nga mượn bức tượng”.
Hy Lạp đang nhờ cậy đến sự trợ giúp của một nhóm pháp lý Anh, đứng đầu là Geoffrey Robertson QC và Amal Clooney, vợ của tài tử Hollywood George Clooney, nhằm nhấn mạnh chủ quyền của các tác phẩm điêu khắc một cách mạnh mẽ hơn. Hồi tháng 10, nhóm này đã tới Athens, thăm bảo tàng Acropolis và có các cuộc thảo luận với Chính phủ Hy Lạp về việc xúc tiến một cuộc chiến pháp lý.
Tuy nhiên hiên nay, giới chức Hy Lạp cho biết, họ không có định có bất cứ động thái quyết liệt nào nhằm giành lại bức tượng khi nó được trưng bày ở Nga, chẳng hạn như yêu cầu Moskva gửi nó về Athens chứ không trở lại London. Họ đang tìm kiếm giải pháp xử lý thông qua UNESCO.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, việc trao trả bức tượng do Bảo tàng Anh quyết định. “Chúng tôi nhận thấy đây là một triển lãm thực sự lý thú đối với người Nga. Chúng tôi có quan điểm rất rõ ràng rằng đây là tài sản của Bảo tàng Anh và hội đồng quản trị của thiết chế này sẽ quyết định trưng bày nó như thế nào”.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa