Bảo quản và pha sữa đúng cách tránh ngộ độc thực phẩm từ sữa cho trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục đã xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, gây hoang mang lo lắng cho các bậc phụ huynh và người dân. Trong đó có không ít vụ việc liên quan đến sữa mà nguyên nhân do qua trình pha chế không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm.
- Số người chết do ngộ độc thực phẩm tăng, chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu
- Hà Nội xây dựng thí điểm tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm trước khi nhân rộng
- Giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Sữa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi hết hạn hoặc bị hỏng. Khi đó, các thành phần trong sữa biến đổi thành các chất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu bảo quản ở nơi điều kiện không đảm bảo, sữa chưa hết hạn vẫn có thể hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Trẻ em bị ngộ độc do sữa
Ngày 27/10, hàng loạt học sinh ở Trường tiểu học Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) bị ngộ độc sữa. Khoảng 500 trẻ phải vào Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy cấp cứu, trong đó 39 trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu. Kết quả hai mẫu xét nghiệm có vi khuẩn Staphylococcus aureus (một loạt vi khuẩn cầu vàng sống trong đất, trong nước, gây ghẻ lở ngoài da, tuy nhiên nhiễm nhiều sẽ gây ngộ độc thực phẩm đường tiêu hóa).
Kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm qua uống sữa tại Ngã Bảy (Hậu Giang) là do uống sữa pha sẵn của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC pha chế không tuân thủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.
Mới đây nhất, ngày 6/11, một người dân đã đến phát bánh mỳ (loại bánh đóng gói sẵn) và sữa cho học sinh tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành và Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Thầy (Kon Tum). Sau khi ăn bánh và uống sữa, nhiều em có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Các em này chủ yếu là học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cùng phụ huynh đưa các em đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Sa Thầy.
Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trong tổng số 51 em ăn bánh bông lan, uống sữa có 35 em có biểu hiện nôn ói, phải truyền dịch. Số còn lại được theo dõi tại Trung tâm y tế huyện Sa Thầy. Đến nay, cả 86 học sinh sức khỏe đều ổn định và đã được ra viện. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc…
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sữa bột pha sẵn
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nguy cơ ngộ độc cấp từ sữa pha sẵn. Nguyên nhân có thể do dụng cụ chứa đựng sữa (bình, chai, lọ…), dụng cụ pha sữa không đảm bảo bị nhiễm vi sinh vật. Nguồn nước dùng để pha sữa nếu không phải là nước sạch hoặc nhiễm vi sinh vật cũng có thể gây ngộ độc. Thậm chí, bàn tay của người pha sữa có nhiễm vi khuẩn cũng khiến người uống gặp nguy hiểm. Ngoài ra, việc bảo quản không đúng cách sữa bột sau khi mở nắp cũng có thể khiến vi sinh vật trong không khí xâm nhập vào bên trong và gây ngộ độc cấp khi sử dụng.
Bệnh nhân khi bị ngộ độc cấp thường có những triệu chứng điển hình như: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Sữa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi hết hạn hoặc bị hỏng. Khi đó, các thành phần trong sữa biến đổi thành các chất nguy hiểm. Đặc biệt, nếu bảo quản ở nơi điều kiện không đảm bảo, sữa chưa hết hạn vẫn có thể hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lâm, sữa bột pha sẵn nên cho bé uống luôn ngay sau khi pha lúc còn ấm nhằm đảm bảo chất lượng của sữa và không để các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào sữa tấn công bên trong cơ thể trẻ. Lượng sữa dư nên đổ bỏ, không nên để dành bởi trong sữa đã có nước bọt của bé, không còn sạch nữa. Gia đình nên chú ý pha một lượng sữa phù hợp tránh pha thừa; không pha chung hai loại sữa cùng với nhau bởi pha chung sữa có thể gây ra sự tương tác giữa các loại sữa và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Gia đình nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi pha; sau khi mở nắp lấy sữa cần phải đóng kín để tránh hấp thu độ ẩm từ môi trường bên ngoài. Mọi người nên để hộp sữa ở nơi thoáng mát, không bảo quản trong tủ lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm chéo vi khuẩn từ các thực phẩm khác trong tủ. Sữa sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong thời gian từ 15-30 ngày. Khi thấy sữa có dấu hiệu bất thường thì cả người lớn và trẻ em đều không nên uống để tránh nguy cơ ngộ độc.
Đặc biệt, pha sữa cũng là yếu tố quan trọng để giữ độ tươi ngon cho sữa và không để vi khuẩn xâm nhập vào sữa của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý các nguyên tắc sau: Rửa tay sạch trước khi pha sữa, tiệt trùng dụng cụ pha sữa bằng nước sôi; lấy nước ấm khoảng 40- 50 độ C và rót lượng nước vừa đủ vào bình; múc sữa bột trong hộp bằng thìa có sẵn, đúng lượng như trên hướng dẫn sử dụng (lưu ý trước khi pha sữa, cần kiểm tra sữa có bị vón cục, không còn mịn hoặc hết hạn sử dụng); cho sữa vào bình nước, lắc đều cho sữa tan. Các gia đình cần lựa chọn loại sữa phù hợp với bé và đã được nhiều người tin dùng…
Thu Phương